Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi cấp phép khai thác khoáng sản cho một doanh nghiệp ở Lào Cai.
Tùy tiện bổ sung nội dung cấp phép
|
Công ty Phân lân nung chảy đã thực hiện khai thác quặng tại các khai trường được cấp phép. |
Khi xưa năng lực và công nghệ còn hạn chế, với thuận lợi tài nguyên sẵn có (thậm chí lộ thiên), các doanh nghiệp chỉ chọn lấy quặng loại I và II giàu hàm lượng để chế biến hoặc xuất khẩu. Khó nạc thì vạc xương, quặng loại III - từng được coi là đất đá thải sau khi đào bới lấy quặng I và II - được chất cao như núi ở vùng quặng Apatit, đã bắt đầu bị dòm ngó khai thác và chế biến với công nghệ hiện đại hơn. Chính phủ đã có những quy định nghiêm ngặt và tuyên buộc Bộ TNMT chủ đạo đánh giá, thẩm định, cấp phép khai thác loại quặng này như là việc cấp phép mới, chứ không để doanh nghiệp lợi dụng tận thu.
Từ tháng 4/2019, Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Lào Cai đã được Bộ TNMT cấp phép (số 939/GP-BTNMT) khai thác quặng II (hơn 3 triệu tấn) tại khai trường 32 và Làng Cáng 2 (thuộc xã Tả Phời và xã Hợp Thành, TP Lào Cai) với diện tích gần 50ha, do Thứ trưởng Trần Quý Kiên ký. Điều kỳ lạ là trong giấy phép này có ghi rõ trữ lượng quặng được phép đưa vào khai thác có cả quặng I (hơn 700.000 tấn) và quặng III (hơn 2,7 triệu tấn).
Theo tìm hiểu của phóng viên, tháng 8/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai có văn bản (số 4235/UBND-KT) trình, báo cáo Văn phòng Chính phủ và Bộ TNMT về việc thăm dò, khai thác quặng Apatit loại II ở các khai trường nói trên của Công ty CP Phân lân nung chảy Lào Cai.
Theo đó Công ty này có đề nghị xin thăm dò, khai thác quặng II để sử dụng trực tiếp sản xuất phân lân nung chảy, chứ không phải là quặng I và III. Và UBND tỉnh Lào Cai đề xuất Chính phủ đưa khai trường 32 và Làng Cáng 2 vào danh mục “không đấu giá quyền khai thác khoáng sản”.
Sau đó 2 tháng, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 8377/VPCP-KTN gửi Bộ TNMT và Bộ Công thương truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị hai Bộ này nghiên cứu kiến nghị của UBND tỉnh Lào Cai để Thủ tướng xem xét, quyết định.
Tháng 5/2017, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ TNMT) đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lào Cai nêu rõ đề nghị chính quyền tỉnh này rà soát, kiểm tra, lựa chọn diện tích quặng Apatit đề nghị cấp phép hoạt động khoáng sản ở khai trường 32 và Làng Cáng 2 đảm bảo các quy định của Nhà nước, để có đủ cơ sở báo cáo Thủ tướng.
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam phản đối
Một loạt đơn vị liên quan như Cục Hóa chất, Cục Kỹ thuật án toàn và môi trường công nghiệp, Vụ Kế hoạch, Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, cũng đã vào cuộc và ra các văn bản nêu rõ quan điểm phản đối.
Đáng chú ý, theo Tập đoàn Hóa chất, chỉ có Công ty Apatit Việt Nam là đơn vị 100% vốn nhà nước với hơn 60 năm kinh nghiệm mới có đủ năng lực khai thác và chế biến khoáng sản này. Nhưng hiện nay tại vùng mỏ Apatit Lào Cai đã có những đơn vị ngoài Tập đoàn được cấp phép thăm dò và khai thác với trữ lượng lớn gấp 2-3 lần so với trữ lượng mà Công ty Apatit Việt Nam được giao quản lý và khai thác. Các khai trường 32 và Làng Cáng 2 là nơi cung cấp nguyên liệu chủ lực cho Công ty này để sản xuất phân bón.
Năm 2014 Thủ tướng cũng đã có quyết định (1893/QĐ-TTg) giao cho Tập đoàn chịu trách nhiệm chính đảm bảo cân đối nguồn nguyên liệu quặng Apatit cho sản xuất phân bón và hóa chất cơ bản trong nước. Nghị quyết của Bộ Chính trị (số 02-NQ/TW) năm 2011 cũng nêu rõ “Hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng đầu tư khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả. Chỉ cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn, năng lực quản lý và công nghệ hiện đại tham gia thăm dò, khai thác, chế biến các loại khoáng sản quan trọng, có ý nghĩa chiến lược...”.
Vẫn theo Tập đoàn Hóa chất, Công ty Apatit Việt Nam không chỉ đang quản lý tài nguyên này mà còn rất đủ năng lực khai thác chế biến, không cần giao cho doanh nghiệp ngoài Tập đoàn. Việc giao tài nguyên này cho Công ty Phân lân nung chảy Lào Cai là không phù hợp với Luật Khoáng sản, khiến Tập đoàn Hóa chất Việt Nam khó thực hiện trách nhiệm do Thủ tướng giao, có nguy cơ phá vỡ các quy hoạch phát triển ngành hóa chất, phân bón và quặng Apatit được Thủ tướng phê duyệt, ảnh hướng lớn đến kế hoạch phát triển của Tập đoàn, tạo sự chồng chéo, lãng phí vốn đầu tư và dẫn đến lãng phí tài nguyên.
Tuy nhiên Tổng cục Địa chất và Khoáng sản vẫn kiến nghị và trình ý kiến lên Bộ TNMT cấp phép khai thác cho Công ty Phân lân nung chảy Lào Cai và Bộ này trình ý kiến lên Chính phủ và được Phó Thủ tướng đồng ý vào tháng 7/2017. Lưu ý rằng Phó Thủ tướng chỉ đồng ý việc thăm dò, khai thác quặng II mà không nhắc đến quặng I và III (văn bản số 970/TTg-CN).
Theo tìm hiểu của, từ khi được cấp phép đến nay, Công ty Phân lân nung chảy Lào Cai đã tiến hành đào bới tại các khai trường nói trên. Một lượng lớn quặng I và III đã được đưa đi tập kết (hoặc tiêu thụ) tại một địa chỉ chưa xác định.
Đáng chú ý, năng lực của Công ty này chỉ phù hợp sản xuất phân lân nung chảy ở dạng quặng Apatit nghèo, còn tại các khai trường này chủ yếu chứa quặng Apatit giàu. Theo ý kiến của Công ty Apatit Việt Nam và nhiều chuyên gia về tài nguyên khoáng sản, đã đến lúc cần thiết phải thu hồi giấy phép nêu trên đã cấp cho Công ty Phân lân nung chảy Lào Cai.
Dư luận tại Lào Cai thời gian qua có nhiều phản ánh về Công ty Phân lân nung chảy Lào Cai khi doanh nghiệp này vẫn chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục để được thuê đất thực hiện dự án khai thác quặng tại các khai trường 32 và Làng Cáng 2.
Đầu tháng 10/2019, khi chưa có quyết định thu hồi đất tại thôn Pèng 3, xã Hợp Thành, Công ty Phân lân nung chảy Lào Cai đã tập kết máy móc tiến hành triển khai làm đường vận chuyển quặng, sau đó tiếp tục san gạt cả vào diện tích đất rừng sản xuất.
Người dân cho biết, trong quá trình thi công làm đường vận chuyển quặng và san gạt mặt bằng, Công ty này đã thỏa thuận mua bán đất với nhiều hộ dân không qua đo đạc, không kiểm kê tài sản và cây cối, hoa màu mà chỉ dựa theo diện tích đất trên tờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
P.V