Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2019, khối lượng hàng hóa thông qua các cảng do Vinalines quản lý đạt hơn 69,7 triệu tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 12,8% khối lượng hàng hóa thông qua khối cảng biển của cả nước và đạt gần 65% kế hoạch năm 2019 (107,8 triệu tấn).
“Cảng Hải Phòng có sản lượng hàng hóa thông qua lớn nhất, đạt 13,27 triệu tấn, chiếm 25%; Cảng Sài Gòn chiếm vị trí thứ 2 với 8,93 triệu tấn, chiếm 13% tổng lượng hàng hóa do Vinalines quản lý.
Một số cảng có sản lượng tăng cao nhất so với cùng kỳ năm trước là: SP-PSA với mức tăng 76% (từ 3 triệu tấn lên 5,29 triệu tấn); cảng Tiên Sa tăng 21%, từ gần 5,6 triệu tấn lên hơn 6,7 triệu tấn); cảng SSIT tăng 23% (từ 4,95 triệu tấn lên gần 6,1 triệu tấn)”, đại diện Vinalines thông tin trên Giao thông cho hay,.
Kết quả trên có được là do sau tái cơ cấu, Vinalines đã xác định cảng biển là 1 trong 3 chân trụ chính (Cảng biển - Vận tải biển - Dịch vụ hàng hải) cần tập trung đẩy mạnh với việc thực hiện đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, cải tiến quy trình, nâng cao hiệu suất xếp dỡ tại cảng để tàu vào làm hàng được giải phóng nhanh, tăng tần suất phục vụ.
|
Nhờ tái cơ cấu đúng hướng, Vinalines đang trở lại mạnh mẽ thời gian gần đây |
“Đối với một số cảng lớn như: Hải Phòng, Tiên Sa (Đà Nẵng), cảng Cam Ranh, giải pháp thị trường cũng đã triển khai hiệu quả hơn bằng việc tăng cường liên kết với các hãng tàu lớn trên thế giới (Wanhai, Maersk Line, GLS,…) mở tuyến dịch vụ đến cảng, ký hợp đồng dịch vụ vận tải than, hàng nông sản trọn gói với giúp sản lượng hàng hóa qua cảng đạt mức tăng trưởng ổn định”, đại diện Vinalines nói thêm.
Nhìn nhận trên Nhà báo và Công luận, có thể nói, nhờ tái cơ cấu đúng hướng, vận tải biển Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, tổng sản lượng vận tải của đội tàu biển Việt Nam liên tục tăng trưởng. Hệ thống cảng biển cơ bản đáp ứng yêu cầu luân chuyển hàng hóa, phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế biển hội nhập sâu rộng, mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức mới.
Thời gian tới, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn – cánh tay nối dài của cảng biển để vừa hỗ trợ các dịch vụ của cảng biển, vừa góp phần tổ chức hiệu quả mạng lưới giao thông; Đồng thời, dành quỹ đất thích hợp phía sau cảng để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cảng, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia.
Cục Hàng hải Việt Nam sẽ kiến nghị triển khai những điểm mới trong quy hoạch phát triển cảng biển, trong đó có quan điểm: “Cỡ tàu theo quy hoạch” để làm cơ sở đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng công cộng cảng biển, chỉ cho phép các tàu có tải trọng có thông số kỹ thuật phù hợp với khả năng tiếp nhận của cầu cảng, chuẩn tắc kỹ thuật của luồng tàu, đảm bảo an toàn và chất lượng khai thác tại cảng biển.
T.Hường(TH)/Sở hữu Trí tuệ