Liên tục giảm sâu
Sáng ngày 09/12 vừa qua, hơn 324 triệu cổ phiếu CTCP Masan MeatLife (UPCoM: MML) giao dịch trên sàn UPCoM. Trước khi lên sàn, MML đã nhận được sự chú ý của nhà đầu tư khi chào sàn ở mức giá 80.000 đồng/cổ phiếu, tương đương định giá gần 26.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD).
Tuy nhiên, ngay trong phiên giao dịch đầu tiên trên sàn UPCoM, cổ phiếu MML đã giảm hơn 12,2%. MML đã giảm mạnh so với giá tham chiếu khi đóng cửa phiên chào sàn ở mức giá 69.900 đồng/cp, rồi về mức giá 65.100 đồng ở phiên giao dịch tiếp theo. Hai phiên phục hồi nhẹ sau đó nhưng không đáng kể.
|
Sau 5 phiên giao dịch, dường như mốc giá 80.000 đồng (tương đương vốn hóa thị trường 1,1 tỷ USD) đang ngày càng trở nên xa vời đối với cổ phiếu này.
Trước thời điểm cổ phiếu MML lên UPCoM, giá cổ phiếu được giao dịch trên thị trường OTC trong khoảng giá 75.000 - 85.000 đồng/cp. Như vậy, với những nhà đầu tư mua vào cổ phiếu MML trên thị trường OTC đều lỗ ngay trong phiên giao dịch đầu tiên.
Cùng “họ” Masan, cổ phiếu của Hàng tiêu dùng Masan (UPCoM: MCH) cũng giảm hơn 4,3% trong phiên giao dịch ngày 09/12.
Về triển vọng tương lai của Masan MEATLife, trong một báo cáo công bố hồi tháng 10, Công ty chứng khoán VnDirect cho biết MML ước tính doanh thu tăng gấp 5 lần trong giai đoạn 2019-2023 nhờ mảng thịt.
MML đặt mục tiêu doanh thu thịt đạt 54.200 tỷ đồng (khoảng 10% thị phần thịt lợn toàn quốc) vào năm 2022.
Thách thức của Masan MeatLife
Bình luận về hiện tượng cổ phiếu của Masan MeatLife liên tục giảm sâu, ông Nguyễn Kim Chi, Giám đốc Công ty chứng khoán KIS, chi nhánh Phạm Ngọc Thạch cho rằng, việc cổ phiếu MML lên sàn và giảm là điều bình thường. Có thể đến từ động thái chốt lời của nhà đầu tư khi đủ lời. Mặt khác, có thể đây là kết quả của việc định giá niêm yết ở mức cao.
Cũng có ý kiến cho rằng do ảnh hưởng từ cổ phiếu công ty mẹ Masan (MSN) đã khiến giá giao dịch của MML diễn ra không được như mong đợi. Kể từ thương vụ 03/12 đến nay, cổ phiếu của Tập đoàn Masan (MSN) cũng đã giảm 12,3%.
Cổ phiếu của Tập đoàn Masan (MSN) tiếp tục đà giảm mạnh kể từ thương vụ "bom tấn" với Tập đoàn Vingroup. Đó là thương vụ sáp nhập giữa CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce của Vingroup, Công ty VinEco và CTCP Hàng tiêu dùng Masan-Masan Consumer Holding (MCH).
Về hoạt động kinh doanh, Masan MeatLife đã khép kín chuỗi cung ứng 3F (từ trang trại đến bàn ăn). Dù vậy, bản chất kinh doanh của công ty vẫn hoàn toàn đến từ mảng thức ăn chăn nuôi với tỷ trọng doanh thu năm 2018 là 99% thông qua Anco và Proconco.
Thực tế doanh nghiệp của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang này đang trong quá trình chuyển đổi từ một công ty chuyên về thức ăn chăn nuôi thành công ty theo mô hình hàng tiêu dùng cung cấp sản phẩm thịt heo có thương hiệu sau khi tung ra thương hiệu thịt heo Meat Deli vào cuối năm 2018.
Meat Deli đặt mục tiêu thâu tóm 10% thị phần trên thị trường thịt heo có quy mô lên đến 10 tỷ USD tại Việt Nam. Những thách thức chính cho MML trong việc hoàn thành mục tiêu kể trên đến từ việc công ty có thành công trong việc bán các sản phẩm thịt chế biến nhằm tăng giá trị thu được trên mỗi con heo; đảm bảo chất lượng của các điểm bán trong bối cảnh MML đạt mục tiêu mở rộng mạng lưới phân phối ở tốc độ cao; và khả năng đảm bảo nguồn cung heo nhằm đáp ứng kế hoạch mở rộng nêu trên.
Thị trường thịt heo hiện nay có bối cảnh tương đồng với thị trường nước mắm và thị trường mì ăn liền trong quá khứ. Những thành công lớn nhất trong ngành hàng tiêu dùng của Masan đến từ việc hợp nhất các thị trường có quy mô lớn nhưng có tính phân mảnh và chưa bị chi phối bởi các thương hiệu, ví dụ như thị trường nước mắm và thị trường mì ăn liền cao cấp trong quá khứ.
Trong khi đó, Meat Deli đang đi theo hướng công nghệ thịt mát, xây dựng thương hiệu và hệ thống phân phối theo mô hình ngành hàng tiêu dùng nhanh. Về mặt phân phối, bên cạnh việc vận hành chuỗi cửa hàng của riêng Meat Deli và các điểm bán trong siêu thị, MML còn áp dụng mô hình độc đáo là các cửa hàng đại lý mà trong đó công ty hợp tác với các cửa hàng bách hóa nhỏ lẻ tọa lạc gần các chợ truyền thống và/hoặc các khu dân cư.
Masan MeatLife tiền thân là Công ty TNHH MTV Hoa Kim Ngân được thành lập năm 2011 với vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Sau nhiều lần thay đổi và tăng vốn, công ty hiện có vốn 3.243 tỷ đồng. Doanh nghiệp ngành chăn nuôi này sở hữu hệ thống 2 công ty con trực tiếp (gồm MNS Feed và Anco), 16 công ty con sở hữu gián tiếp và 4 công ty liên kết sở hữu gián tiếp. Cơ cấu cổ đông Công ty tính đến ngày 8/11 gồm 3 cổ đông lớn là Tập đoàn Masan (79,32%), Công ty TNHH Tầm nhìn Masan (7,95%) và Consumer Meat II Pte.Ltd (thuộc quỹ KKR) (7,14%). |
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ