Trung bình mỗi ngày của tháng 11, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) mở mới khoảng 4 cửa hàng. Tính tới ngày 30/11, MWG có 2.929 cửa hàng, tăng thêm 117 cửa hàng so với cuối tháng 10. Trong đó, chuỗi Điện Máy Xanh có 983 cửa hàng, tăng thêm 46 cửa hàng. Chuỗi Bách Hóa Xanh thêm 72 điểm bán, nâng tổng số cửa hàng lên 938.
Công ty đang đẩy nhanh tiến độ mở rộng, hướng tới mục tiêu 1.000 cửa hàng Điện Máy Xanh và 1.000 cửa hàng Bách Hóa Xanh cuối tháng 12/2019.
|
Các cửa hàng mở mới được công ty kì vọng sẽ đóng góp tích cực cho kết quả kinh doanh năm 2020 khi 2.000 cửa hàng này hoạt động đủ 12 tháng và sẵn sàng phục vụ mùa Tết Nguyên Đán.
Với việc mở mới 100 cửa hàng điện máy đến cuối năm nay, VnDirect dự báo doanh thu của chuỗi này có thể tăng 29,5%, với doanh thu trung bình mỗi cửa hàng tăng 13%.
Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ mở rộng cửa hàng, MWG vừa qua cũng công bố những con số kinh doanh hết sức ấn tượng. Theo đó, lũy kế 11 tháng, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 93.086 tỉ đồng, tăng trưởng 18% so với cùng kì năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 3.542 tỉ đồng, tăng trưởng 34%. Với kết quả này, MWG đã thực hiện 86% kế hoạch doanh thu và 99% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.
Công ty duy trì biên lợi nhuận gộp 20% liên tục trong các tháng gần đây, tăng so với mức 18% trung bình của cả năm 2018 và giai đoạn 6 tháng đầu năm 2019.
Biên lợi nhuận gộp được cải thiện nhờ sự đóng góp tích cực từ tất cả các chuỗi bao gồm Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh (ngành hàng điện thoại, điện lạnh và gia dụng), chuỗi Bách Hóa Xanh (ngành hàng thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu - FMCGs).
|
Báo cáo tài chính của TGDĐ tiết lộ quý III/2019 là quý có mức tăng trưởng lợi nhuận gộp cao nhất trong nhiều năm qua. Lãnh đạo tập đoàn cho rằng nguyên nhân đến từ việc mở rộng một số lượng lớn cửa hàng trong hệ thống.
Chỉ riêng quý III, TGDĐ đã mở thêm tổng cộng 257 điểm bán mới, trong đó, dẫn đầu là Bách Hóa Xanh với 188 cửa hàng, thứ hai là Điện Máy Xanh với 69 cửa hàng, tính cả cửa hàng chuyển đổi từ thegioididong.com sang và 11 cửa hàng còn lại thuộc hệ thống mới Điện thoại siêu rẻ.
Với kết quả kinh doanh trên, nếu tính trung bình, toàn hệ thống gồm chuỗi điện thoại thegioididong.com, Điện Máy Xanh và Bách Hóa Xanh đã mang về cho "ông lớn" trong ngành bán lẻ 14,3 tỉ đồng lợi nhuận mỗi ngày.
Không chỉ mở rộng cửa hàng, TGDĐ chú tâm tối ưu hoá hoạt động của các cửa hàng. Đây cũng là quý chứng kiến sự gia tăng kỉ lục số lượng điểm kinh doanh trong hệ thống thuộc Thế Giới Di Động.
Doanh thu từ hoạt động tài chính kì này tăng gấp đôi so với quý III/2018, đạt 178 tỉ đồng; ghi nhận 25.142 tỉ đồng doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng 20% so với cùng kì năm ngoái. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận gộp của TGDĐ lên đạt 4.941 tỉ đồng, tăng trưởng đến 35%. Đây là quý có mức tăng trưởng lợi nhuận gộp cao nhất của TGDĐ trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, đi cùng với sự tăng trưởng vượt bậc, luôn tồn tại những rủi ro trong câu chuyện đẩy mạnh tiến độ mở rộng các cửa hàng trên toàn quốc. Việc tăng nhanh số lượng cửa hàng cũng khiến TGDĐ phải đẩy mạnh việc vay nợ, đặc biệt là vay ngắn hạn để bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Phần lớn số thu từ đi vay này là vay ngắn hạn để xoay vòng vốn.
Việc mở thêm nhiều cửa hàng khiến TGDĐ phải đầu tư nhiều hơn vào giá trị tài sản cố định và hàng tồn kho tại mỗi cửa hàng, cùng với việc gia tăng vốn vay để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Trong trường hợp kinh doanh đúng kế hoạch, việc mở rộng chuỗi cửa hàng sẽ giúp kết quả kinh doanh của TGDĐ tăng nhanh. Ngược lại, nếu kinh doanh không đạt kỳ vọng, hệ quả từ chi phí đầu tư mở mới, nợ vay sẽ là gánh nặng với công ty.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ