Thời gian gần đây xuất hiện một số thông tin cho rằng, Trung tâm Dịch vụ Phố đi bộ Nha Trang (phố đi bộ) - đơn vị trực thuộc Công ty Yến sào Khánh Hòa xây dựng trái phép hơn 75 ki-ốt, phá vỡ quy hoạch. Tuy nhiên, từ những hồ sơ PV thu thập được, sự việc lại không phải như vậy.
Theo đó, phố đi bộ đi vào hoạt động từ trước tết Nguyên Đán 2010, hiện thực hóa những chủ trương, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa. Mục đích xây dựng phố đi bộ nhằm quảng bá các sản phẩm du lịch địa phương, góp phần phát triển kinh tế, du lịch tỉnh nhà. Khi mới triển khai, Ban quản lý phố đi bộ chỉ huy động được 25 chủ hộ kinh doanh tham gia, trong số này vẫn có những hộ còn e dè.
|
--Du khách tham quan, mua sắm tại phố đi bộ. |
Sau một thời gian hoạt động, thực hiện Thông báo số 16/TB-UBND ngày 14/01/2010, Thông báo số 18/TB-UBND ngày 15/01/2010 và Thông báo số 54/TB-UBND ngày 03/02/2010 của UBND TP.Nha Trang, Trung tâm Dịch vụ Phố đi bộ Nha Trang đã sắp xếp, bố trí các quầy bán hàng rong hiện đang kinh doanh dọc các đường Trần Phú, Hùng Vương, Biệt Thự, Nguyễn Thị Minh Khai thuộc phường Lộc Thọ... và các hộ tiểu thương thuộc diện giải tỏa khu vực Chợ Đầm vào Phố đi bộ để tạo khu Phố sầm uất và nhộn nhịp hơn.
“Việc bổ sung thêm hơn 60 hộ vào kinh doanh tại Phố đi bộ là kết quả của việc thực hiện 03 Thông báo nói trên của UBND TP.Nha Trang, hoàn toàn không phải chúng tôi tự đưa vào”, đại diện Công ty cho biết.
Năm 2012, UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục có Thông báo số 266/TB-UBND ngày 30/07/2012 về việc giải quyết bố trí ki-ốt bán hàng cho 21 hộ dân diện giải tỏa tại khu vực Hòn Chồng, TP.Nha Trang. Theo kết luận của UBND Tỉnh, Trung tâm Dịch Vụ Phố đi bộ Nha Trang đã sắp xếp thêm 21 hộ kinh doanh tại Hòn Chồng đang thuộc diện giải tỏa vào hoạt động tại Phố đi bộ.
Đến nay, đã có hơn 100 gian hàng giới thiệu các dòng sản phẩm yến sào đảo thiên nhiên của Công ty Yến sào Khánh Hòa, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trang trí, trang sức, lưu niệm và hải đặc sản của vùng đất Nha Trang. Như vậy, việc hình thành và xây dựng, vận hành Phố đi bộ là thực hiện theo chủ trương của cơ quan có thẩm quyền và việc bố trí hơn 100 hộ kinh tại đây là thực hiện đúng yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Liên quan đến giá thuê ki-ốt tại phố đi bộ, anh Trần Dũng – hộ kinh doanh tại đây cho hay: “Tôi kinh doanh ở đây từ năm 2015, tất cả đều tuân thủ theo hợp đồng. Giá thuê mặt bằng dao động từ 1.950.000đ - 4.500.000đ/tháng tùy theo kích cỡ của các lô, sạp, hoàn toàn không có việc giá thuê sạp lên đến 30 triệu đồng/tháng”.
Theo anh Dũng, từ khi chuyển đến kinh doanh tại phố đi bộ, các tiểu thương như anh nhận được nhiều hỗ trợ từ phía Ban quản lý. Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19, Công ty đã miễn, giảm chi phí dịch vụ để cùng các hộ kinh doanh vượt qua khó khăn.
|
-- |
Cũng liên quan đến hoạt động của phố đi bộ, trước đó, có thông tin cho rằng Công ty Yến sào Khánh Hòa và Công ty Vịnh Nha Trang có một số vướng mắc liên quan đến mặt bằng đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy. Về vấn đề này, đại diện Công ty cho biết, phố đi bộ được đi vào hoạt động trước khi có dự án Panorama của Công ty Vịnh Nha Trang.
Trong suốt quá trình giải quyết vướng mắc về khu vực thông thoáng phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy cho dự án Panorama, Công ty Yến sào Khánh Hòa và Công ty Vịnh Nha Trang đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiệt tình, thấu đáo từ phía UBND tỉnh Khánh Hòa, UBND TP.Nha Trang cùng các sở, ban, ngành có liên quan.
Hiện, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã thu hẹp diện tích tất cả các gian hàng hiện tại để bố trí lại cho 16 gian hàng bị giải tỏa và tạo lối đi thông thoáng phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy dự án Panorama.
"Tranh thủ thời gian này, phố đi bộ tiến hành hoàn thiện hệ thống PCCC, thu hẹp diện tích toàn bộ các gian hàng để bố trí lại cho 16 ki-ốt bị giải tỏa, đảm bảo không có hộ kinh doanh nào bị bỏ rơi. Dự kiến cuối tháng 6 - 2020, khu phố sẽ hoạt động trở lại, đáp ứng kịp thời sự mong đợi của du khách", đại diện Ban quản lý phố đi bộ cho biết.