Vingroup báo lãi đạt kỷ lục từ trước đến nay?

DTVN 11:18 03/04/2020

Vượt con số lãi năm 2013, lợi nhuận sau thuế năm 2019 của Vingroup chính thức lập kỷ lục mới, theo số liệu sau kiểm toán vừa được công bố.

Lợi nhuận năm 2019 cao kỷ lục

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán cho năm 2019 vừa công bố, kết quả kinh doanh của Tập đoàn Vingroup (mã VIC) không thay đổi nhiều so với báo cáo tự lập trước đó.

Tổng doanh thu thuần hợp nhất cả năm đạt 130.036 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2018. Lợi nhuận trước thuế 15.637 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2018 cho thấy các mảng kinh doanh tiếp tục mang lại kết quả tốt với tỷ suất sinh lời cao hơn. Lợi nhuận sau thuế 7.717 tỷ đồng, tăng 23,7% so với năm 2018. Đây cũng là mức lãi cao nhất của Vingroup từ trước đến nay.

Lợi nhuận sau thuế của Vingroup thiết lập mức kỷ lục mới - Đơn vị: Nghìn tỷ đồng

Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản Vingroup đạt 403.741 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 120.589 tỷ đồng, tăng lần lượt 40,1% và 21,6% so với cuối năm 2018. Tỷ lệ nợ do đó cũng tăng và hiện chiếm 70% nguồn vốn của doanh nghiệp. Việc đầu tư cho mảng hoạt động sản xuất, nhất là máy móc, thiết bị và nhà xưởng là một trong các nguyên nhân khiến quy mô tài sản của doanh nghiệp này mở rộng nhanh trong năm 2019.

Thích ứng với dịch bệnh bằng các kênh trực tuyến

Trong ba tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Vingroup nói riêng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong tình hình dịch diễn biến phức tạp, Vingroup tuân thủ theo những chủ trương và chỉ đạo kịp thời của Nhà nước để phòng chống dịch bệnh lây lan, đặt yếu tố sức khỏe của khách hàng lên hàng đầu.

Một số khách sạn thuộc Vinpearl đã tạm đóng cửa, để duy tu bảo dưỡng. Đối với Vincom Retail, bên cạnh việc triển khai khử trùng và đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ các không gian mua sắm an toàn cho khách, công ty con này cũng công bố dành 300 tỷ đồng để hỗ trợ các đối tác thuê mặt bằng trung tâm thương mại trên toàn hệ thống, khẳng định việc đồng hành và chia sẻ, giúp khách thuê vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đồng thời, doanh nghiệp này cũng chuẩn bị những phương án kinh doanh phù hợp với bối cảnh môi trường kinh doanh có nhiều thay đổi. “Trong bối cảnh hiện tại, Vinhomes tăng cường tương tác với khách hàng qua các kênh tương tác trực tuyến và ra mắt kênh Youtube chính thức để quảng bá sản phẩm. Vinpearl lên kế hoạch chuẩn bị các chương trình và sản phẩm hấp dẫn để thu hút khách du lịch nội địa trong vòng vài tháng tới”, phía tập đoàn này cho biết thêm. Còn trong lĩnh vực sản xuất, VinFast và VinSmart đều đẩy mạnh việc bán hàng qua các kênh trực tuyến.

Thu 8.500 tỷ từ thoái vốn

Thương vụ chuyển nhượng đáng chú ý nhất của Vingroup năm vừa qua là chuyển giao chuỗi bán lẻ VinMart và VinMart+ và Công ty nông nghiệp VinEco cho đối tác Tập đoàn Masan.

Theo thỏa thuận 2 bên, Masan sẽ nhận 83,74% tổng số cổ phần phổ thông đang lưu hành của Công ty VCM (Công ty mẹ VinMart, VinMart+, VinEco). Đồng thời, tập đoàn này sẽ phát hành quyền chọn được nhận cổ phần của một công ty hợp nhất mới cho Vingroup. Trong đó, công ty hợp nhất mới sẽ sở hữu cổ phần và vận hành cả 2 công ty gồm VCM và Công ty TNHH MasanConsumerHoldings.

Tuy nhiên, trong thỏa thuận này 2 bên không tiết lộ về giá trị kèm theo việc sáp nhập.

Trong năm 2019, Vingroup đã hoán đổi toàn bộ 64,3% tỷ lệ sở hữu trong công ty VinCommerce cho CTCP Tập đoàn Masan lấy quyền chọn nhận cổ phần trong một công ty mới là công ty hợp nhất sở hữu cổ phần của 2 công ty, bao gồm VinCommerce và MasanConsumerHoldings (mảng sản xuất bán lẻ của Masan).

Như vậy, thay vì sở hữu trực tiếp cổ phần trong VinCommerce, Vingroup sẽ sở hữu cổ phần trong một công ty hợp nhất về sản xuất và bán lẻ hàng tiêu dùng.

Sau đó, Vingroup cũng thực hiện thoái vốn một phần trong tổng số quyền chọn mà Vingroup sở hữu. Sau giao dịch này, Vingroup vẫn nắm một tỷ lệ sở hữu đáng kể nhưng không kiểm soát trong công ty hợp nhất.

Trong quý IV/2019, Vingroup ghi nhận lãi 8.502 tỷ VND từ giao dịch hoán đổi và giao dịch chuyển nhượng quyền chọn nêu trên.

Ngoài hé lộ lợi nhuận từ giao dịch chuyển nhượng chuỗi bán lẻ và nông nghiệp nói trên, Vingroup cũng cho biết đã hoàn thành kế toán tạm thời với giao dịch mua 100% vốn Công ty General Motors Việt Nam (từ năm 2018).

Trong đó giá trị tài sản công ty này sau điều chỉnh tăng từ 1.155 tỷ đồng lên 1.366 tỷ đồng. Trong năm 2018, lợi nhuận của General Motors Việt Nam vào khoảng 208 tỷ đồng.

Liên quan tới hoạt động sản xuất ôtô, tháng 9/2019, Vingroup đã chi 288 tỷ mua thêm 51% vốn tại Công ty Aapico Vinfast, và trở thành công ty mẹ của doanh nghiệp sản xuất thân ôtô và xe có động cơ khác này.

Tổng tài sản của Aapico Vinfast tại thời điểm mua là gần 851 tỷ đồng, nợ phải trả là 392 tỷ đồng.

Chuyển nhượng vốn công ty bất động sản

Năm 2019, Vingroup đã mua 34,22% vốn Công ty Mundo Reader với giá 475 tỷ đồng. Tập đoàn sau đó góp thêm 479 tỷ đồng vào công ty này và trở thành công ty mẹ sở hữu 51% vốn Mundo Reader. Trong đó, hoạt động chính của Mundo Reader là nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm công nghệ bao gồm điện thoại thông minh.

Giá trị tài sản hợp lý của công ty này được Vingroup xác định vào khoảng 2.167 tỷ đồng, nợ phải trả là 1.331 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính từ đầu năm 2019 đến thời điểm mua lại (ngày 28/2/2019), Mundo Reader ghi nhận 698 tỷ đồng doanh tthu và lỗ trước thuế 55 tỷ đồng. Số lỗ từ ngày mua đến hết năm 2019 là 820 tỷ đồng.

Ngoài các giao dịch nói trên, năm 2019, Vingroup cũng lãi hàng nghìn tỷ từ việc bán các dự án bất động sản. Trong đó, tập đoàn này chuyển nhượng 100% vốn CTCP Đầu tư Bất động sản Prime Land với giá 2.610 tỷ đồng, thu lãi 1.612 tỷ đồng; chuyển nhượng toàn bộ vốn Công ty Ngôi sao Phương Nam giá 1.920 tỷ đồng, và lãi 1.124 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng cũng chi ra hàng chục nghìn tỷ để mua các dự án mới.

Trong đó, chi 17.194 tỷ đồng mua toàn bộ cổ phần Công ty Thành phố Xanh; chi 4.920 tỷ đồng mua Công ty CP Delta. Cả 2 doanh nghiệp này đều sở hữu dự án bất động sản được Vingroup đánh giá là tiềm năng tại ngày mua.

Với giao dịch tại Công ty CP Hàng không Vinpearl Air, Vingroup từng mua 80% vốn doanh nghiệp này với tổng giá phí 1.040 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 14/1/2020, tập đoàn đã quyết định ngừng dự án vận tải hàng không này.

Tính trong cả năm 2019, Vingroup ghi nhận 130.036 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, tăng gần 7% so với năm trước. Lợi nhuận trước và sau thuế đạt 15.637 tỷ đồng7.717 tỷ đồng, tăng lần lượt 13% và 24% so với năm trước.

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Vingroup đạt 403.741 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 120.589 tỷ đồng, tăng tương ứng 40% và 22% so với cuối năm 2018.

Lâm Anh (T.H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/vingroup-bao-lai-dat-ky-luc-tu-truoc-den-nay-d72898.html

Bạn đang đọc bài viết Vingroup báo lãi đạt kỷ lục từ trước đến nay? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp
Tin tức mới nhất