Theo cập nhật mới nhất từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, Công ty Cổ phần Vincom Retail (mã chứng khoán: VRE) đã hoàn tất mua lại 56,5 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ thông qua khớp lệnh trên sàn trong khoảng thời gian từ 14/11 – 13/12/2019.
Theo công bố này, giá giao dịch bình quân 34.561 đồng/cổ phiếu tương đương số tiền Vincom Retail phải chi lên đến hơn 1.950 tỷ đồng.
Vincom Retail cho hay, nguồn vốn thực hiện được trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán thời điểm gần nhất. Ghi nhận trên báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ sau soát xét, Vincom Retail đã tích lũy được hơn 3.992 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến hết 30/6/2019.
Trên thị trường chứng khoán ngày 19/12, cổ phiếu VRE đang dừng ở mức 32.400 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 6% so với giá mua cổ phiếu quỹ. Tạm tính tại mức thị giá này, vốn hóa thị trường của Vincom Retail vào khoảng hơn 73.600 tỷ đồng.
Sau giao dịch, khối lượng cổ phiếu lưu hành của Vincom Retail giảm xuống 2,27 tỷ cổ phiếu. Trong đó, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng (mã SDI) là cổ đông lớn nhất nắm giữ 33,05% cổ phần, Tập đoàn Vingroup (mã VIC) nắm giữ 18,82% cổ phần. Ngày 30/12 tới đây, Đô thị Sài Đồng sẽ chốt danh sách cổ đông để thực hiện hoán đổi cổ phiếu Vingroup với tỷ lệ 1:1,1.
|
Ảnh minh họa |
Trước đó, một doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái Vingroup là Công ty Cổ phần Vinhomes (mã: VHM) cũng đã hoàn tất giao dịch mua vào 60 triệu cổ phiếu quỹ vào ngày 6/12. Sau giao dịch, Vinhomes giảm số lượng cổ phiếu đang lưu hành từ gần 3,35 tỉ đơn vị xuống còn 3,29 tỉ đơn vị.
Như vậy, Vinhomes cũng đã chi hơn 5.545 tỷ đồng để mua 60 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ với giá bình quân 92.425 đồng/cổ phiếu. Như vậy, bộ đôi doanh nghiệp “họ” Vingroup là VHM và VRE đều đã mua đủ số cổ phiếu quỹ đăng ký.
Tại thời điểm công bố thông tin đăng kí mua ngày 1/11, cả Vinhomes và Vincom Retail đều chưa nắm giữ cổ phiếu quỹ. Ban lãnh đạo hai công ty cho rằng, thị giá cổ phiếu hiện đang ở mức thấp so với giá trị thực, nên việc mua lại cổ phiếu nhằm bảo vệ quyền lợi của công ty và cổ đông.
Trên thị trường chứng khoán, ngay sau khi thông tin mua cổ phiếu quỹ được công bố, hai cổ phiếu VHM và VRE đã trải qua giai đoạn giao dịch sôi động trong nửa đầu tháng 11 với giá và thanh khoản cùng tăng mạnh. Khi đó, cổ phiếu VHM có kỳ gia tăng sức mạnh lớn khi đã nhảy lên 95.000 đồng/CP, tương đương với vùng đỉnh cao nhất trong lịch sử. Còn cổ phiếu VRE cũng quanh vùng giá 40.000 đồng/CP.
Dù vậy, sau giai đoạn đó, cả hai mã VHM và VRE đều giao dịch chững lại, thậm chí giảm sâu sau khi giao dịch cổ phiếu quỹ hoàn tất.
VRE giao dịch phiên đầu tiên trên HOSE ngày 6/11/2017 với giá tham chiếu 33.800 đồng/CP. Ngay phiên đầu tiên cổ phiếu này tăng kịch trần 20% và đóng cửa ở 40.550 đồng/CP, khối lượng giao dịch chỉ 800 đơn vị.
Trong ba phiên sau đó không có cổ phiếu VRE nào được khớp lệnh nhưng ngày 7/11 có gần 415 triệu đơn vị được giao dịch thỏa thuận. Có được sự tăng trưởng này là nhờ số cổ phiếu do Trần Thị Thúy, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần GAB được GAB ủy thác 10,35 tỉ đồng để bà này dùng mua 250.000 cổ phiếu VRE với giá chưa điều chỉnh 41.400 đồng/CP. Số cổ phiếu mà bà Thúy mua nằm trong số giao dịch thỏa thuận này.
Suốt từ khi cổ phiếu VRE đã được giao dịch thành công với mức giá 40.600 đồng/CP tại thời điểm đầu tháng 11/2019 thì đến nay cổ phiếu này vẫn không có bứt phá đặc biệt và khó trở về được ngưởng đỉnh như kỳ vọng trước đó (!?).
Kết thúc phiên giao dịch trên thị trường chứng khoán ngày 19/12, cổ phiếu VRE đang dừng ở mức 32.400 đồng/cổ phiếu (giá tham chiếu đang ở mức 34.750 đồng). Đây là phiên thứ 2 cổ phiếu VRE giảm liên tiếp và phiên thứ 3 trong tuần ghi nhận cổ phiếu này có đà tăng trưởng lên xuống thất thường của màu "xanh" - "đỏ".
Tuy nhiên, đây cũng là tỉ lệ biến động giá giảm tương đối rõ rệt của cổ phiếu VRE trong tháng qua khi đã mất 8,22% và trong tuần cũng giảm 6,76% và trong quý cũng âm 4,99%.
T.Hà/Sở hữu Trí tuệ