Khách sạn Kim Liên: Tăng vốn bất thành, tồn tại bất đồng nội bộ các nhóm cổ đông

Mai Hương(T/H) 14:30 01/06/2020

Một cổ đông đã phủ quyết toàn bộ nội dung liên quan tăng vốn, sửa đổi điều lệ và ủy quyền HĐQT mời gọi nhà đầu tư chiến lược, lựa chọn nhà thầu dự án.

Công ty Du lịch Kim Liên: Tồn tại bất đồng nội bộ trong các nhóm cổ đông

Theo nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 vừa công bố, CTCP Du lịch Kim Liên nhất trí không thực hiện tăng vốn điều lệ để đảm bảo nguồn vốn đối ứng cho việc triển khai Dự án tổ hợp công trình thương mại dịch vụ khách sạn, văn phòng và khách sạn căn hộ cho thuê tại khu đất 5-7 Đào Duy Anh, Hà Nội. Đây chính là khu đất mà khách sạn Kim Liên đang tọa lạc.

Qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu đồng thời xem xét ý kiến của cổ đông, HĐQT nhận thấy việc tăng vốn điều lệ thời điểm hiện tại là không khả thi”, tờ trình của Kim Liên viết.

Trước đó, theo nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường năm 2019, CTCP Du lịch Kim Liên đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ mức hiện gần 70 tỷ đồng lên 2.768 tỷ đồng để triển khai dự án Khu phức hợp Kim Liên.

Theo kết quả nghiên cứu thị trường, tư vấn ý tưởng phát triển và nghiên cứu khả thi Dự án Kim Liên của Công ty TNHH Savills Việt Nam thì tổng chi phí cho việc thực hiện dự án này dự kiến khoảng 615,8 triệu USD, khoảng 14.287,1 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo công ty cho biết dự kiến khu phức hợp này sẽ có 8 block gồm các khu trung tâm thương mại dịch vụ và shophouse. Theo đơn vị tư vấn Savills, quy mô dự án là hơn 14.000 tỷ đồng, tương đương 615 triệu USD. Công ty cũng đã ký một số hợp đồng với các đối tác như Tập đoàn Tân Hoàng Minh, nhà thầu Delta để thực hiện dự án.

Đại diện nhiều nhóm cổ đông nhỏ đã không đồng tình với quyết định tăng vốn. Cụ thể, đại diện cổ đông Công ty Tài chính Bưu điện (PTF)Ngân hàng GPBank cho rằng các thông tin về dự án Khu phức hợp Kim Liên gồm quy mô, tổng mức đầu tư, kế hoạch tiến độ... chưa được trình đến ĐHĐCĐ và không rõ ràng.

Nhờ sự hậu thuẫn của nhóm cổ đông lớn nhất tại Kim Liên là Tập đoàn Thaigroup của Bầu Thụy, quyết định tăng vốn sau đó vẫn được thông qua với tỉ lệ tán thành lên tới 82,32%

Nhưng sau cùng, việc thông qua sau đó lại hủy phương án tăng vốn cho thấy vẫn tồn tại bất đồng nội bộ trong các nhóm cổ đông tại Công ty Du lịch Kim Liên.

Theo đại diện cổ đông Tài chính Bưu điện, những tài liệu cung cấp cho cổ đông không đủ cơ sở để cổ đông biểu quyết các nội dung tại đại hội. Việc tăng vốn dựa trên nghiên cứu, khảo sát của đơn vị tư vấn như Savills Việt Nam là không có căn cứ, cơ sở. Nghiên cứu chỉ đưa ra con số tổng chứ không có một kế hoạch cụ thể.

Vẫn theo đại diện cổ đông Tài chính Bưu điện, Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 đã uỷ quyền cho Chủ tịch HĐQT tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược triển khai thực hiện dự án, nhưng đến nay các cổ đông của Du lịch Kim Liên vẫn chưa thấy có báo cáo về việc triển khai dự án.

Đại diện cổ đông GP Bank đánh giá, cơ sở cho việc tăng vốn, thông tin dự án còn chung chung, không đủ dữ liệu thảo luận và cho ý kiến. Cổ đông Tài chính Bưu điện còn yêu cầu được cung cấp các thông tin về định hướng công việc sẽ triển khai, các bên liên quan (ThaiGroup) sẽ tham gia vào công việc gì? Có đóng góp và mang lại lợi ích gì cho cổ đông?

Vị trí của Thaigroup không thay đổi, dù Bầu Thụy rời ghế Chủ tịch

Du lịch Kim Liên tiền thân là khách sạn Bạch Mai, được biết đến là doanh nghiệp “đất vàng” khi quản lý và sử dụng lô đất với diện tích lên tới 3,5 ha tại số 5-7 Đào Duy Anh. Đây được coi là một trong những mảnh đất vàng lớn còn sót lại của 4 quận nội thành Hà Nội và là sức hút lớn với rất nhiều nhà đầu tư.

Năm 2015, Tập đoàn Thaigroup của ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) đã chi ra hơn 1.000 tỷ đồng để mua lại 52% cổ phần của Công ty Cổ phần Du lịch Kim Liên từ Tổng Công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Thaigroup sau đó đã cầm cố toàn bộ số cổ phần này này tại một ngân hàng để làm tài sản bảo đảm cho khoản vay.

Bên cạnh Thaigroup thì Thai Holdings – một công ty khác thuộc nhóm Thaigroup, do Bầu Thụy nắm giữ 20% vốn, từng là công ty con của Thaigroup, cũng đang nắm giữ 17,2% cổ phần tại khách sạn Kim Liên.

Chỉ 4 năm sau thương vụ chi 1.000 tỷ đồng “thâu tóm” Khách sạn Kim Liên, “đại gia” Nguyễn Đức Thụy đã công bố “nước cờ” mới khi muốn tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp này lên gấp 40 lần và xây dựng trên đất vàng số 5-7 Đào Duy Anh một khu phức hợp.

Nhưng đề xuất tăng vốn đã không được thông qua việc thực hiện tăng vốn điều lệ theo nghị quyết cổ đông bất thường trước đó, đồng thời cổ đông cũng miễn nhiệm chức danh Chủ tịch và thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Đức Thụy từ ngày 24/5.

Bởi sau quá trình nghiên cứu thị trường và xem xét ý kiến của cổ đông, HĐQT khách sạn nhận thấy việc tăng vốn là không khả thi. Vì vậy, đã trình cổ đông thông qua việc không tăng vốn để thực hiện dự án.

Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ, Đại hội đã miễn nhiệm chức danh Chủ tịch và thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Đức Thụy theo đơn từ nhiệm, đồng thời miễn nhiệm ông Nguyễn Chí Kiên khỏi thành viên HĐQT.

Thay vào đó, Thaigroup đề cử 2 ứng viên HĐQT và được chấp thuận là ông Phan Mạnh Hùng (sinh năm 1978) và ông Trịnh Văn Thiệm (sinh năm 1978). Ông Thiệm đang là Tổng giám đốc của Bình Minh Group - cổ đông lớn nắm 11% tại Du lịch Kim Liên và cũng là người thay thế Bầu Thụy trở thành Chủ tịch HĐQT.

Trong khi đó, ông Phan Mạnh Hùng là Kế toán trưởng, Phó tổng giám đốc kiêm Trợ lý Chủ tịch HĐQT CTCP Du lịch Kim Liên (trợ lý cho ông Nguyễn Đức Thụy).

Trong cơ cấu cổ đông của Du lịch Kim Liên, ngoài ThaiGroup của Bầu Thụy vẫn là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 52,43% vốn, một cổ đông khác cũng được chú ý là Công ty Tài chính Bưu điện (PTFinance) nắm 6,69%.

Trước sự lấn lướt của nhóm cổ đông Thaigroup, cổ đông nhỏ hơn là công ty Tài chính Bưu điện (đang nắm giữ hơn 6%) từng thông báo muốn bán toàn bộ 465.505 cổ phiếu Du lịch Kim Liên nhưng không thành công.

Về hoạt động kinh doanh, năm 2019, Du lịch Kim Liên đạt lợi nhuận sau thuế 12,5 tỷ đồng, giúp công ty xóa lỗ lũy kế. Tuy nhiên, do lợi nhuận chưa phân phối chỉ còn 3,8 tỷ đồng, công ty quyết định sẽ không chỉ trả cổ tức và không thực hiện trích lập các quỹ mà để bổ sung năng lực tài chính.

Dự báo dịch Covid-19 tác động nặng nề đến ngành du lịch khách sạn, qua đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu cho đến hết quý II, Du lịch Kim Liên xây dựng kế hoạch doanh thu hơn 62 tỷ đồng cho năm 2020, dự kiến lỗ trước thuế hơn 8 tỷ đồng.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/khach-san-kim-lien-tang-von-bat-thanh-ton-tai-bat-dong-noi-bo-cac-nhom-co-dong-d76858.html

Bạn đang đọc bài viết Khách sạn Kim Liên: Tăng vốn bất thành, tồn tại bất đồng nội bộ các nhóm cổ đông tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp
Tin tức mới nhất