Khoản thu nhập 'đột biến' của CTI trong quý 2/2020
Từ quý I/2020, BVSC đã nhận định rằng, kết quả kinh doanh trong quý 2/2020 của Công ty CP Đầu tư Phát triển Cường Thuận (IDICO, HoSE: CTI) dự báo sẽ có đột biến nhờ ghi nhận lợi nhuận từ việc bán mỏ đá Tân Cang 8. Tháng 4/2020, CTI đã bán thành công Mỏ Tân Cang 8 cho Công ty TNHH Xây dựng Hùng Vương, với giá trị giao dịch khoảng 400 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế (LNTT) từ việc bán Mỏ Tân Cang 8 ước tính khoảng 70 tỷ đồng, sẽ được ghi nhận hoàn toàn trong Quý 2. Quả thật, điều này đúng là được phản ánh ngay trong báo cáo quý 2/2020 của CTI với khoản lợi nhuận khác là 81.8 tỷ đồng nhờ chuyển nhượng quyền khai thác mỏ đá Tân Cang 8.
|
Mỏ Tân Cang 8. |
Chính nhờ khoản thu nhập khác này, CTI báo lãi ròng quý 2 đạt hơn 52 tỷ đồng, tăng gần 140% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, đây cũng là mức lãi cao nhất trong quý của CTI kể từ khi niêm yết (năm 2010).
Trong quá khứ, mỏ Tân Cang 8 với tổng công suất hàng năm 800.000 m3, đóng góp khoảng 70% doanh thu đá xây dựng hàng năm của CTI. Khoản thu nhập một lần này sẽ giúp CTI giảm bớt áp lực nhu cầu vốn đối với các dự án đầu tư hiện tại như các KCN và các mỏ đá còn lại.
Thoạt nhìn, bức tranh quý 2/2020 có vẻ đủ khiến nhà đầu tư mãn nguyện. Thế nhưng bức tranh đó được vẽ trên nền màu xám. Bởi kết quả kinh doanh từ hoạt động chính của CTI thực sự đáng quan ngại.
Cụ thể, doanh thu thuần CTI quý 2/2020 đạt hơn 157 tỷ đồng, giảm 25% so cùng kỳ. Biên lãi gộp cũng chỉ còn bằng khoảng 1 nửa so cùng kỳ. Và nguồn thu này không đủ để CTI trang trải chi phí phát sinh trong kỳ (chủ yếu là chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp).
Do đó, CTI báo lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 15.5 tỷ đồng, ghi nhận lần đầu tiên lỗ thuần kể từ quý 4/2009.
CTI vẫn chưa lỗ ròng kể từ khi lên sàn, nhưng kết quả từ hoạt động kinh doanh chính đủ để khiến giới đầu tư cảm thấy quan ngại. Và cũng có lẽ vì đó mà dù báo lãi kỷ lục, thì các nhà đầu tư vẫn không khỏi lo lắng.
3 mũi kinh doanh chính của CTI có thể vẫn gặp khó
CTI là một doanh nghiệp thành lập năm 2000 tại Đồng Nai với ba mảng kinh doanh lớn là cung cấp vật liệu xây dựng, thi công xây lắp và thu phí. Từ năm 2015 trở về trước, mảng thi công xây lắp thường chiếm tỷ trọng rất lớn trong doanh thu (trên 50%).
Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, tỷ trọng mảng này liên tục thu hẹp và xuống còn 13% trong nửa đầu năm 2020.
Mảng thu phí là mảng kinh doanh mang lại dòng tiền ổn định và tăng đều từ 2015-2018 của CTI. Tuy nhiên, từ cuối 2018, mảng kinh doanh này va phải vật cản lớn từ các nhà làm chính sách trước làn sóng phản ứng gay gắt của dư luận. Các trạm thu phí Quốc lộ 1 và Quốc lộ 91 của CTI chịu nhiều tác động đáng kể khi phải giảm giá thu phí.
Năm 2019, mảng thu phí mang về doanh thu hơn 389 tỷ đồng, giảm 12% so với năm trước đó. 6 tháng đầu năm 2020, mảng thu phí của CTI tiếp tục sụt giảm 13%, đạt 178 tỷ đồng, bằng 45% kế hoạch cả năm cho mảng này.
Trong giai đoạn còn lại của năm 2020, khó trông chờ vào mảng thu phí của CTI sẽ trở lại đà tăng trưởng, ngay cả khi dự án đường chuyên dụng hoàn thành và mang về doanh thu như kế hoạch (17 tỷ đồng) cũng chưa thể bù đắp phần sụt giảm từ Quốc lộ 91.
Mảng trọng yếu còn lại của CTI chính là khai thác đá xây dựng vốn đang có xu hướng tăng dần trong thời gian qua và còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn. Tỷ trọng doanh thu từ mảng đá xây dựng của CTI đã tăng trưởng từ mức 3% vào năm 2016 lên mức 19% năm 2019.
Cần lưu ý thêm rằng, mỏ đá Tân Cang 8 là mỏ có công suất 800,000m3 mỗi năm, đóng góp vào khoảng 70% doanh thu mảng đá xây dựng hàng năm. Do đó, việc bán mỏ đá có thể khiến CTI sụt giảm kết quả kinh doanh ở mảng khai thác đá cho cả năm 2020.
Tựu trung lại, 3 mũi kinh doanh chính của CTI có thể vẫn gặp khó trong phần còn lại của năm 2020 và Công ty cũng khó để đảo ngược được thế kinh doanh trong năm nay.
Năm nay, CTI còn có kế hoạch ghi nhận doanh thu 200 tỷ từ dự án nhà ở xã hội phường Tam Hòa, Đồng Nai, tương ứng lợi nhuận khoảng 20 tỷ đồng (tính chất nhà ở xã hội nên lợi nhuận chỉ chiếm 10% doanh thu).
Nhưng đó vẫn chỉ là dự kiến và nhớ rằng dịch Covid-19 - một yếu tố khiến mọi dự định trở nên vô nghĩa, đã trở lại.
Cổ phiếu lao dốc không điểm dừng
Nói về cổ phiếu đầu năm 2018, cổ phiếu CTI đóng cửa tại mức cao kỷ lục 35,385 đồng/cp. 1 năm sau đó, mỗi cổ phiếu CTI còn 22,000 đồng/cp, tức giảm khoảng 40% từ mức đỉnh kỷ lục.
Tiếp sau, giá cổ phiếu CTI vẫn cứ trượt dài. Đến kết phiên giao dịch cuối mùa hè năm nay (31/07), CTI chỉ còn 11,100 đồng/cp, tức ghi nhận mức giảm gần 70% từ đỉnh kỷ lục.
Do tác động của kết quả kinh doanh không mấy thuận lợi trong năm tài khóa 2019 và quý 1/2020. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, các thành viên trong Ban lãnh đạo và Quỹ ngoại Vietnam Investment Property Holdings Ltd liên tục đăng ký bán ra một lượng lớn cổ phiếu CTI. Hành động này đã tác động ít nhiều lên tâm lý của nhà đầu tư, khiến cổ phiếu này tiếp tục có những phiên nằm đáy sau nhiều năm.
|
Cổ phiếu CTI mở cửa phiên sáng ngày 4/8/2020 ở mức 12.500 đồng/cp. Đây là mức giá đã trượt khoảng 42% thị giá kể từ đầu năm nay. |
Cổ phiếu CTI mở cửa phiên sáng ngày 4/8/2020 ở mức 12.500 đồng/cp. Đây là mức giá đã trượt khoảng 42% thị giá kể từ đầu năm nay. Từ khoảng giữa tháng 6, cổ phiếu CTI giảm dường như không có điểm dừng.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ