|
Credit Suisse là chủ nợ lớn nhất của Novaland với số dư hơn 9.000 tỷ đồng |
Trong văn bản "kêu cứu" Bộ Xây dựng mới đây, Chủ tịch Tập đoàn Novaland Bùi Thành Nhơn khẳng định nếu mất thanh khoản thì 50.000 tỷ đồng tiền vay sẽ thành nợ xấu. Đây là con số khổng lồ, gấp hơn 2 lần quy mô của một nhà băng thương mại - Saigonbank!
Với quy mô đồ sộ của Novaland, Chủ tịch Nhơn chắc không cần nói quá. Tuy nhiên, khi đề cập con số 50.000 tỷ, doanh nhân sinh năm 1958 nhiều khả năng có ý cộng gộp cả "hệ sinh thái" Novaland Group, bao gồm tập đoàn mẹ, các công ty con có quan hệ sở hữu, lẫn các SPE (Special Purpose Entity) không có quan hệ sở hữu với tập đoàn mẹ song trên thực tế vẫn thuộc quyền chi phối của nhà Chủ tịch Novaland.
Nói vậy là bởi quy mô vay nợ của Novaland sau hợp nhất có phình to trong năm 2019, thì vẫn cách xa con số 50.000 tỷ theo lời ông Bùi Thành Nhơn.
Dù sao thì báo cáo tài chính đã công bố, dù chưa phải đầy đủ nhất, vẫn giúp mang tới một góc nhìn tương đối về cơ cấu thu hút nguồn vốn tín dụng của tập đoàn bất động sản lớn thứ hai cả nước.
Tới cuối năm 2019, tổng dư nợ vay của Novaland và các công ty con là gần 34.600 tỷ đồng, gồm 7.600 tỷ ngắn hạn và 27.000 tỷ dài hạn. Cơ cấu nguồn vốn là vay ngân hàng, vay trái phiếu và vay từ bên thứ ba đối với dư nợ ngắn hạn là 20,7%:25,5%:48,9%; với dư nợ dài hạn là 48%:40,8%:12,2%.
Novaland là doanh nghiệp niêm yết có cơ cấu nguồn vốn lành mạnh và đa dạng bậc nhất Việt Nam. Tập đoàn của ông Nhơn tới cuối năm 2019 có khoảng 25 chủ nợ. Già nửa dư nợ được nắm giữ bởi các ngân hàng nước ngoài, mà đứng đầu (cũng là chủ nợ lớn nhất) là Credit Suisse với 9.000 tỷ, theo sau là Bank of New York Mellon 5.550 tỷ, GPI3 Co Ltd 1.400 tỷ...
Ở trong nước, Novaland có quan hệ tín dụng với cả chục ngân hàng lớn nhỏ, trong đó VPBank tỏ ra hào phóng nhất với dư nợ 3.800 tỷ, nhóm MBBank và MBS 2.700 tỷ, Sacombank 1.650 tỷ, Vietinbank 1.350 tỷ; đáng chú ý, một số ngân hàng quy mô vừa, thậm chí còn tồn tại nhiều vấn đề vẫn dành một tỷ lệ khá lớn trong cơ cấu tài sản để cho Novaland vay là TPBank (1.700 tỷ) hay PVCombank (1.800 tỷ).
Liên quan đến Khu dân cư Bình Khánh (Water Bay) - dự án mà Chủ tịch Novaland khẩn cầu Bộ Xây dựng được tiếp tục triển khai, dự án ban đầu được BIDV ký hợp đồng tài trợ gần 5.000 tỷ đồng. Con số khổng lồ, tương đương 15% vốn điều lệ vào thời điểm cho vay của BIDV, dẫn tới những đồn đoán rằng không chỉ VinaCapital là bên duy nhất có lợi ích trong dự án.
Sau khi Công ty Thế Kỷ 21 (chủ đầu tư dự án) được bán cho Novaland (2015-2016), dự án chuyển sang vay Vietinbank Chi nhánh TP.HCM 3.400 tỷ đồng, trong đó 1.200 tỷ trả nợ BIDV, 2.200 tỷ để tiếp tục phát triển dự án Water Bay. Khoản nợ có kỳ hạn 48 tháng, ân hạn 18 tháng với lãi suất từ 10-10,8%/năm. Căn cứ vào lần giải ngân đầu tiên vào ngày 3/8/2016, thì khoản vay sẽ đáo hạn vào tháng 8/2020. Không rõ số phận khoản cho vay tương đương 1/10 vốn Vietinbank hiện nay ra sao, biết rằng dự án Water Bay rơi vào cảnh "đắp chiếu" sau khi các dự án ở Thủ Thiêm bị thanh kiểm tra 2 năm nay.
Trở lại với các chủ nợ của Novaland. Ít ai biết nhà băng ngoại Credit Suisse đã tài trợ cho Novaland khá lâu trước khi tập đoàn này niêm yết chứng khoán vào cuối năm 2016. Việc niêm yết cổ phiếu trong nước hay trái phiếu trên sàn Singapore chưa hẳn đã là ý chí của nhóm chủ Novaland, bởi các quỹ ngoại rót vốn vào Việt Nam thường đi kèm nhiều điều kiện và ràng buộc, chẳng hạn yêu cầu tỷ lệ sở hữu của nhóm chủ không được giảm xuống dưới một mức nhất định.
Biết thêm rằng Giám đốc Điều hành Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Credit Suisse là ông Lê Hoài Anh - một doanh nhân kỳ cựu với những thương vụ dẫn hàng tỷ USD vốn quốc tế vào Việt Nam.
Theo Nhà đầu tư