Chứng khoán lao dốc, tài sản 7 tỷ phú USD Việt Nam biến động ra sao?

NGƯỜI ĐƯA TIN 07:41 22/05/2022

Từ đầu tháng 4, VN-Index đã giảm 18,2%, tài khoản của các tỷ phú Việt cũng "bốc hơi" gần 3 tỷ USD, hiện chỉ còn một cái tên lọt top 1.000 người giàu nhất hành tinh.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu doanh nghiệp đại diện của các tỷ phú có diễn biến giảm theo thị trường khiến quy mô tài sản giảm theo là VIC, NVL, HPG, VJC, TCB, MSN.

Ông Phạm Nhật Vượng - doanh nhân giàu nhất Việt Nam ghi nhận tài khoản giảm 400 triệu USD từ đầu tháng 4 đến nay. Dù vậy, ông Phạm Nhật Vượng vẫn đứng thứ 410 người giàu nhất hành tinh và là người duy nhất của Việt Nam lọt top 1.000 người giàu nhất. Ông Vượng lần đầu được Forbes vinh danh năm 2013 với 1,5 tỷ USD và xếp đứng thứ 974 thời điểm được vinh danh. Tháng 4 năm ngoái, tài sản của ông Vượng từng vượt 11,6 tỷ USD, cũng là mức cao kỷ lục.

Theo Forbes, phần lớn tài sản của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng đến từ số cổ phần sở hữu trực tiếp và gián tiếp tại Vingroup. Chính điều này đã khiến tài sản ròng của ông Vượng giảm mạnh khi giá cổ phiếu VIC đang trong xu hướng giảm liên tục. Ông Vượng đang sở hữu trực tiếp 985,5 triệu cổ phiếu VIC và sở hữu gián tiếp 1,17 tỷ cổ phiếu.

Kể từ khi đạt đỉnh hơn 128.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 4/2021, thị giá VIC đã liên tục giảm. Từ cuối năm 2021 đến nay, giá cổ phiếu này đã lao dốc một mạch từ vùng 106.000 đồng/cổ phiếu xuống mức 77.800 đồng/cổ phiếu hiện tại, tương đương mức giảm ròng 26,6%.

Còn nếu so từ đầu tháng 4 đến nay, thị giá VIC cũng bốc hơi hơn 5%, vốn hóa doanh nghiệp cũng giảm mạnh. Trong danh sách 2.000 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất toàn cầu mới công bố của Forbes, Vingroup cũng không góp mặt, thay vào đó là Vietcombank, BIDV, Techcombank, Hòa Phát và Vietinbank.

Read more...

Trong khi đó, tài sản của ông chủ Novaland bốc hơi tới 600 triệu USD, khiến tài sản của ông Bùi Thành Nhơn giảm từ 3,5 tỷ USD xuống còn 2,9 tỷ USD.

Ông Nhơn chính thức được Forbes công nhận là tỷ phú USD hôm 6/4 và đứng thứ 904 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh với khối tài sản 3,5 tỷ USD. Song tính đến ngày 21/5, ông giảm xuống vị trí thứ 1.006. Cổ phiếu NVL của Novaland cũng đã bốc hơi hơn 11% từ thời điểm Forbes công bố chân dung vị tỷ phú thứ 7 của Việt Nam đến nay.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo hiện là người giàu thứ 3 Việt Nam. Bà Thảo là người đồng sáng lập Tập đoàn Sovico - doanh nghiệp hoạt động đa ngành, từ bất động sản đến hàng không, dầu khí… Tại Vietjet Air, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc hãng bay đang sở hữu trực tiếp 47,47 triệu cổ phiếu VJC và sở hữu gián tiếp 193,43 triệu cổ phiếu này thông qua Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny.

Theo số liệu từ Forbes, tài sản của bà Thảo hiện đạt 2,7 tỷ USD, giảm 400 triệu USD so với hồi tháng 4 và là người giàu thứ 1.086 hành tinh. Hồi đầu tháng 3, bà Thảo từng lọt top 1.000 người giàu nhất hành tinh với khối tài sản 3,1 tỷ USD. Cổ phiếu VJC của Vietjet giảm hơn 8% từ đầu tháng 4.

Theo Forbes, tài sản ròng của các tỷ phú USD được tạp chí định giá dựa trên lượng cổ phiếu nắm giữ trong các công ty, bất động sản, tiền mặt, các khoản đầu tư có giá trị và trừ đi số nợ. Trong đó, nguồn tài sản chính của ông Trần Đình Long được Forbes xác định đến từ số cổ phần vị doanh nhân này nắm giữ tại Tập đoàn Hòa Phát.

Tài sản của các tỷ phú Việt đã giảm mạnh vì biến động của thị trường chứng khoán. (Ảnh: FireAnt)

Cổ phiếu HPG của Hòa Phát đã mất 20% thị giá kể từ khi thị trường bước vào đợt downtrend. Tài sản của ông Trần Đình Long theo đó mất 600 triệu USD. Tính đến ngày 21/5, ông Long đứng ở vị trí thứ 1.185 của bảng xếp hạng.

Tài sản của ông Hồ Hùng Anh theo ước tính của Forbes đạt 2 tỷ USD, giảm 500 triệu USD so với hồi đầu tháng 4 và xếp ở vị trí 1.515 thế giới. Ông Hồ Hùng Anh là Chủ tịch HĐQT Techcombank. Ông Nguyễn Đăng Quang tài sản hiện tại đạt 1,7 tỷ USD, tương ứng giảm 300 triệu USD so với hồi đầu tháng 4 xếp ở vị trí 1.730 thế giới, giảm 130 bậc so với hồi đầu tháng 4. Ông Quang là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan. Cổ phiếu TCB đã mất 28% thị giá từ tháng 4/2022 đến nay còn MSN cũng bốc hơi hơn 11%.

Ông Trần Bá Dương và gia đình được đưa vào danh sách của Forbes từ năm 2018, hiện sở hữu 1,5 tỷ USD, biến động giảm 100 triệu USD và là mức giảm thấp nhất của các tỷ phú. Khối tài sản của ông Dương và gia đình xếp thứ 1.863 thế giới. Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) do ông Dương thành lập ban đầu chỉ bán xe, sau đó dần lắp ráp cho các thương hiệu nước ngoài, như Kia, Mazda và Peugeot và sản xuất xe bus, xe tải thương hiệu Việt.

Như vậy, so với thời điểm đầu tháng 4, trước khi thị trường chứng khoán bước vào giai đoạn giảm mạnh, tài sản của 7 tỷ phú USD đã giảm 2,9 tỷ USD

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/chung-khoan-lao-doc-tai-san-7-ty-phu-usd-viet-nam-bien-dong-ra-sao-a553779.html

Bạn đang đọc bài viết Chứng khoán lao dốc, tài sản 7 tỷ phú USD Việt Nam biến động ra sao? tại chuyên mục Người nổi tiếng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Người nổi tiếng
Tin tức mới nhất