Năm đầu tiên Đức Quân Fortex báo lỗ kể từ khi niêm yết
Tính riêng trong quý 4/2019, FTM ghi nhận doanh thu thuần sụt giảm 42%, xuống còn gần 190 tỷ đồng. Bên cạnh đó, giá vốn hàng bán cũng giảm 41%, đạt gần 199 tỷ đồng. Ngoài ra, FTM ghi nhận lỗ ròng 51 tỷ đồng trong quý 4/2019.
Ngoài ra, trong quý 4/2019 FTM còn phải đền bù bảo hiểm thiệt hại do bão gây ra 10.8 tỷ đồng cùng với chi phí khác tăng do máy móc hoạt động dưới công suất thiết kế.
|
Dây chuyền sản xuất sợi của Fortex. (Ảnh: ST) |
Lũy kế cả năm 2019, Đức Quân Fortex đạt gần 1.000 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 13,2% so với cùng kỳ, kinh doanh dưới giá vốn và gánh nặng chi phí khiến FTM lỗ ròng gần 95 tỷ đồng trong khi năm 2018 lãi gần 29 tỷ đồng – Đây cũng là năm đầu tiên Đức Quân Fortex báo lỗ kể từ khi niêm yết. Như vậy, FTM chỉ mới thực hiện được 66% kế hoạch tổng doanh thu năm 2019 và thất hẹn với cổ đông về kế hoạch lãi sau thuế khi báo lỗ ròng.
Năm 2019 FTM đặt mục tiêu doanh thu 1.225,26 tỷ đồng và LNST đạt 22,5 tỷ đồng theo đó công ty mới chỉ hoàn thành được 82% mục tiêu về doanh thu.
Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân thua lỗ là do một loạt khó khăn đến từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung như các khách hàng từ thị trường chính là Trung Quốc đang trả giá rất thấp, các thị trường mới như Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan đơn hàng nhỏ và hạn chế.
Bên cạnh đó, FTM còn phải chịu sự cạnh tranh gay gắt về đơn hàng từ các doanh nghiệp sợi FDI trong nước, các doanh nghiệp từ các quốc gia cạnh tranh như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Pakistan.
Tổng tài sản tính đến 31/12/2019 đạt gần 1,598 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn của FTM ghi nhận đạt gần 909 tỷ đồng và tài sản dài hạn đạt gần 689 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí trả trước dài hạn tăng mạnh 6 lần so với con số ngày 01/10/2019 lên mức 43.3 tỷ đồng.
FTM đã từng 'đổ đèo' trong 30 phiên giao dịch liên tục
Trước đó, hẳn các nhà đầu tư vẫn không thể nào quên được nỗi đau "nhớ đời" khi cổ phiếu ngành dệt may FTM “đổ đèo” 30 phiên giao dịch liên tục trong tháng 8. Kể từ phiên 14/8, cổ phiếu FTM đột ngột giảm sàn và tình trạng này kéo dài trong nhiều phiên. May thay, chuỗi giảm sàn liên tiếp 30 phiên đã kết thúc trong phiên sáng 27/9. Như vậy, từ mức giá 23.650 đồng, chỉ sau 1 tháng cổ phiếu FTM đã bay hơi gần 90%.
FTM bắt đầu giảm sàn sau khi kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 thua lỗ và bị loại ra khỏi danh sách cổ phiếu được cầm cố cho vay margin.
Với kết quả kinh doanh không như kỳ vọng, một số nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu FTM đã lo ngại và bán số lượng cổ phiếu lớn ra thị trường.
Khó khăn chồng chất khó khăn, kết quả kinh doanh thua lỗ cộng với giá trị cổ phiếu giảm mạnh đã tác động tiêu cực đến quyền lợi của các cổ đông hiện hữu cũng như các nhà đầu tư và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hình ảnh của Công ty trên thị trường.
FTM đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2019 trên HoSE ở mức dưới 2.000 đồng/cổ phiếu.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ