Nhà máy Xi măng Xuân Thành gây hói bụi mịt mù
Theo nhiều người dân xã Thanh Hương (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) phản ánh, trong nhiều năm qua, từ khi nhà máy Xi măng Xuân Thành (Công ty cổ phần xi măng Xuân Thành) khai thác đá sét xi măng tại khu vực Khe Non 2, người dân nơi đây phải hứng chịu những hệ lụy nặng nề do ô nhiễm môi trường gây ra.
Người dân cho hay, hàng ngày hệ thống máy xúc, máy ủi cùng đoàn xe ô tô của xi măng Xuân Thành hoạt động nối đuôi nhau chạy rầm rầm từ phía mỏ đá sét về nhà máy đã kéo theo những “cơn bão” bụi ập vào người đi đường, khói bụi mù mịt bay vào nhà, bám phủ đầy nhà cửa, vườn tược của người dân.
|
Xe tải chở quặng ra vào tại khu mỏ đá sét Khe Non 2, xã Thanh Hương của Công ty CP Xi măng Xuân Thành. Ảnh: Đại Đoàn Kết. |
Chưa kể mỗi khi trời mưa, đất đá từ khu vực khai thác trôi xuống các mương nước tưới tiêu của người dân khiến cho mương nước biến thành vũng lầy, gây ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Cụ thể, một người dân xã Thanh Hương chia sẻ với PV Kiến Thức: “Máy móc họ làm thâu đêm suốt sáng, không bao giờ nghỉ. Trước kia, khi mưa xuống đất ở trên mỏ đá chảy theo nước vùi hết cả vào cả hoa màu, vũng nước tưới tiêu của người dân phía dưới. Công ty xi măng Xuân Thành sau đấy phải đền bù cho người dân.
Ngày trước, khi mới tiến hành khai thác ô tô chạy gây ô nhiễm nhiều, người dân có phản ánh lên chính quyền nhưng không xử lý được. Sau đấy, họ bức xúc mang cả gạch đá ra chặn đường không cho xe tải qua. Đến nay thì đỡ hơn một chút vì Công ty họ cho xe nước rửa và quét đường, nhưng không ăn thua”.
Theo ghi nhận thực tế, các phương tiện máy móc khai thác đá sét diễn ra rầm rộ tại khu vực Khe Non 2 Công ty Xi măng Xuân Thành khiến khu đồi rộng lớn nham nhở. Tại khu mỏ, bụi bay mù mịt bao phủ cả vùng rộng lớn mà không được che chắn hay phun sương để hạn chế bụi.
Thêm vào đó, tuyến đường ĐH13 cắm biển giới hạn trọng tải 10 tấn, nối từ QL1A vào khu mỏ sét dài khoảng 3km liên tục phải “oằn mình” cõng cả trăm lượt xe ô tô tải chở sét gắn logo “Tập đoàn Xuân Thành” chạy rầm rầm, nhưng không thấy bóng dáng lực lượng chức năng xử lý.
Nghi vấn khai thác trước khi được cấp phép
Trong khi người dân xã Thanh Hương ngày càng phản ứng gay gắt về việc nhà máy Xi măng Xuân Thành gây ô nhiễm trầm trọng trong quá trình khai thác đá sét xi măng tại khu vực Khe Non 2 thì ở một diễn biến khác, nhà máy xi măng Xuân Thành lại đang bị đặt ra nghi vấn khai thác trước khi được cấp phép.
Được biết, ngày 29/3/2019, Bộ TN&MT đã cấp Giấy phép mang số 780/GP-BTNMT cho Công ty CP Xi măng Xuân Thành khai thác bằng phương pháp lộ thiên đá sét xi măng Khe Non 2 thuộc các xã Thanh Hương, Thanh Lưu và Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm. Diện tích khu vực theo giấy phép mà doanh nghiệp này được cấp là 74,5ha, được chia làm 3 khu vực với trữ lượng là 30.847.646 tấn đá sét. Thời gian khai thác là 27 năm, trong đó có 1 năm để xây dựng cơ bản.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân địa phương, thì họ cho rằng doanh nghiệp này đã khai thác từ nhiều năm nay. Khoảng từ năm 2014, người dân đã thấy xe Công ty xi măng Xuân Thành vào khu mỏ quặng Khe Non 2 khai thác chứ không phải đến năm 2019 mới khai thác.
“Nếu mà năm 2019 họ mới khai thác thì lấy đâu ngọn núi đã bị đào khoét nham nhở như vậy”, một người dân giấu danh tính chia sẻ với Kiến Thức.
Để xác minh về câu chuyện này, rằng có hay không việc nhà máy xi măng Xuân Thành khai thác trước phép như những gì người dân cho hay, PV Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Duy - Phó Chủ tịch thị trấn Tân Thanh (trước đây là xã Thanh Lưu và Thanh Bình nhập lại).
Ông Duy cho biết Công ty CP Xi măng Xuân Thành khai thác mỏ đá sét xi măng thuộc địa bàn xã Thanh Hương từ khoàng 7-8 năm nay. Tại địa bàn thị trấn Tân Thanh, cuối năm 2019, công ty Xuân Thành khai thác chạm vào ranh giới, tuy nhiên chưa có đền bù cụ thể, một số chỗ vướng dân, nên yêu cầu dừng.
Đáng chú ý, trước các câu hỏi của phóng viên về việc Công ty CP Xi măng Xuân Thành tiến hành khai thác tại mỏ đá Khe non 2 từ thời gian nào và xã có kiểm tra hay không thì ông Phạm Văn Nam - Chủ tịch UBND xã Thanh Hương lại tỏ ra quanh co: “Tôi không nắm được… Cái đó thì tôi chịu”. Khi phóng viên đề nghị cung cấp các giấy tờ liên quan đến việc cấp phép, hoạt động của mỏ đá cũng như các biên bản kiểm tra của chính quyền xã thì ông Nam cũng từ chối cung cấp.
|
Mặc dù tuyến đường ĐH13 cắm biển giới hạn trọng tải 10 tấn, nhưng hàng trăm lượt xe ô tô "Tập đoàn Xuân Thành" chở đá sét vẫn chạy rầm rầm. Ảnh: Kiến Thức. |
Về mặt trình tự thủ tục, trước khi tiến hành khai thác, Công ty CP Xi măng Xuân Thành phải nộp thiết kế mỏ được lập, thẩm định. Báo cáo Sở TN&MT tỉnh Hà Nam để kiểm tra thực địa, xác định tọa độ, mặt bằng khai thác, cắm mốc giới khu vực được phép khai thác và phải thực hiện đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, phục hồi môi trường của dự án khi khai thác xong…
Ngoài ra, trước khi tiến hành khai thác, Công ty CP Xi măng Xuân Thành phải đăng ký ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, ngày bắt đầu khai thác, thông báo về giám đốc điều hành mỏ, kế hoạch khai thác, chế biến tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Quang Bắc, Giám đốc điều hành Công ty CP Xi măng Xuân Thành cho biết: Công ty được cấp phép khai thác khoáng sản từ tháng 3/2019. Ông Bắc đã phủ nhận việc khai thác mà đó chỉ là trong quá trình xây dựng cơ bản mỏ, công ty tận thu đá sét vận chuyển về nhà máy. Theo ông Bắc, tính đến hết năm 2019, công ty này đã tận thu được 200.000 tấn đá sét vận chuyển về nhà máy xi măng.
Khi phóng viên đề nghị ông Bắc cho xem các giấy tờ liên quan đến tính pháp lý của xây dựng cơ bản mỏ, thiết kế xây dựng mỏ, giấy tờ thể hiện nộp tiền thuế, phí khai thác khoáng sản thì ông Bắc đã khước từ.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ