Vietravel Airlines - Hãng hàng không thành lập trong bối cảnh Covid-19
Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 457/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam. Nhà đầu tư dự án là Công ty trách nhiệm hữu hạn hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines).
Như vậy, Chính phủ vừa đồng ý chủ trương đầu tư thành lập hãng hàng không Vietravel Airlines, với tổng số vốn 700 tỷ đồng, quy mô ban đầu 3 tàu bay. Vietravel Airlines trở thành hãng hàng không đầu tiên được cho phép thành lập trong bối cảnh Covid-19 đang khiến ngành này lao đao.
|
Vietravel Airlines trở thành hãng hàng không đầu tiên được cho phép thành lập trong bối cảnh Covid-19 đang khiến ngành này lao đao (Hình ảnh minh họa). |
Vietravel sẽ là hãng hàng không gắn với du lịch, cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không trong nước, quốc tế đến các nước trong châu lục, góp phần nâng cao năng lực vận tải hàng không của Việt Nam và phát triển ngành du lịch lữ hành. Với tổng số vốn đầu tư 700 tỷ đồng, ban đầu hãng có 3 tàu bay A320/321, B737 hoặc tương đương, sau đó tăng dần lên 8 tàu bay trong vòng 5 năm đầu tiên. Thời hạn hoạt động dự án 50 năm.
Với mạng bay nội địa, Vietravel Airlines chủ trương chọn các cảng hàng không thứ cấp như Chu Lai cho khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; Vân Đồn và Hải Phòng cho khu vực Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng; Cần Thơ cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhằm tránh ùn tắc.
Theo quyết định phê duyệt, hãng sẽ khai thác, kinh doanh từ tháng thứ 10 nhận chủ trương đầu tư. Điều này đồng nghĩa, đầu năm 2021 có thể hãng sẽ bay chuyến thương mại đầu tiên. Dự kiến khi đi vào hoạt động, hãng tạo việc làm cho gần 600 lao động.
Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định hồ sơ Dự án tại văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định của pháp luật; bảo đảm Vietravel Airlines có đủ điều kiện thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ và các quy định của pháp luật về đầu tư.
Bộ Giao thông - Vận tải có trách nhiệm tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trong quá trình thẩm định, cấp phép kinh doanh theo đúng quy định. Vietravel Airlines chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu báo cáo tại hồ sơ Dự án, hiệu quả đầu tư Dự án theo quy định của pháp luật; triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung bảo vệ môi trường trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đúng quy định của pháp luật.
Hãng đặt mục tiêu cung cấp khoảng 55% số ghế để đáp ứng khoảng 35-40% nhu cầu của khách du lịch bằng đường hàng không tại công ty mẹ Vietravel. 45% số ghế còn lại cung ứng cho các công ty du lịch và các khách hàng khác trên các chuyến bay thuê chuyến.
Thách thức nào đặt ra cho Vietravel Airlines trong bối cảnh Covid-19
Theo báo cáo kết quả thẩm định chủ trương đầu tư Vietravel Airlines của Bộ KH-ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ, việc đầu tư dự án này trong 5 năm đầu khai thác góp phần tạo ra giá trị gia tăng trong nước khoảng 3.650 tỷ đồng, đóng góp vào thu nhập quốc dân hơn 3.185 tỷ đồng, trong đó thu nhập cho lao động khoảng 1.982 tỷ đồng và hơn 1.203 tỷ đồng cho thặng dư xã hội.
Dự kiến khi đi vào hoạt động, hãng tạo việc làm cho gần 600 lao động, đóng góp gần 2.500 tỷ đồng thuế trong 5 năm đầu tiên. Tuy nhiên, Bộ KH-ĐT cũng cảnh báo về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án này khi mới được tính toán sơ bộ, còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố rủi ro khác.
Đó là do mô hình khai thác của Vietravel Airlines cung cấp chuyến bay thuê chuyến, phục vụ du lịch thường tập trung tại các trung tâm vận tải hàng không như: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cam Ranh, trong khi sân bay căn cứ đặt ở Cảng hàng không quốc tế Phú Bài có thị trường hành khách đi/đến không cao. Trong khi, các cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh để đậu tàu bay qua đêm sẽ gây khó khăn chung cho hệ thống hạ tầng hàng không.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là cảnh báo của Bộ KH-ĐT khi thẩm định dự án vào cuối năm 2019, khi dịch Covid-19 chưa xảy ra. Đến nay, tình hình đã thay đổi hoàn toàn khi hàng không trong nước đang thiệt hại nặng nề do tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Theo một ước tính của Bộ GTVT vào tháng 3, tổng số thiệt hại của các hãng hàng không trong nước lên tới 30.000 tỷ đồng.
|
Đến nay, tình hình đã thay đổi hoàn toàn khi hàng không trong nước đang thiệt hại nặng nề do tác động tiêu cực từ dịch bệnh. |
Song, trên thực tế, con số này còn lớn hơn rất nhiều, có thể gấp đôi thậm chí còn cao hơn. Bởi, trong tâm thư gửi cán bộ nhân viên, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho hay, chưa bao giờ hãng phải đột ngột dừng gần như toàn bộ hoạt động, với gần 100 máy bay trong tổng số 106 máy bay phải tạm ngừng khai thác.
“Với lịch bay và tình hình diễn biến dịch bệnh như hiện nay, dự kiến năm 2020, chúng ta sẽ giảm tải cung ứng khoảng 60%; doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng tương đương giảm 65% so với kế hoạch”, ông Dương Trí Thành cho hay. Điều này dẫn đến số chuyến bay toàn mạng chỉ đạt 11,5% với kế hoạch. Khoảng 1/2, tức 10.000 nhân viên của hãng, đã phải tạm nghỉ việc.
Đó chỉ là mới tính riêng Vietnam Airlines, chưa kể các hãng hàng không khác như Vietjet Air, Bamboo Airways, con số thiệt hại còn lớn hơn nhiều. Đó là thách thức đặt ra đối với Vietravel Airlines, khi mà hàng không và du lịch - hai mảng chính mà hãng khai thác - đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19.
Sự ra đời của các hãng bay mới luôn được thị trường đón nhận vì có thêm cạnh tranh, thúc đẩy thị trường hàng không Việt Nam phát triển. Song, trong bối cảnh ngành hàng không đang lao đao vì dịch Covid-19 thì các hãng bay đang đối mặt với thách thức rất lớn, kể cả các hãng đã hoạt động và đang chờ được bay.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ