Hiện nay, nói hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ là “ung nhọt” của xã hội quả không sai bởi đây là vấn đề vô cùng nhức nhối trong nhiều năm qua, gây ra hệ lụy không nhỏ đến đời sống, sức khỏe người dân, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng và rộng ra là làm mất đi tính minh bạch của thị trường.
Ngay đợt Tết Nguyên đán vừa qua, lợi dụng nhu cầu mua sắm Tết của người dân tăng cao, một số đối tượng đã đưa vào thị trường các mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Cụ thể, trong tháng 01/2023, Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp Đội 4 Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an thành phố Hà Nội) bất ngờ kiểm tra điểm tập kết hàng hóa tại số 158 Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm), phát hiện và tạm giữ khoảng một tấn nầm lợn cấp đông, bốc mùi hôi thối.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ của lô hàng. Chủ lô hàng cho biết, số nội tạng động vật này được đối tượng thu mua trôi nổi từ nhiều nguồn trên thị trường, đang chuẩn bị đưa đi tiêu thụ thì bị kiểm tra, tạm giữ.
Trước đó, ngày 22/12/2022, Đội Quản lý thị trường số 17 phối hợp Đội 4 Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an thành phố Hà Nội) phát hiện và tiến hành kiểm tra một xe ô tô trên đường Nguyễn Xiển (quận Hoàng Mai). Qua kiểm tra, phát hiện trên xe có gần 9.000 sản phẩm máy hút thuốc lá điện tử và phụ kiện, tổng trị giá ước tính khoảng 3,7 tỷ đồng. Nhãn mác của toàn bộ số hàng hóa này thể hiện do nước ngoài sản xuất, hàng hóa không rõ chất lượng. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được hóa đơn chứng từ của lô hàng hóa.
Mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt, tuy nhiên công tác kiểm soát thị trường vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết, phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp, gây khó khăn cho lực lượng chức năng như sử dụng hóa đơn điện tử để quay vòng hàng hóa, lợi dụng thương mại điện tử, mạng xã hội để quảng cáo, bán hàng lậu, hàng giả..., rồi gửi hàng qua các đơn vị dịch vụ bưu chính chuyển phát nhanh, nên lực lượng chức năng khó kiểm tra, phát hiện. Bên cạnh đó, một số văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp tình hình thực tế cũng khiến lực lượng chức năng chưa phát hiện được nhiều đường dây buôn lậu, hàng giả quy mô lớn.
Được biết, theo Kế hoạch 115/KH-BCĐ389 cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các địa phương: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Gia Lai, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang... chỉ đạo các lực lượng chức năng, chính quyền các cấp nắm chắc tình hình, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, không để phát sinh các kho, bãi, điểm trung chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hoạt động lợi dụng môi trường thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.