Hàng loạt doanh nghiệp sa thải lao động vì dịch Covid-19

DTVN 22:19 07/09/2020

Sau tác động của 2 đợt dịch Covid-19, đã khiến 47% trong gần 400 doanh nghiệp được khảo sát phải cắt giảm lao động.

Theo Kinh tế & tiêu dùng, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân vừa có cuộc khảo sát lần thứ 3 với gần 400 doanh nghiệp về tình hình hoạt độn sau khi đợt dịch COVID-19 thứ hai quay trở lại vào cuối tháng 7.

Cuộc khảo sát cho thấy sức khỏe của các doanh nghiệp đang kiệt quệ. Kết quả cho thấy 20% các doanh nghiệp tham gia phải dừng hoạt động. 76% doanh nghiệp không cân đối được thu chi, 2% đã giải thể và 2% doanh nghiệp chưa bị ảnh hưởng bởi đợt dịch lần này.

Tác động của đợt dịch thứ hai đã khiến 47% trong gần 400 doanh nghiệp được khảo sát phải cắt giảm lao động. Trong đó, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất do không có khách hàng.

Các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ làm dịch vụ đại lý tour, bán vé phần lớn sa thải toàn bộ nhân viên; doanh nghhiệp lữ hành quốc tế tỷ lệ này là 80%, còn với doanh nghiệp lớn 40-50%.

Không riêng ngành du lịch, cắt giảm lao động là "động thái chung của nhiều doanh nghiệp, lĩnh vực trong đợt dịch bùng phát lần 2". Hiệp hội Rau quả Việt Nam và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp trực thuộc đã cắt giảm 10%. Số lao động phải nghỉ việc vì Covid-19 tại các đơn vị thành viên của Hiệp hội Nhựa Việt Nam là 30-60%. Trong lĩnh vực chế biến gỗ, mỹ nghệ, lượng lao động bị sa thải cũng tới 30%...

Đa phần các doanh nghiệp, hiệp hội đều cho rằng họ tồn tại tới thời điểm này là "nỗ lực cực kỳ lớn nhưng nỗ lực bỏ ra để giữ người lao động, nhất là nhân sự chủ chốt, quản lý... còn lớn hơn".

Chủ doanh nghiệp thấy rõ chi phí cơ hội của việc sa thải hàng loạt nhân sự và chi phí tuyển dụng lại rất cao nên đã áp dụng nhiều biện pháp giữ chân người lao động. Song, áp lực đảm bảo dòng tiền trả lương, bảo hiểm xã hội, y tế và các khoản phí liên quan tới công đoàn trong bối cảnh lượng tiền thực của doanh nghiệp ngày càng mỏng, vẫn phải trả lãi vay ngân hàng, khiến họ không còn lựa chọn nào khác.

Theo báo cáo từ Tổng Cục thống kê Việt Nam (GSO), trong 3 tháng đầu năm, khi có đợt dịch lần đầu tiên, cả nước có 18.600 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 26% so với cùng kì năm trước.

“Bóng ma” dịch bệnh cũng đã khiến khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quí đầu năm 2020: số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên lến 18.600, tăng 26% so với năm 2019. Đồng thời, số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 12.200, 4.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 3 tháng đầu năm 2020.

Tuy nhiên, đến đợt dịch thứ hai bùng phát vào cuối tháng 7, GSO ghi nhận 8 tháng đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 34.300, tăng đến 70,8% so với cùng kì năm 2019. Bên cạnh đó, ghi nhận đến 10.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 8 tháng đầu năm.

Trước thực trạng trên, cơ quan này cho rằng với gói hỗ trợ lần 2 tới đây, rất mong Chính phủ xây dựng các chính sách hướng tới việc củng cố niềm tin và tạo động lực nhiều hơn cho doanh nghiệp. Cũng bởi khảo sát cho thấy có sự suy giảm niềm tin của doanh nghiệp và hiệp hội khi được hỏi ý kiến về hiệu quả các chính sách đã ban hành.

Do vậy, thay vì các chính sách hỗ trợ khi doanh nghiệp đã kiệt quệ, đổ vỡ, cần sửa đổi nhiều theo hướng giúp doanh nghiệp tiết giảm được dòng tiền chi ra, cơ chế thực thi chính sách phải nhanh, minh bạch, thuận tiện, chú trọng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, áp dụng chế tài mạnh với các khâu thực thi đi ngược chủ trương "tạo thuận lợi".

Đặc biệt, Thủ tướng cần chỉ đạo rà soát các chính sách đã ban hành trong gói hỗ trợ lần 1 để điều chỉnh, giảm tải các quy định, điều kiện, thủ tục còn rườm rà, bất hợp lý. Giao các bộ ngành nghiên cứu, tham mưu những chính sách giúp doanh nghiệp tiết giảm dòng tiền chi ra để giúp doanh nghiệp cân đối, sử dụng dòng vốn còn rất mỏng cho các khoản chi tối thiểu nhằm duy trì người lao động, sản xuất, kinh doanh và tái cấu trúc doanh nghiệp.

Hà Linh (T/H)/SHTT

Bạn đang đọc bài viết Hàng loạt doanh nghiệp sa thải lao động vì dịch Covid-19 tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp
Tin tức mới nhất