Tạp chí Kinh tế Môi trường nhận được đơn của một số khách hàng đã đăng ký đặt chỗ để mua các căn biệt thự tại Khu K - giai đoạn 3 Dự án Khu đô thị Nam Thăng Long, thời điểm 2013 phản ánh việc Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long huy động vốn trái phép và có dấu hiệu lừa đảo khách hàng.
|
Khu đô thị Nam Thăng Long. |
Theo hợp đồng đăng ký đặt chỗ mua nhà ở năm 2013, giá mà Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long đưa ra cho khách hàng là khoảng 90 triệu đồng/m2, các khách hàng đã nộp 1 tỉ đồng cho Công ty để đặt chỗ; theo điều khoản hợp đồng, 10 ngày sau, khách hàng sẽ ký tiếp Hợp đồng mua bán với Công ty, nhưng Công ty đã không thực hiện.
Sự việc bị bỏ lửng cho đến năm 2017, họ bất ngờ nhận được thông báo của Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long về việc thông báo giá bán nhà theo giá mới (giá của năm 2017), trong khi họ thực hiện đăng ký đặt chỗ mua nhà từ năm 2013. Theo đó, Công ty lấy lý do là thuế đất tăng cao nên đề nghị các khách hàng mua với giá trên 100 triệu đồng/m2 (tức là nộp thêm nhiều tỉ đồng), tuỳ theo diện tích của từng căn biệt thự.
Theo tìm hiểu PV được biết, cụ thể năm 2013 Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long đã cho khách hàng đặt cọc tiền giữ chỗ mua các căn biệt thự liền kề tại Dự án Khu đô thị Nam Thăng Long (có khách hàng đặt 1 tỉ đồng tiền giữ chỗ, có khách hàng vừa đặt vừa thanh toán căn cứ theo tiến độ trong Đăng ký đặt chỗ mua nhà, khoảng từ 4 đến 8 tỉ đồng), nhưng đến năm 2017 UBND Thành phố Hà Nội mới có Quyết định số 5799/QĐ-UBND ngày 22 tháng 8 năm 2017 về việc phê duyệt giá đất, lô đất và về nguyên tắc, thì thời điểm này Chủ đầu tư mới bắt đầu làm hạ tầng dự án.
|
Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long huy động vốn trái phép tại khu K - giai đoạn 3 Dự án Khu đô thị Nam Thăng Long? |
Theo Điểm đ, Khoản 3, Điều 9 Nghị định 71/NĐ-CP thì: “Đối với trường hợp huy động vốn theo hình thức quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này thì chủ đầu tư chỉ được ký hợp đồng mua bán nhà ở sau khi đã có thiết kế kỹ thuật nhà ở được phê duyệt, đã xây dựng xong phần móng của nhà ở, đã hoàn thành thủ tục mua bán qua sàn giao dịch bất động sản theo đúng quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản và thông báo cho Sở Xây dựng nơi có dự án phát triển nhà ở theo quy định tại điểm e khoản này”.
Như vậy, với việc cho khách hàng đặt tiền giữ chỗ, Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long đã có dấu hiệu huy động vốn trái phép.
Được biết, hiện có 38 khách hàng đang bị thiệt hại (con số này có thể nhiều hơn) và họ cho rằng, Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long đang cố tình kéo dài thời gian, chây ì không giải quyết dứt điểm vụ việc. Để đảm bảo quyền lợi khách hàng, PV đã có buổi làm việc cùng đại diện của Công ty.
Trao đổi với PV Kinh tế Môi trường, ông Adrian Chen – Tổng điều hành Marketing Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long cho biết: “Năm 2013, công ty có các căn biệt thự thấp tầng tại lô K mở bán nhưng chưa chính thức mà là cho đăng ký có kèm theo các thông tin sơ bộ, chỉ có các hình ảnh về nhà trong tương lai chứ chưa có giá bán. Thời điểm đó, bên công ty chỉ nhận theo hình thức giữ chỗ chứ chưa phải là bán vì chưa ký hợp đồng vì thời điểm đó, công ty chưa được xác định về tiền sử dụng đất.
Đến năm 2017, khi công ty nhận được xác nhận về tiền sử dụng đất thì công ty có gửi thông báo chính thức cho khách hàng và có xác nhận về giá bán, đề nghị khách hàng đóng tiền để ký hợp đồng”.
Về việc tại sao công ty thông báo giá bán nhà theo giá mới - giá của năm 2017 tới khách hàng, ông Adrian Chen khẳng định, năm 2013 khi công ty ký đăng ký đặt chỗ với khách hàng thì phía công ty có đưa ra một mức giá dự kiến, trong đó có ghi rõ mức giá dự kiến có thể được điều chỉnh tùy theo cơ quan nhà nước. Đến khi công ty nhận được văn bản xác định tiền sử dụng đất của nhà nước thì tiền sử dụng đất tăng giá được tính 100% dựa theo tiền sử dụng đất tăng chứ không phải công ty tự ý tăng để thu lợi nhuận.
Quần thể khu đô thị Ciputra - Nam Thăng Long, quận Tây Hồ được nhiều người biết đến là khu đô thị xanh dành riêng cho “quý tộc” Việt Nam và nước ngoài với những khu căn hộ cao cấp phong cách châu Âu. Tuy nhiên, nằm bên cạnh khu đô thị Ciputra là nghĩa trang Xuân Đỉnh. Hiện thành phố Hà Nội chưa có kế hoạch di dời nghĩa trang này nên chủ đầu tư khu đô thị Ciputra phải xây tường cao để tách biệt hẳn khu nghĩa trang với khu đô thị.
|
Nghĩa trang Xuân Đỉnh nằm sát Khu đô thị Ciputra - Nam Thăng Long. |
Do bỏ hàng chục tỉ đồng để mua nhà nên nhiều người dân đành chấp nhận quen dần với việc hàng ngày phải đi qua khu nghĩa trang này. Tuy nhiên, điều mà nhiều cư dân lo ngại là vấn đề sức khỏe và môi trường vui chơi cho trẻ nhỏ do khu đô thị nằm sát nghĩa trang. Theo một số hộ dân đang sống ở các chung cư E4, E5, mỗi khi mở cửa nhìn xuống đường, cái mà họ nhìn thấy không phải là công viên cây xanh mà là hàng ngàn ngôi mộ xếp thẳng hàng...
Được biết, Dự án Khu đô thị Nam Thăng Long do Công ty liên doanh UDIC và Ciputra (Công ty TNHH phát triển khu đô thị Nam Thăng Long) làm chủ đầu tư với quy mô: 394,135 ha; Dự kiến, tại đây xây dựng 50 toà nhà cao tầng, 2.500 căn nhà ở thấp tầng (biệt thự) và các tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm và giải trí Ciputra Mall, bệnh viện, trường học cùng các dịch vụ giải trí, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, với quy mô dân cư khoảng 50.000 người ở.
Dự án có tổng mức đầu tư: 2,1 tỷ USD, được khởi công từ 2002 và hiện đang triển khai giai đoạn 3.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.
Theo Xuân Đoàn/Kinh tế Môi trường