Việt Nam sắp đón loạt dự án FDI 'khủng'?
Mới đây, nguồn tin Nikkei Asian Review cho biết, Tập đoàn điện tử Hàn Quốc sẽ chuyển dây chuyền sản xuất tivi từ Thiên Tân tới Việt Nam, Mexico, Hungary, Ai Cập và một số nơi khác. Đại diện Samsung khẳng định sự dịch chuyển này sẽ giúp hoạt động sản xuất toàn cầu của hãng trở nên hiệu quả hơn.
Trước đó, Samsung cũng đã đóng cửa các nhà máy lắp ráp điện thoại thông minh ở Thiên Tân và thành phố Huệ Châu (tỉnh Quảng Đông) trong năm ngoái. Hãng cũng sẽ đóng cửa một nhà máy lắp ráp máy vi tính ở Tô Châu (tỉnh Giang Tô).
Tại Việt Nam, Tập đoàn Samsung hiện đang là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lớn nhất. Chỉ tính riêng Samsung Điện tử đã có tới 3 tổ hợp sản xuất tại Bắc Ninh (SEV), Thái Nguyên (SEVT) và TP. HCM (SEHC) với tổng vốn đầu tư 9,5 tỷ USD, trong đó SEHC tập trung vào mảng sản xuất tivi và màn hình.
|
Không chỉ Samsung, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, nhiều ông lớn công nghệ đã di dời nhà máy khỏi Trung Quốc, nơi được mệnh danh là “công xưởng thế giới”.
Khảo sát của Bank of America cho thấy, từ trước khi dịch COVID-19 bùng lên ở Trung Quốc, nhiều tập đoàn toàn cầu đã bắt đầu quá trình dịch chuyển dây chuyền sản xuất từ nước này sang các quốc gia khác vì xung đột thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ, giá lao động ở Trung Quốc tăng cao...
Dịch Covid-19 là chất xúc tác khiến quá trình này tăng tốc mạnh mẽ. Theo thống kê của BofA, đại dịch khiến 80% lĩnh vực kinh doanh toàn cầu đối mặt với tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng.
Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có cơ hội hưởng lợi và có thể kỳ vọng về làn sóng đầu tư thứ tư.
Các hình ảnh rò rỉ mới đây trên mạng xã hội cho thấy dòng điện thoại mới nhất của Google có ghi hàng chữ "Made in Vietnam".
Cụ thể, mới đây, trang Tinhte đã đưa hình ảnh một vỏ hộp điện thoại Pixel 4A của Google với dòng chữ thiết kế bởi Google, nhưng được "Made in Vietnam", với các phụ kiện đến từ Trung Quốc.
Như vậy có thể hiểu rằng, chiếc điện thoại mới nhất của Google đã được sản xuất tại Việt Nam.
Thông tin này khá phù hợp khi đầu năm 2020, hãng tin Nikkei (Nhật) cho biết, trong tháng 4/2020, Google bắt đầu sản xuất điện thoại Pixel 4A tại phía Bắc Việt Nam.
Vào cuối tháng 6, hãng tin Nikkei cũng dẫn lời ông Young Liu, Chủ tịch Foxconn, cho biết, chiếc điện thoại của Google là Pixel 5 sẽ được sản xuất tại Việt Nam vào cuối năm nay bởi FIH-Mobile, một công ty con của Foxconn, chuyên sản xuất các dòng điện thoại Android.
|
Hồi đầu tháng 8/2020, Giám đốc đối ngoại của Công ty TNHH Luxshare - ICT Việt Nam, ông Tăng Tuệ Bằng, cho biết thời gian qua, lãnh đạo của tập đoàn Apple đã nhiều lần về nhà xưởng của công ty này tại khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang để kiểm tra các điều kiện sản xuất điện thoại iPhone, bao gồm yêu cầu về nhà xưởng, quy mô và vốn đầu tư.
Được biết, Luxshare đứng thứ 20 trong top 100 công ty lớn nhất Trung Quốc, đồng thời là một trong 3 công ty sản xuất sản phẩm cho tập đoàn Apple, trong đó thương hiệu điện thoại đình đám iPhone.
Tuy nhiên, một phần cơ sở của Luxshare vẫn chưa đáp ứng được yêu của Apple. Chưa rõ chính xác, Luxshare chưa đáp ứng được tiêu chí nào. Song dường như chất lượng khu ký túc xá cho công nhân là nguyên nhân khiến Táo khuyết chưa chấp nhận việc sản xuất iPhone tại nhà máy này.
Theo nhiều chuyên gia nước ngoài, Việt Nam có sức hấp dẫn của một thị trường tiêu dùng gần 100 triệu dân, con số tương đối lớn. Lực lượng lao động đông đảo, chi phí thấp, môi trường chính trị, kinh doanh ổn định. Tăng trưởng kinh tế cao, năng động. Mặt khác, về địa lý, Việt Nam cũng ở gần Trung Quốc, thị trường 1,4 tỷ dân.
Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, đến hết tháng 8/2020, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 19,54 tỉ USD, bằng 86,3% cùng kỳ năm 2019. Sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh trong các tháng vừa qua. Đây là dấu hiệu của làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam - điểm đến hấp dẫn với những lợi thế cạnh tranh sẵn có, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới cùng với những biện pháp phòng chống Covid-19 tích cực và hiệu quả.
Chia sẻ với báo Người lao động vấn đề này, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), bày tỏ băn khoăn khi sự dịch chuyển đầu tư đến Việt Nam phần lớn từ các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc. Trong khi đó, nguồn đầu tư công nghệ cao từ châu Âu, Mỹ… mà Việt Nam kỳ vọng thu hút được lại rất ít. Ông Nguyễn Đình Cung kiến nghị nên có chính sách riêng đối với từng nhà đầu tư và gọi đó là chính sách "may đo". Cùng với đó, chính sách pháp luật phải đồng bộ, tránh tình trạng ở nơi này đúng nhưng nơi khác lại sai.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN, nhà đầu tư đã và đang được Việt Nam triển khai mạnh mẽ nhưng đó là tổng thể chung, còn xét về từng lĩnh vực thì cần có các giải pháp phù hợp riêng lẻ.
Hà Linh (T/H)/Sở hữu trí tuệ