Bài toán chấp nhận hy sinh lợi nhuận để giữ thị phần
9 tháng đầu năm 2019, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) báo lãi ròng giảm hơn 50% so cùng kỳ khi mà biên lãi gộp giảm xuống còn 6.7% từ con số 9.85% cùng kỳ năm trước.
Ông Trần Quang Đại, Giám đốc Tài chính HBC giải thích rằng trong bối cảnh khó khăn chung, các dự án ít đi đã khiến cho nhiều đối thủ cạnh tranh đã thực hiện hạ giá chào thầu.
|
“Đối với HBC, để giữ thị phần và duy trì doanh số thì phải chấp nhận hy sinh lợi nhuận gộp”, đại diện HBC chia sẻ. Hiện nay nhu cầu sử dụng dịch vụ xây dựng không nhiều, nhưng khi nào các dự án được khởi động lại thì HBC sẽ không cần hy sinh biên lợi nhuận nữa mà sẽ quay lại giai đoạn trước đây.
Ông Đại cũng cho biết, kết quả năm nay sẽ khó đạt mục tiêu đề ra, lợi nhuận sau thuế thực hiện khoảng 50 - 60% kế hoạch năm.
Trong tình hình hiện tại, khi ngành xây dựng dân dụng đang bước vào giai đoạn khó khăn hơn bao giờ hết, hàng loạt dự án phải tạm dừng triển khai do không được cấp phép. Trong bối cảnh chung đó, kết quả kinh doanh suy giảm là điều không thể tránh khỏi.
Kế hoạch trở lại vào năm 2020
Dòng tiền kinh doanh của Hòa Bình tiếp tục thành một mối quan tâm lớn đối với nhà đầu tư khi liên tục ghi nhận âm trong thời gian gần đây.
Thực tế, tình hình thu nợ của HBC từ đầu năm 2019 tốt hơn năm 2018, nợ đã đủ tiêu chuẩn thu giảm 8% (thu tốt hơn 20-23%) nhưng các khoản nợ sản lượng vẫn tăng do khi ký hợp đồng thì phải ký luôn hợp đồng với bên cung cấp nguyên vật liệu…
Ông Đại phân tích, trong bối cảnh thị trường chung đang khó khăn như năm 2019 và có thể sang cả năm 2020, nếu HBC áp dụng phương án dừng không thi công nữa thì sẽ ảnh hưởng lên 2 loại hợp đồng: hợp đồng đã ký với chủ đầu tư cam kết hoàn thành và có bên ngân hàng bảo lãnh dự án và hợp đồng ký với bên cung cấp nguyên vật liệu xây dựng.
Và khi thực hiện điều đó, mô hình kinh doanh của HBC từ năm 2021 trở về sau sẽ lập tức có vấn đề ngay, sẽ không ai phối hợp, giao dự án cho HBC nữa.
Khi phân tách khoản phải thu trên BCTC hợp nhất của HBC, nợ phải thu theo tiến độ hợp đồng tăng sẽ giải quyết 3 vấn đề mà Tập đoàn phải cam kết đối với ngân hàng, khách hàng và nhà cung cấp. Việc này có thể làm tăng chi phí tài chính, giảm biên lãi gộp của năm 2019-2020, nhưng từ năm 2021 sẽ trở lại như trước. Đây là sự hy sinh để đảm bảo mục đích phát triển về sau của Tập đoàn.
Từ trước đến nay, HBC chưa từng chậm trễ thanh toán một khoản chi trả nào với bất kỳ ngân hàng nào. Các ngân hàng hiện vẫn đang dành hạn mức tín dụng lớn cho HBC, do đó rất khó xảy ra câu chuyện mất thanh khoản.
Tuy nhiên, từ 2020, HBC đã có phương án để cải thiện vấn đề dòng tiền. Theo đó, Hòa Bình có kế hoạch khoản phát hành 50 triệu USD trái phiếu chuyển đổi (khoảng 1,200 tỷ đồng), nhằm thanh toán nợ ngắn hạn, bổ sung vốn lưu động cuối năm và dùng phần tiền còn lại tái đầu tư cho công ty thành viên, phát triển mảng hạ tầng công nghiệp và tái cơ cấu mảng sản xuất vật liệu xây dựng để tạo thành chuỗi giá trị, hoàn thiện hoạt động kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn.
Lộ trình trong 3 năm tới, Hòa Bình còn có thể tiến hành IPO, đại chúng hóa các công ty thành viên trong Tập đoàn. Vị Giám đốc tài chính tiết lộ nhiều quỹ nước ngoài đã ngỏ ý muốn mua cổ phần đầu tư tại các công ty con này.
Tập đoàn đưa ra kế hoạch doanh thu khoảng 22,000 tỷ đồng với lợi nhuận hợp nhất 1,000 tỷ đồng năm 2020. Đại diện HBC cho biết, cơ cấu lợi nhuận gồm 60-65% từ mảng xây dựng dân dụng và 35-40% từ xây dựng công nghiệp, hạ tầng.
“Kế hoạch lợi nhuận 1,000 tỷ không phải là quá khó. Thị trường xây dựng dân dụng năm 2020 còn khó khăn, do đó phần công nghiệp hạ tầng phải làm ra sản lượng nhiều hơn để bù đắp lại’, ông Đại nói thêm.
Được biết, vào 22/11/2019 vừa qua, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) và CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (HOSE: RAL) đã diễn ra lễ ký kết hợp tác chiến lược.
Theo thỏa thuận hợp tác, Rạng Đông sẽ ưu tiên lựa chọn Hòa Bình làm nhà thầu thi công xây dựng cho các dự án của Rạng Đông đầu tư, phát triển trong thời gian tới và ngược lại, Hòa Bình sẽ ưu tiên sử dụng sản phẩm của Rạng Đông trong việc thi công xây dựng các dự án mà Hòa Bình tham gia thi công xây dựng hoặc đầu tư.
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là nhà thầu tổng hợp có 32 năm kinh nghiệm, với hơn 400 công trình đã hoàn thành, hiện tại đang thi công hơn 80 công trình ở 46 tỉnh thành trong nước và một số quốc gia như Malaysia, Myanmar, Kuwait… |
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ