Làm hộ chiếu cho trẻ em - Hướng dẫn đầy đủ chi tiết nhất

DTVN 10:04 24/10/2019

Hộ chiếu (passport) trẻ em là giấy tờ phải có để trẻ có thể xuất, nhập cảnh. Muốn làm hộ chiếu cho trẻ em lần đầu phải thực hiện thủ tục thế nào?

Căn cứ:

- Nghị định 136/2007/NĐ-CP về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam;

- Nghị định 65/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 136/2007/NĐ-CP;

- Nghị định 94/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 136/2007/NĐ-CP;

- Thông tư 29/2016/TT-BCA hướng dẫn việc cấp, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông.

1. Hộ chiếu trẻ em là gì?

Hộ chiếu quốc gia bao gồm: Hộ chiếu phổ thông, hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ. Theo đó, hộ chiếu trẻ em được hiểu là hộ chiếu phổ thông cấp cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi.

Hộ chiếu trẻ em có thể chia thành 2 giai đoạn:

- Giai đoạn từ 0 - dưới 9 tuổi: Làm hộ chiếu riêng hoặc cấp chung vào hộ chiếu của bố, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em đó;

- Giai đoạn từ 9 tuổi - dưới 14 tuổi: Bắt buộc làm hộ chiếu riêng.

2. Thời hạn của hộ chiếu trẻ em

Hộ chiếu phổ thông cấp cho trẻ em dưới 14 tuổi có giá trị không quá 5 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn.

Hộ chiếu cấp chung cho công dân Việt Nam và trẻ em dưới 09 tuổi là con của công dân đó cũng có thời hạn 5 năm. Trường hợp bổ sung con dưới 09 tuổi vào hộ chiếu của mình thì thời hạn của hộ chiếu sau khi bổ sung như sau:

- Hộ chiếu còn thời hạn không quá 05 năm thì thời hạn của hộ chiếu được giữ nguyên;

- Hộ chiếu còn thời hạn trên 05 năm thì thời hạn của hộ chiếu được điều chỉnh xuống còn 05 năm.

Ví dụ: Hộ chiếu của bố cấp ngày 12/09/2018 sẽ có thời hạn 10 năm từ 12/09/2018 đến 12/09/2028. Ngày 26/10/2018 bổ sung thêm bé vào hộ chiếu của bố, thời hạn sử dụng của hộ chiếu sẽ chỉ còn đến ngày 26/10/2023 (tức là 5 năm).

Theo Điều 5 Nghị định 136/2007/NĐ-CP sửa đổi tại Nghị định 94/2015/NĐ-CP.

Do đó, bố mẹ nên làm hộ chiếu riêng cho con, dù con ở độ tuổi nào để không bị điều chỉnh thời hạn sử dụng hộ chiếu và tránh phải làm thủ tục tách riêng hộ chiếu sau này.

Làm hộ chiếu cho trẻ em - Hướng dẫn đầy đủ chi tiết nhất (Ảnh minh họa)

3. Điểm khác biệt với hộ chiếu người lớn

1- Làm hộ chiếu không cần có mặt trẻ em

Trẻ em không cần phải có mặt khi làm hộ chiếu, cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em đó khai và ký vào tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông là được.

2- Có thời hạn sử dụng ngắn hơn và không được gia hạn

Hộ chiếu trẻ em có thời hạn không quá 5 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn.

Khác với hộ chiếu phổ thông dành cho người trên 14 tuổi có thời hạn 10 nămđược cấp lại khi hộ chiếu còn hạn (điểm a khoản 1 Điều 1 Nghị định 94/2015/NĐ-CP).

3- Không làm hộ chiếu online riêng cho trẻ được

Hiện nay, có nhiều tỉnh, thành đã triển khai thủ tục làm hộ chiếu online. Tuy nhiên, hình thức này chỉ áp dụng đối với người trên 14 tuổi và đề nghị cấp chung hộ chiếu với con dưới 9 tuổi.

Còn trẻ em dưới 14 tuổi cấp riêng hộ chiếu sẽ không thực hiện online được.

4. Thủ tục làm hộ chiếu lần đầu cho trẻ em

4.1. Hộ chiếu riêng cho trẻ em từ 0 - 14 tuổi

Bước 1: Điền tờ khai hộ chiếu dành cho trẻ em

- Tải Mẫu tờ khai hộ chiếu trẻ em X01

- Cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ điền đầy đủ thông tin của trẻ vào Tờ khai. Tờ khai do mẹ, cha khai và ký thay; nếu không còn mẹ, cha thì mẹ, cha nuôi hoặc người giám hộ (có giấy tờ chứng minh là mẹ, cha nuôi hoặc người giám hộ hợp pháp) khai và ký thay

- Dán ảnh của trẻ: cỡ 4x6cm.

Bước 2: Xin xác nhận của Cơ quan Công an

Xin xác nhận tại Công an phường, xã nơi thường trú hoặc tạm trú vào tờ khai và đóng dấu giáp lai ảnh

Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ

- Tờ khai hộ chiếu dành cho trẻ em ở trên: đã điền đầy đủ, dán ảnh và xin xác nhận

- 01 bản sao hoặc bản chụp có chứng thực giấy khai sinh, nếu không có chứng thực thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu

- 02 ảnh cỡ 4cm x 6cm

- Chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân của cha hoặc mẹ (người đi nộp)

- Mang sổ hộ khẩu bản gốc hoặc chứng thực; sổ tạm trú nếu hộ khẩu ngoại tỉnh.

Bước 4: Nộp hồ sơ

- Lên phòng quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh/thành phố nộp hồ sơ

- Lệ phí làm hộ chiếu trẻ em: 200.000 đồng

- Thời gian làm hộ chiếu trẻ em: 8 ngày làm việc

Bước 5: Nhận hộ chiếu

Nhận hộ chiếu tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh công an cấp tỉnh

Hiện tại một số địa phương đã áp dụng hình thức trả hộ chiếu qua dịch vụ chuyển phát nhanh đến tận địa chỉ của người xin cấp hộ chiếu.

4.2. Cấp chung với hộ chiếu cha, mẹ (trẻ em 0 - 9 tuổi)

Thủ tục này cũng được thực hiện với trường hợp cha, mẹ, người giám hộ đề nghị bổ sung con dưới 9 tuổi vào hộ chiếu của mình. Lưu ý, nộp kèm theo hồ sơ hộ chiếu của cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ còn thời hạn ít nhất 01 năm (điểm e khoản 2 Điều 6 Thông tư 25/2016/TT-BCA).

Bước 1: Điền tờ khai xin cấp hộ chiếu

- Tải Mẫu Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông

- Cha, mẹ điền đầy đủ thông tin của mình và con. Ký và ghi rõ họ tên

- Dán 01 ảnh cha, mẹ cỡ 4cm x 6cm, 01 ảnh con cỡ 3cm x 4cm. (Ảnh cha, mẹ dán ở góc trên bên cạnh chữ TỜ KHAI. Ảnh con dán ở ô ảnh ở mục 15).

Bước 2: Xin xác nhận của Cơ quan Công an

Xin xác nhận tại Công an xã, phường nơi thường trú hoặc tạm trú vào tờ khai hộ chiếu. Lưu ý phải có dấu giáp lai trên ảnh của trẻ ở mục 15.

Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ

- Tờ khai xin cấp hộ chiếu ở trên

- 02 ảnh hộ chiếu cho trẻ cỡ 3cm x 4cm. 02 ảnh hộ chiếu của cha, mẹ cỡ 4cm x 6cm (Phông nền trắng, đầu để trần, không đeo kính màu, mặt nhìn thẳng, chụp không quá 03 tháng)

- 01 bản sao hoặc bản chụp có chứng thực giấy khai sinh, nếu không có chứng thực thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu

- Chứng minh thư/thẻ căn cước công dân còn hạn của cha hoặc mẹ (người ghép chung hộ chiếu)

- Mang sổ hộ khẩu bản gốc hoặc chứng thực; sổ tạm trú nếu hộ khẩu ngoại tỉnh.

Bước 4: Nộp hồ sơ

- Nộp hồ sơ tại phòng quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh/thành phố nộp hồ sơ

- Lệ phí làm hộ chiếu cha, mẹ kèm theo trẻ em: 250.000 đồng

- Thời gian làm hộ chiếu: 8 ngày làm việc

Bước 5: Nhận hộ chiếu

Nhận hộ chiếu tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh công an cấp tỉnh

Có thể nhận kết quả tại địa chỉ đã đăng ký với doanh nghiệp bưu chính khi nộp hồ sơ.

Nguồn: Luật Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Làm hộ chiếu cho trẻ em - Hướng dẫn đầy đủ chi tiết nhất tại chuyên mục Đời sống. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Đời sống
Tin tức mới nhất