Trước đó, Tổng công ty Sông Đà đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng với mong muốn được chỉ định thầu làm một số dự án trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Ngay sau đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất văn bản trên khi Chính phủ có chủ trương chuyển một số dự án đầu tư cao tốc Bắc - Nam từ đầu tư PPP (hợp tác nhà nước và tư nhân) sang đầu tư công.
Trong văn bản gửi tới Thủ tướng, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng xem xét, chỉ định thầu Tổng công ty Sông Đà thi công một số đoạn đường bộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông để tạo việc làm cho khoảng 20.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân đang làm việc tại tổng công ty.
|
Tổng công ty Sông Đà từng được biết tới là ‘ông lớn’ nhà nước trong ngành xây dựng, đặc biệt trong lĩnh vực thi công các nhà máy thủy điện trong và ngoài nước.
Ngoài xây dựng các nhà máy thủy điện lớn như Hòa Bình, Ialy, Sông Hinh, Sơn La, Lai Châu..., những năm qua Tổng công ty Sông Đà đã thi công hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn như cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ 10, Hà Nội - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Tuy nhiên, sau khi thực hiện các dự án trọng điểm ngành điện, Tổng công ty Sông Đà gặp nhiều khó khăn trong duy trì việc làm, bảo đảm đời sống người lao động. Nhiều thiết bị, máy móc đã đầu tư làm thủy điện cũng phải ‘đắp chiếu’ vì không có việc làm.
Quá trình cổ phần hóa, bán vốn cho tư nhân tại Tổng công ty Sông Đà cũng không mấy suôn sẻ, dù được cổ phần hóa từ năm 2018 nhưng đến nay tỉ lệ sở hữu nhà nước tại tổng công ty này vẫn lên tới 99,79% vốn điều lệ.
Những năm gần đây, Tổng công ty Sông Đà rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính, không có khả năng trả nợ gốc, lãi vay, chi phí cho vay lại.
Để giải cứu cho tổng công ty này, Bộ Xây dựng có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tổng công ty trả nợ vay hàng trăm triệu USD tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đề nghị Bộ Tài chính miễn chi phí cho vay lại đối với các khoản vay nước ngoài của Tổng công ty Sông Đà.
Theo Như Quỳnh/TCDN