Nhà máy bột giấy Phương Nam: Rao bán 3 lần vẫn...ế
Nhà máy bột giấy Phương Nam, là một trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương và được đánh giá có tương lai "mù mịt" nhất.
Được biết, Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam vẫn đang trong cảnh bán không ai mua từ nhiều năm nay, và khó tìm ra được phương án xử lý hữu hiệu khi ngập trong mớ bòng bong kiện tụng, nợ nần.
|
Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam được rao bán nhiều lần vẫn...ế. |
Dự án này trước đây do Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – Vận tải thuộc Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Được khởi công năm 2004 và đến tháng 6/2008 dừng thi công do Chủ đầu tư không huy động được vốn để đầu tư. Đến tháng 6/2009, Dự án được chuyển giao sang Vinapaco.
Tháng 4/2010, Vinapco đã cơ bản hoàn thành các hạng mục xây lắp và tiến hành chạy thử liên động không tải và chạy thử có tải vào năm 2012. Trong quá trình chạy thử có tải cả hệ thống bị tắc nghẽn ngay từ khâu chặt mảnh cho đến các công đoạn tiếp theo. Từ tháng 5/2014, dự án dừng đầu tư.
Đến năm 2017, Vinapaco đã tổ chức bán đấu giá dự án lần 1 nhưng không thành công. Đến cuối 2017, dự án vay 75 triệu USD từ Quỹ Tích lũy để trả nợ, và tăng lên 89 triệu USD vào tháng 9/2018. Thủ tướng đã chỉ đạo dừng đầu tư dự án và giao Bộ Công Thương bán thanh lý tài sản, nhưng sau 3 lần rao vẫn không ai mua.
Tháng 10/2019, Bộ Công Thương một lần nữa yêu cầu Vinapaco thuê tư vấn định giá lại toàn bộ tài sản, hàng hóa tồn kho dự án tại thời điểm 0h ngày 1/10/2019 và công việc này đang thực hiện. Đến nay, Vinapaco đã lựa chọn được đơn vị tư vấn thẩm định giá và đang triển khai thực hiện lần 3.
Trong khi chưa xử lý xong tài sản để trả nợ, cuối năm 2019, Nhà máy bột giấy Phương Nam lại dính vào vụ kiện với PVcomBank. Theo đó, PVcomBank khởi kiện Vinapaco, yêu cầu tòa giải quyết buộc tổng công ty này phải trả số tiền hơn 592 tỷ đồng.
Đây là khoản vay của các hợp đồng tín dụng giữa chủ đầu tư trước đây của dự án - Công ty TNHH Một thành viên Phát triển công nghiệp và vận tải (Tracodi) với Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam chi nhánh Vũng Tàu (PVFC - VT). Tuy nhiên, Tổng công ty Giấy không thể chi trả khoản tiền trên cho PVcomBank do khó khăn về tài chính.
Lối đi nào cho Nhà máy bột giấy Phương Nam?
Nguyên nhân khiến nhà máy "nghìn tỷ" này phải đắp chiếu được giải thích do Tracodi thiếu năng lực, kinh nghiệm. Tuy nhiên, sau khi chuyển về chủ đầu tư mới là Vinapaco, dự án cũng không được làm tốt khâu rà soát, đánh giá tình trạng, không lường hết được những khó khăn về công nghệ, khả năng cung cấp nguyên liệu...
Theo báo cáo tài chính của dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, đến hết năm 2019 vốn chủ sở hữu là 77,4 tỷ đồng, tổng tài sản là 3.091 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 3.014 tỷ đồng.
|
Dù có giá trị xây dựng dở dang hơn 2.660 tỉ đồng, Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đắp chiếu suốt nhiều năm nay. |
Tại thời điểm này, dù chưa thể nói trước được kết quả đấu giá dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam ra sao nhưng chắc rằng, để lấy lại hàng nghìn tỷ đồng như đã đầu tư như ban đầu là điều không thể, chứ chưa nói đến là lỗ cả nghìn tỷ đồng. Vậy, ai sẽ chịu trách nhiệm cho sự thua lỗ, và ai sẽ là người giải quyết hậu quả về sau?
Theo ý kiến của một số chuyên gia, trách nhiệm ở đây gồm nhiều đơn vị, cá nhân, trong đó đặc biệt là ban lãnh đạo của Vinapaco, bởi chính đơn vị này tiến hành lập báo cáo điều chỉnh tăng vốn lên 3.409,9 tỷ đồng.
"Không biết khi lập báo cáo điều chỉnh tăng vốn, Vinapaco có thực hiện kỹ càng, có tính toán được hết các rủi ro hay không nhưng hậu quả để lại đã thấy rõ vì vậy cần phải làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong dự án này", một chuyên gia nhấn mạnh.
Bình luận về dự án này, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân) từng bày tỏ, phải rao bán 3 lần nhưng không có ai mua đã chứng minh sự "độc nhất vô nhị" của dây chuyền thiết bị nhà máy.
Trước đó, Chính phủ đã phải ứng 97 triệu USD (tương đương hơn 2.200 tỷ đồng) để trả nợ thay cho dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam. Thời gian qua, Dự án làm dấy lên lo ngại về việc ảnh hưởng đến nợ công của Việt Nam. Đại diện Bộ Tài chính từng cho biết do dự án này đã vướng phải khó khăn trong việc trả nợ, vì vậy Chính phủ có trách nhiệm bảo lãnh cho dự án.
Hiện tại, vấn đề trách nhiệm và việc xử lý như thế nào đang là câu hỏi lớn của người dân, dư luận đưa ra về Nhà máy Bột giấy Phương Nam với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cùng bao nhiêu kỳ vọng nhưng giờ đã nằm đắp chiếu và đang lên phương án đấu giá thanh lý.
Ngày 15/01/2020, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 335/BCT-CN báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, và đề xuất Phó Thủ tướng xem xét, có ý kiến chỉ đạo các Bộ, ngành và Đại diện vốn nhà nước tại PVcomBank thống nhất với Vinapco phương án xử lý tài sản thế chấp thuộc dự án theo hướng bảo đảm các chỉ đạo của Chính phủ về tiến độ công tác xử lý Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam và cổ phần hóa Vinapco.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang chờ ý kiến của Ban Chỉ đạo để thực hiện các bước tiếp theo.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ