Theo Cục Hàng không Việt Nam, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không trong tháng 2/2020 đạt gần 8,1 triệu khách, giảm 11,6% so với cùng kỳ 2019. Trong số này, khách quốc tế đạt 2,4 triệu, giảm tới 29,8% và khách nội địa đạt 5,7 triệu, giảm 0,7%.
Cũng trong tháng 2, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển 3,7 triệu khách, giảm 13,7% so với tháng 2/2019. Lượng khách quốc tế giảm tới 39,5%, chỉ còn 870.000 khách; trong khi khách nội địa giảm nhẹ 0,7%, đạt 2,8 triệu khách.
Do dịch Covid-19 bùng phát, tất cả các hãng hàng không đã dừng bay đến Trung Quốc từ đầu tháng 2 và trong mấy ngày gần đây đã giảm tần suất bay đến Hàn Quốc; trong đó, Bamboo Airways đã tạm dừng bay giữa Đà Nẵng/Cam Ranh và Incheon.
Trong khi lượng khách quốc tế giảm mạnh, số lượng tàu bay lại tăng mạnh. Cơ quan phụ trách hàng không này cho biết, tính đến tháng 2/2020, cả nước có 235 máy bay đăng ký quốc tịch Việt Nam, tăng ba tàu so với tháng 1 và tăng 48 tàu so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Vietnam Airlines có 106 tàu (gồm 28 tàu thân rộng), Vietjet 75 tàu, Bamboo Airways 22 tàu (gồm ba tàu thân rộng) và Jetstar Pacific 18 tàu. Số tàu còn lại thuộc sở hữu của Công ty Bay dịch vụ hàng không, CTCP Hàng không Hải Âu, Công ty TNHH Công nghệ Hành Tinh Xanh, CTCP Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt và CTCP Dịch vụ Kỹ thuật hàng không.
Số lượng trực thăng đăng ký quốc tịch Việt Nam là 32 chiếc, tăng ba chiếc so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều đường bay đã bị giảm số chuyến hoặc dừng tạm thời vì dịch Corona.
|
Quý 4 vừa qua, Vietjet Air ghi nhận doanh thu đạt 13.925 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 538.8 tỷ đồng, lần lượt giảm 24,5% và 64,9% so với cùng kỳ. Doanh thu và lợi nhuận của Vietjet Air giảm so với cùng kỳ sau khi thị trường xuất hiện thêm hãng hàng không mới Bamboo Airways.
Đồng thời, hãng đã tạm hoãn ghi nhận doanh thu thương mại tàu bay (chỉ nhận bàn giao 2 máy bay Airbus so với cùng kì 2018 là 9 máy bay) từ năm 2019 sang 2020 và 2021.
Tương tự Vietjet Air, hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng phải đối mặt với năm 2019 không mấy suôn sẻ. Riêng quý 4, công ty ghi nhận lỗ hoạt động kinh doanh và chỉ ghi nhận lãi nhờ thu từ hoạt động khác. Vietnam Airlines cho biết kết quả kinh doanh kém do doanh thu bình quân của hành khách nội địa giảm 17,7%; quốc tế giảm 8,1% khiến lợi nhuận chung suy giảm.
Những khó khăn của ngành hàng không đã bắt đầu xuất hiện từ năm 2019, khi cạnh tranh trở nên gay gắt bởi sự xuất hiện của các hãng hàng không mới và lượng khách du lịch tới Việt Nam có dấu hiệu chững lại.
|
Bước sang năm 2020, ngành này được dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn trước tác động của dịch nCoV. Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, nhiều nước trong đó có Việt Nam đã nhanh chóng có những biện pháp ngăn chặn sự lây lan.
Cụ thể, Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT ngừng cấp phép các chuyến bay đi - đến giữa vùng có dịch tại Trung Quốc và Việt Nam và một số địa phương cũng đã quyết định sẽ ngưng tiếp nhận khách Trung Quốc, Hà Nội đã tạm ngừng cấp thị thực cho khách Trung Quốc và đã từng ở Trung Quốc trong 2 tuần qua. Sau đó, Vietjet Air và Vietnam Airlines đều đã quyết định ngừng khai thác các đường bay tới Trung Quốc.
Trong Báo cáo đánh giá tác động của dịch nCoV, Công ty chứng khoán KB Securities Việt Nam (KBSV) nhận định, hoạt động kinh doanh của ngành hàng không nói riêng và ngành du lịch dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch nCOV tương tự như đại dịch SARS.
Giai đoạn 1999 – 2002 là giai đoạn khởi sắc của ngành hàng không các quốc gia khu vực Đông Á – Thái Bình Dương với CAGR hành khách 3 năm đạt 9,9%. Tuy nhiên, đại dịch SARS diễn ra khiến tổng lượng khách du lịch bằng đường hàng không năm 2003 chỉ còn duy trì tăng trưởng 0,7% do ảnh hưởng của SARS ( riêng Việt Nam giảm 1,7%) và hồi phục mạnh mẽ trở lại năm 2004, tăng 39%
KBSV cho rằng, tác động của dịch nCOV đối với Việt Nam sẽ khó lường hơn do Việt Nam nằm ngay sát Trung Quốc và tốc độ lây lan của dịch nCOV lớn hơn SARS. Thứ 2 là do tỷ trọng khách du lịch Trung quốc/Tổng lượng khách quốc tế đang tăng dần qua các năm, chiếm 32% năm 2019 do các hãng hàng không liên tục mở mới các chuyến bay đến các tỉnh Trung Quốc.
Công ty chứng khoán KB Securities Việt Nam dự kiến, lượng hành khách quốc tế đến Việt Nam sẽ không có tăng trưởng trong năm 2020.
Cụ thể, đơn vị này đưa ra các kịch bản về thời gian kéo dài của dịch nCOV tác động đến tăng trưởng hành khách quốc tế tại Việt Nam với giả định tăng trưởng khách hàng Trung Quốc giảm 75% và hành khách từ các quốc gia khác không tăng trưởng trong các tháng diễn ra dịch.
Trong báo cáo đánh giá tác động của dịch nCoV, công ty chứng khoán KB Securities Việt Nam (KBSV) nhận định hoạt động kinh doanh của ngành hàng không nói riêng và ngành du lịch dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch nCOV tương tự như đại dịch SARS.
Giai đoạn 1999 – 2002 là giai đoạn khởi sắc của ngành hàng không các quốc gia khu vực Đông Á – Thái Bình Dương với CAGR hành khách 3 năm đạt 9,9%. Tuy nhiên, đại dịch SARS diễn ra khiến tổng lượng khách du lịch bằng đường hàng không năm 2003 chỉ còn duy trì tăng trưởng 0,7% do ảnh hưởng của SARS (riêng Việt Nam giảm 1,7%) và hồi phục mạnh mẽ trở lại năm 2004, tăng 39%.
Tác động của dịch Corona đối với Việt Nam sẽ khó lường hơn do Việt Nam nằm ngay sát Trung Quốc và tốc độ lây lan của dịch bệnh này lớn hơn SARS. Thứ hai là do tỷ trọng khách du lịch Trung Quốc trong tổng lượng khách quốc tế đang tăng dần qua các năm, chiếm 32% năm 2019 do các hãng hàng không liên tục mở mới các chuyến bay đến các tỉnh Trung Quốc.
Lâm Anh (T.H)/ Sở hữu trí tuệ