Chủ đầu tư buộc phải chịu lỗ?!
Đại diện Công ty TNHH Phát triển Đô thị & Xây dựng 379 – Chủ đầu tư dự án Athena Complex Pháp Vân cho biết, hiện nay việc thi công dự án đang gặp rất nhiều khó khăn. Một phần rất lớn đến từ việc giá sắt thép tăng lên 40-50% còn các vật liệu khác như xi măng, gạch, cát cũng tăng 10%. Trong khi đó chi phí nguyên vật liệu của công trình thường chiếm 40 - 70% tổng giá trị dự toán công trình. Chỉ riêng sự thay đổi giá của 5 loại vật liệu chủ yếu là xi măng, thép xây dựng, đá, cát và gạch đã đẩy chi phí xây dựng tăng 1,25 - 1,4 lần, buộc chủ đầu tư phải huy động thêm vốn từ các nguồn khác nhau để sớm hoàn thiện công trình. Ngoài ra, các vật liệu hoàn thiện cũng chịu sức ép không nhỏ trong bối cảnh này. Cụ thể, so với năm 2020 thì hiện nay, vật liệu sơn cũng tăng giá tới gần 200%, vật tư điện nước tăng 25-40%, chi phí nhân công tăng từ 10-20%... Trong khi đó, số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ được một nửa so với trước do nhiều người chưa thể trở lại Hà Nội trong tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay.
|
Nhiều chủ đầu tư các dự án và nhà thầu xây dựng đang “méo mặt” trước sự bão giá của vật liệu xây dựng. |
Thế nhưng, theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và một số nghị định về quản lý dự án, quản lý chi phí đầu tư xây dựng… các dự án hợp đồng trọn gói (quy mô đầu tư dưới 20% tổng mức dự án) không thể điều chỉnh tổng mức đầu tư trong quá trình triển khai. Vì thế, khi thay đổi mức giá vật liệu xây dựng dự án bị đội giá, doanh nghiệp buộc phải chịu lỗ.
“Rất may là dự án Athena Complex Pháp Vân đã xây xong phần thô từ năm ngoái và hiện đang bước vào các công đoạn hoàn thiện như xây ngăn trong, trát trong, lắp cửa sổ bao ngoài, sơn lót mặt ngoài, lắp đặt thang máy, cửa kính,… Mặc dù rất nỗ lực nhưng cũng phải thừa nhận rằng chúng tôi đang phải rất đau đầu trong việc đẩy nhanh tiến độ dự án khi giá vật liệu xây dựng cứ tăng chóng mặt như thế này” – đại diện Công ty 379 chia sẻ.
Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp
Trên thực tế, đợt tăng giá vật liệu xây dựng lần này do nhiều yếu tố đầu vào tăng. Cụ thể, than chiếm 40 - 45% giá thành sản xuất xi măng, nên giá than trong nước tăng 7 - 10%, cùng với giá dầu và một số phụ gia khác dùng trong sản xuất xi măng tăng giá là lý do khiến giá xi măng gần đây tăng.
Ngoài ra, các vật liệu khác cũng tăng khoảng 10% như gạch, cát…, đặc biệt với giá thép tăng tới 40% khiến các doanh nghiệp xây dựng và chủ đầu tư chịu rất nhiều ảnh hưởng.
Theo thống kê của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, chỉ riêng tháng 10/2021, nhiều doanh nghiệp thép đã điều chỉnh mức tăng giá bán khoảng 17.000 -192.000 đồng/kg thép tùy từng loại…. Trước đó, giá các loại kính cũng tăng hơn 30% so với đầu năm 2021; giá xi măng tăng trung bình từ 80.000 - 100.000 đồng/tấn.
Được biết mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi cơ quan liên quan và các địa phương với đề nghị: UBND cấp tỉnh chỉ đạo các sở xây dựng thường xuyên theo dõi kịp thời và cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp; các cơ quan liên quan đánh giá tác động của COVID-19 và biến động giá vật liệu xây dựng chủ yếu là thép xây dựng. Để từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác động tiêu cực từ tăng giá thép để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu thi công xây dựng.
Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho biết, hiện tại, nhiều chủ đầu tư không phải dùng vốn ngân sách nhà nước và đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định và không điều chỉnh ở thời điểm ký, trừ trường hợp bất khả kháng. Vì vậy, đứng trước việc giá vật liệu liên tục leo thang, nhà thầu trên cả nước đang đứng trước nguy cơ “vỡ trận”.
Điều đáng nói là việc các nhà cung cấp nguyên vật liệu từ sắt thép, xi măng… đồng loạt tăng giá đã khiến nhiều công trình xây dựng, dự án bất động sản phải thi công cầm chừng, thậm chí đang phải đứng trước nguy cơ…“đắp chiếu”.