Thẩm định cho vay khi chưa đủ điều kiện vay
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án xử lý nợ xấu giai đoạn 2013-2017 mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) là một trong các ngân hàng bị chỉ điểm với nhiều sai phạm trong hoạt động tín dụng.
Tại VietABank, tổng dư nợ của ngân hàng tới 31/8/2018 là 6.510 tỷ đồng, chiếm 17,28% tổng dư nợ cho vay. Thanh tra Chính phủ chỉ rõ VietABank thẩm định, phê duyệt cho vay khi dự án chưa đủ hồ sơ pháp lý, chủ đầu tư không đủ điều kiện thực hiện dự án.
Theo Thanh tra Chính phủ: “Việc thẩm định, xác định doanh thu, chi phí thực hiện dự án đầu tư không chính xác với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Hưng Thịnh Việt Nam và Công ty cổ phần Đầu tư PHD”.
|
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, VietABank "dính" nhiều sai phạm về tín dụng |
VietABank cũng chưa phân loại nợ đúng quy định với Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và phát triển Nhà Vicoland, Công ty cổ phần Điện Bình Thủy Lâm Đồng. Theo quy định nợ của các khách hàng này phải chuyển sang nhóm 4 và 5 nhưng vẫn được ngân hàng giữ ở nhóm 1.
Bên cạnh đó, VietABank cũng cho 10 doanh nghiệp vay vốn, với dư nợ 4.860 tỷ đồng, theo các hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh ký với chủ đầu tư dự án.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh: “Ngân hàng TMCP Việt Á cho khách hàng vay góp vốn theo các hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh ký với chủ đầu tư dự án, bản chất là giải ngân vốn cho chủ đầu tư để thực hiện dự án, trong khi các dự án chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý, chưa đủ điều kiện huy động vốn; các hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh không có hiệu lực pháp lý theo quy định, vi phạm quy định về điều kiện vay vốn của Ngân hàng Nhà nước”.
Trước đó, chiều 25/4, tại hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú yêu cầu lãnh đạo một số ngân hàng giải trình việc vẫn duy trì lãi suất cho vay cao. VietABank là một trong số đó. Bên cạnh đó, Phó Thống đốc còn đặt ra câu hỏi về vấn đề thanh khoản với VietABank.
Bức tranh tài chính "xám xịt" của nhiều đối tác
Thanh tra Chính phủ cũng đã “điểm danh” một loạt đối tác của VietABank đang có tình trạng kinh doanh bết bát, thua lỗ tại nhiều dự án, thậm chí nhiều khả năng mất thanh khoản. Đơn cử như Công ty CP Tập đoàn Xây dựng và Phát triển Nhà Vicoland.
Ngày 31/12/2015, VietABank chi nhánh Hà Nội (số 34B Hàn Thuyên, phường Phạm Đình Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã ký hợp đồng số 503-02/15/VAB/HĐTCQTS-HTTTL với Công ty Vicoland.
|
Phối cảnh dự án khu nghỉ dưỡng Huyền Thoại Địa Trung Hải - Mediterraneo Resort |
Tài sản đảm bảo là: “Quyền tài sản phát sinh từ “Dự án Khu nghỉ dưỡng Huyền thoại Địa Trung Hải tại xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế” do Công ty cổ phần tập đoàn xây dựng và phát triển nhà Vicoland làm chủ đầu tư…”.
Đáng nói, mặc dù được ký hợp đồng từ 2015, song tới ngày 25/1/2016 dự án khu nghỉ dưỡng Huyền Thoại Địa Trung Hải - Mediterraneo Resort mới được cấp phép xây dựng số 01/2016/GPXD của Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
Được khởi công ngay sau đó, ngày 28/1/2016, thời điểm đó, ông Bùi Đức Long, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vincoland tự tin rằng, với Dự án Mediterraneo Resort, Vicoland và đối tác phát triển dự án Tập đoàn Việt Phương (Hà Nội) cam kết sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực và bắt tay ngay vào triển khai dự án đảm bảo tiến độ hoàn thành.
Tuy nhiên, vài năm sau đó, dự án liên tục chậm tiến độ trong thời gian dài rồi lại “rục rịch” triển khai trở lại. Trước đó, Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo BQL khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đôn đốc Tập đoàn Vincoland tập trung nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án.
Mới đây nhất, tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 về Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự án Khu nghỉ dưỡng Huyền thoại Địa Trung Hải cũng được nhắc đến trong danh sách các dự án công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.
Về tình hình tài chính của Vicoland, năm 2017, Vicoland đạt 140 tỷ đồng doanh thu và 8,7 tỷ đồng lợi nhuận. Thế nhưng, nợ tại Vicoland là rất cao khi nợ phải trả lên tới 676 tỷ đồng, cao gấp 6,4 lần vốn. Sau đó, từ 2019 đến 2021, doanh thu Vicoland lao dốc và công ty liên tục thua lỗ.
Tính đến thời điểm cuối tháng 5/2023, theo nguồn tin phóng viên có được, Vicoland đang còn khoản dư nợ tại Ngân hàng TMCP Việt Á là 500 tỷ đồng, nợ nhóm 5 (dư nợ có khả năng mất vốn). Trước đó, ngày 30/11/2020 khoản nợ này đã chuyển nhóm nợ sang nhóm 3; chuyển nhóm nợ 4 vào ngày 31/10/2021.
Nhiều doanh nghiệp là đối tác của VietABank cũng cho thấy bức tranh tài chính bết bát như Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Hưng Thịnh Việt Nam. Năm 2017, thời điểm trước khi Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra, Công ty Hưng Thịnh Việt Nam không phát sinh doanh thu và ghi nhận thua lỗ 70,3 triệu đồng. Quy mô vốn chủ sở hữu cũng khá nhỏ, chỉ là gần 30 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2021, tình trạng nợ nần của công ty cao ngất ngưởng, vốn chủ sở hữu công ty chỉ là 50 tỷ đồng nhưng nợ lên đến 680 tỷ đồng.
Hay như, Công ty cổ phần Điện Bình Thủy Lâm Đồng. Trong giai đoạn 2017-2021, công ty không hề phát sinh doanh thu. Năm 2017, công ty lỗ 21,2 tỷ đồng và âm vốn 50,9 tỷ đồng. Từ 2019 đến 2021, công ty tiếp tục lỗ thảm. Cùng với đó là nợ tăng mạnh, tăng lên 447 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2021.