Lễ hội Tết Việt (từ ngày 21-24/1)
Lễ hội Tết Việt 2021 được tổ chức từ ngày 21-24/1 tại Công viên Lê Văn Tám (Quận 1, TPHCM).
Sau lễ hội đầu tiên vào năm 2020, Sở Du lịch phối hợp với Sở Công thương TPHCM và Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam tiếp tục tổ chức Lễ hội Tết Việt 2021. Chương trình chú trọng đem đến cho các gia đình trải nghiệm Tết cổ truyền, hiểu thêm về ý nghĩa của ngày Tết và các nghi thức trong những ngày lễ tết thông qua 4 hoạt động chính: Xem Tết, ăn Tết, chơi Tết và chợ Tết.
|
Lễ hội Tết Việt được tổ chức từ ngày 21-24/1 tại Công viên Lê Văn Tám |
Xem Tết là hoạt động tái hiện không gian gia đình ngày tết của ba miền Bắc, Trung, Nam trong các ngôi nhà cổ phục dựng, đặc tả không khí đón tết cổ truyền. Điểm nhấn tại đây là triển lãm mâm cỗ Tết và bánh mứt hoa trái ngày xuân được thay đổi trong 4 ngày lễ hội. Ngoài ra, du khách có thể thưởng lãm các tác phẩm đẹp mắt dưới bàn tay của các nghệ nhân từ sản vật trù phú trong nước.
Ăn Tết là nơi đem lại cái nhìn mới lạ từ các món quen thuộc hàng ngày như: 20 món ram cuốn, nem cuốn, 50 món xôi chè cung đình. Điểm đặc biệt năm nay là có hoạt động trải nghiệm gói bánh chưng.
Chơi Tết là các hình thức trò chơi ngày Tết mà cả gia đình và các em thiếu nhi đều có thể tham dự như kéo co, ném lon, ném vòng, bịt mắt đập niêu và nhiều trò chơi tập thể dân gian trong ngày Tết được tổ chức tại các điểm khác nhau trong khu lễ hội.
Chợ Tết, đặc sản ngày Tết của các vùng miền được đem đến bày bán với gần 150 gian hàng theo hình thức chợ phiên.
Lễ hội Tết Việt - Nhà văn hóa Thanh niên (từ ngày 27/1-16/2)
Lễ hội Tết Việt Nhà văn hóa Thanh niên (Q.1) sẽ được tổ chức trong 20 ngày, từ 27/1 đến hết 16/2 (tức 15 tháng Chạp đến hết mùng 5 Tết).
Nội dung tổ chức vẫn gắn với những điểm nhấn mang tính truyền thống của Lễ hội Tết Việt. Năm nay, phố ông đồ được đầu tư rất kỹ lưỡng. Các ông đồ trẻ hiện nay cũng đã xây dựng các thiết kế và hứa hẹn sẽ là một điểm nhấn trong lễ hội.
|
Chương trình Lễ hội Tết Việt Nhà văn hóa Thanh niên là một điểm đến thu hút nhiều thế hệ cùng đến thăm quan và chụp hình áo dài |
Điểm nhấn khác là không gian đường mai với khoảng 145 gốc mai (nhiều hơn so với 124 gốc của năm trước) và được chia đều ở các khu vực. Năm nay chất liệu cũng được thay đổi để hoa mai nhìn giống thật hơn và sẽ được bố trí thành vườn mai vô cực.
Đặc biệt, ở cổng chính của lễ hội sẽ có gốc mai đại thụ 100 năm được thiết kế và thực hiện khá công phu. Gốc mai này vừa mang ý nghĩa về giá trị truyền thống của Lễ hội Tết Việt, vừa tạo cho mọi người cảm giác rất linh thiêng vào ngày Tết.
Ngoài đường mai, lễ hội còn có những hoạt động như đờn ca tài tử, cải lương, múa lân sư rồng, võ thuật, biểu diễn nhạc dân tộc, biểu diễn thời trang, các chương trình ca nhạc… Các hoạt động gắn kết yêu thương để chăm lo cho các em thiếu nhi cơ nhỡ vui chơi Tết; tổ chức ngày hội gói bánh chưng, bánh tét. Các bạn trẻ có thể đến nghe nghệ nhân dạy cách gói những loại bánh truyền thống vào ngày Tết…
Hội Hoa Xuân Tao Đàn (từ ngày 6-17/2)
Năm nay, TPHCM tổ chức Hội Hoa Xuân với chủ đề “TPHCM văn minh - hiện đại - nghĩa tình” tại Công viên Tao Đàn (Quận 1) từ ngày 6-17/2 (tức từ ngày 25 tháng Chạp đến mùng 6 tháng Giêng).
Hội Hoa Xuân Tao Đàn sẽ có hoạt động triển lãm và dự thi nghệ thuật ngành hoa, cá, kiểng, bonsai, non bộ, tiểu cảnh… với quy mô trưng bày và dự thi trên 3.000 hiện vật đạt tiêu chuẩn thuộc các bộ môn, gồm 10 khu trưng bày: Hoa sứ; hoa ôn đới - hoa kiểng - kiểng có trái - cây quý hiếm; đá cảnh - cây khô; kiểng cổ - bon sai; tiểu cảnh - non bộ; hoa lan; cắm hoa - mâm quả; cá cảnh; xương rồng.
Đồng thời, tại đây cũng có các hoạt động Tết cổ truyền như trưng bày mâm quả và cắm hoa nghệ thuật; biểu diễn lân sư rồng, võ thuật cổ truyển, các loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian (múa rối, đờn ca tài tử…).
Các trò chơi dân gian, xiếc, ảo thuật, các sân chơi vẽ tranh, triển lãm tranh, các hoạt động khéo tay dành cho thanh thiếu nhi. Biểu diễn thư pháp tiếng Việt, trà đạo, văn hóa ẩm thực. Chương trình ca nhạc tạp kỹ theo chủ đề hàng ngày.
Đường hoa Nguyễn Huệ (từ ngày 9-15/2)
Theo kế hoạch, Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Tân Sửu 2021 sẽ chính thức mở cửa từ 19 giờ ngày 9/2 đến 21 giờ ngày 15/2/2021 (tức từ ngày 28 tháng Chạp Âm lịch đến mùng 4 Tết).
Đường hoa Nguyễn Huệ 2021 có chủ đề "TPHCM: Văn minh - Hiện đại - Nghĩa tình", được chia thành 2 chương, gồm "Con đường hội tụ bản sắc" và "Con đường hướng tới tương lai", với 13 phân cảnh lớn, nhỏ khác nhau.
|
Phối cảnh đường hoa từ trên cao (Ảnh: BTC cung cấp) |
Điểm nhấn đầu tiên là linh vật của năm Tân Sửu: Trâu được dân gian gọi thân thương là "bạn của nhà nông". Thay vì tạo hình trâu được nhân cách hóa như linh vật các năm trước, linh vật trâu năm nay được thiết kế bằng ngôn ngữ mới thiên về tính tạo hình và kiến trúc.
Thiết kế 26 linh vật trâu đa dạng từ các chú nghé đến những đàn trâu to khỏe, thân thiện được tạo hình cách điệu bằng các vật liệu truyền thống, gần gũi với thiên nhiên và thân thiện với môi trường như lá sen, mây tre, vỏ cừ tràm.
Với tiểu cảnh mùa len trâu, một đặc trưng văn hóa của vùng đồng bằng châu thổ Nam Bộ, dựng lên không gian mát mẻ, hài hòa, vừa mang màu sắc hiện đại, vừa lưu giữ nét truyền thống thân thuộc của làng quê.
Tiếp đó, đại cảnh "Thành phố thông minh" nằm ở cuối Đường hoa lại như cánh cổng rộng mở vươn đến tương lai bằng hình ảnh bông lúa mang biểu tượng nghệ thuật…
Đường sách Tết Tân Sửu (từ ngày 9-15/2)
Lễ hội Đường sách Tết Tân Sửu 2021 dự kiến diễn ra từ 19 giờ ngày 9/2 đến 21 giờ ngày 15/2 (từ 28 tháng Chạp đến mùng 4 Tết).
Năm nay, sự kiện mang chủ đề “Tri thức kết nối tương lai” diễn ra trên 3 tuyến đường: Mạc Thị Bưởi (đoạn từ Đồng Khởi đến Nguyễn Huệ) - Nguyễn Huệ (đoạn từ Mạc Thị Bưởi đến Ngô Đức Kế) - Ngô Đức Kế (đoạn từ Đồng Khởi đến Nguyễn Huệ).
Tuyến Nguyễn Huệ mang chủ đề “Kho tàng tri thức của nhân loại”. Bên cạnh không gian trưng bày, giới thiệu sách hay đến bạn đọc, lễ hội Đường sách Tết Tân Sửu 2021 sẽ tổ chức triển lãm, trưng bày hình ảnh, tư liệu, mô hình với các chuyên đề: Triển lãm mô hình, tư liệu, hình ảnh, một số danh ngôn nổi tiếng của các danh nhân và Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa đọc qua các công trình, kiến trúc nổi bật của TPHCM; triển lãm báo xuân năm 2021; triển lãm tư liệu, xuất bản phẩm, hình ảnh tuyên truyền về biển đảo Việt Nam với chủ đề “Việt Nam - Nhìn từ biển” và các sản phẩm nổi bật, tiêu biểu tại cuộc thi “Chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm”; tài liệu tuyên truyền về quá trình thành lập TP Thủ Đức; trưng bày mô hình toa tàu của tuyến đường sắt đô thị TPHCM - Metro số 1: Bến Thành - Suối Tiên.
Tuyến đường Ngô Đức Kế mang chủ đề “Du hành thế giới cùng sách”. Tại tuyến đường này, người dân và du khách sẽ tham quan khu gian hàng sách thiếu nhi với những tựa sách hay, ý nghĩa được chọn lọc và giới thiệu; khu kỹ năng dành cho thiếu nhi với các hoạt động sôi nổi, bổ ích: vẽ tranh, làm thủ công, thi đọc truyện, thi viết cảm nhận về sách…
Khu vực trải nghiệm công nghệ thực tế ảo VR (Virtual Reality) sẽ là nơi để các em thiếu nhi tự do khám phá thế giới sách một cách chân thực qua không gian thực tế ảo sống động và kỳ thú.
Tuyến đường Mạc Thị Bưởi với chủ đề “Tri thức kết nối tương lai” là khu vực trưng bày và giới thiệu những tựa sách hay, bổ ích với đa dạng thể loại, chủ đề phong phú. Ngoài ra, tại đây còn có hoạt động trưng bày và giới thiệu các tựa sách về doanh nhân, khởi nghiệp; sách giới thiệu về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và công cuộc chuyển đổi số…
Chợ hoa Tết các cấp
TPHCM tổ chức chợ hoa Tết tại Công viên 23 tháng 9, với quy mô khoảng 720 lô, tập trung mua bán các loại cây, hoa kiểng cao cấp bố trí xung quanh mặt tiền công viên, dọc theo các trục đường chính bên trong công viên.
Tại Công viên Gia Định, với quy mô khoảng 800 lô, được bố trí thành 2 khu thuộc Công viên Gia Định, khu A có 290 lô nằm phía Đông đường Hoàng Minh Giám và Khu B, C có 510 lô nằm dọc mặt tiền phía Tây đường Hoàng Minh Giám.
Tại Công viên Lê Văn Tám, quy mô khoảng 280 lô, mặt bằng nằm bên trong công viên, dọc theo hai bên trục chính các cổng vào.
Chợ Hoa Tết cấp quận - huyện tổ chức tại 21 quận, huyện gồm 174 vị trí. Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV tổ chức Chợ Hoa Tết với quy mô 265 lô tại chợ đầu mối Bình Điền.
Chợ Hoa Tết tại Quận 7, 8, với điều kiện đặc thù của vùng sông nước, tổ chức tập trung dọc tuyến bờ kè Trần Xuân Soạn (từ cầu Rạch Ông đến đường Lâm Văn Bền), bến Bình Đông và chợ đầu mối nông sản Bình Điền để phát huy lợi thế về giao thông thủy, mang đậm dấu ấn đặc trưng “trên bến, dưới thuyền”.
Thời gian tổ chức Chợ Hoa Tết tại các quận - huyện diễn ra đồng loạt từ ngày 4-11/2 (tức ngày 23 tháng Chạp đến 12 giờ ngày 30 tháng Chạp). Chợ Hoa Tết Quận 7, 8 tại khu vực dọc tuyến đường Trần Xuân Soạn tổ chức từ ngày 27/1 đến 11/2 (tức ngày 15 tháng Chạp đến 12 giờ ngày 30 Tết).
Các hoạt động phục vụ Tết Tân Sửu khác tại TPHCM - Ngày 4/2, UBND TPHCM tổ chức họp mặt kiều bào mừng Xuân Tân Sửu tại Hội trường Thống Nhất; gặp Lãnh sự Đoàn các nước đầu năm 2021 vào ngày 6/2, tại trụ sở UBND TP. - Ngày 5-6/2, TPHCM tổ chức Ngày hội Bánh tét tại Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc và 24 quận huyện; tổ chức lễ viếng các nghĩa trang TPHCM. - Ngày 8/2, TPHCM tổ chức Lễ dâng cúng bánh tét Quốc tổ Hùng Vương và Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại Đền Tưởng niệm các Vua Hùng, Đền Thờ Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại Công viên Lịch sử-Văn hóa Dân tộc ở Quận 9; tổ chức Lễ dâng hoa, dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM, Phòng tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (Quận 1). TPHCM cũng tổ chức các hoạt động “Mừng Xuân Tân Sửu-Mừng Đảng quang vinh” với các nội dung như chương trình chiếu ánh sáng 3D lên tòa nhà UBND TPHCM, bắn pháo hoa vào đêm giao thừa và các hoạt động văn hóa văn nghệ từ ngày 11-13/2, tại nhiều địa điểm, nhất là ở khu vực ngoại thành, khu chế xuất, khu công nghiệp, ký túc xá… |
Theo VOH