Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) vừa có thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ hơn 502 tỷ đồng với hàng loạt tài sản đảm bảo là các dự án bất động sản của CTCP Nhà Hưng Ngân.
|
Hàng loạt dự án bất động sản của Công ty Nhà Hưng Ngân bị ngân hàng BIDV mang ra bán đấu giá. |
Cụ thể, các tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty Nhà Hưng Ngân gồm: Khu nhà ở cao tầng kết hợp phức hợp thương mại (phường Tân Chánh Hiệp, quận 12) hay còn được gọi là chung cư Hưng Ngân Garden. Diện tích đất toàn khu dự án này hơn 27.500m2, quy mô 4 block chung cư cao 22 tầng, trường học, khu thương mại dịch vụ.
Dự án Khu du lịch Bãi Cửa Cạn (xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), diện tích khu đất hơn 204.200m2 thuộc Khu du lịch Bãi Cửa Cạn tại xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc. Dự án này được cơ cấu sử dụng là khu thương mại dịch vụ phức hợp, khu dịch vụ du lịch, khu khách sạn, khu biệt thự nghỉ dưỡng… Dự án đang trong giai đoạn triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thực hiện được phần diện tích là 53.179,73 m2/204.204 m2 (26%).
Ngoài ra, còn có 3 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đảm bảo cho khoản nợ vay của Công ty Nhà Hưng Ngân tại BIDV gồm: Số 51 Hoàng Diệu, phường 10, quận Phú Nhuận, TP.HCM; 130 Phố Tôn Đức Thắng, phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội và 11 ngách 34/2 đường Nguyên Hồng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội.
Giá khởi điểm của khoản nợ vay tính bằng gốc cộng lãi vay tính đến thời điểm BIDV thông báo cho công ty dịch vụ đấu giá triển khai phiên đấu giá đầu tiên. Tương ứng tổng dư nợ gốc và lãi tính đến hết ngày 31/10/2019 của Nhà Hưng Ngân là 502 tỷ đồng.
Công ty Nhà Hưng Ngân là thành viên của Công ty CP Đầu tư nhà và thương mại Hưng Ngân (Hưng Ngân Group, chủ đầu tư chung cư Hưng Ngân Garden), được thành lập vào năm 2009. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này là ông Nguyễn Đắc Điềm.
Liên quan đến dự án Hưng Ngân Garden, theo Tapchimattran, Nhà Hưng Ngân đã vay BIDV số tiền 494 tỷ đồng vào năm 2011 nhằm thanh toán các chi phí triển khai dự án.
Đổi lại, Hưng Ngân đã đem đi thế chấp bao gồm nhiều bất động sản của ông Nguyễn Đắc Điềm, cùng con trai là Nguyễn Đắc Hưng và toàn bộ tài sản hình thành từ vốn vay (bao gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất) của dự án nêu trong hợp đồng tín dụng…
Đến năm 2012, cũng với khối tài sản thế chấp trên, nhưng chỉ thay đổi người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Đắc Hưng – Tổng Giám đốc, BIDV đã chấp nhận tăng mức cho vay đối với Nhà Hưng Ngân lên xấp xỉ 691 tỷ đồng. Mặc dù trước đó, BIDV đã yêu cầu Nhà Hưng Ngân phải tất toán toàn bộ dư nợ tại Ngân hàng Liên doanh Việt Nga và giải chấp tài sản bảo đảm tại Ngân hàng Liên doanh Việt Nga để thế chấp toàn bộ quyền sử dụng đất (27.559,6m2) của dự án cho khoản vay tại BIDV.
Đến năm 2017, đối với khoản vay 691 tỷ đồng của Nhà Hưng Ngân, BIDV đã phải phát đi cảnh báo đối món vay chậm trả của doanh nghiệp này và khả năng chuyển vào nhóm nợ xấu (Nợ có khả năng mất vốn).
Trước đây, dự án Khu nhà ở cao tầng và khu phức hợp thương mại dịch vụ tại phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12, TP.HCM đã từng bị đình chỉ vì không có giấy phép xây dựng nhưng vẫn động thổ thi công; Công trình bị cấm chuyển nhượng; Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo việc cấp giấy phép xây dựng bắt buộc phải có phần “ghi nợ”…
Ngoài ra, Nhà Hưng Ngân còn vấp phải nhiều “lùm xùm” tại Hưng Ngân Garden khi bị cư dân “tố” chất lượng công trình ở đây không đảm bảo do chủ đầu tư sử dụng vật liệu không đúng, “ép” khách hàng thanh lý hợp đồng. Gạch bị ố màu sau 4 tháng sử dụng, tường thấm nước, ống dẫn nước sinh hoạt bị bể, trần dột, sân thượng bị thấm…, thiết bị PCCC không hoạt động đặt cư dân vào tình trạng nguy hiểm.
Theo Tài chính Doanh nghiệp