Bài học từ những mô hình kinh doanh thất bại của Thế Giới Di Động

Mai Hương(T/H) 11:52 09/07/2020

Gần đây MWG đã không ngần ngại khai tử nhiều mô hình sau một thời gian thử nghiệm nhưng không đạt hiệu quả như kì vọng.

Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ - Mã: MWG), ông Nguyễn Đức Tài nhiều lần đề cập tham vọng của MWG trong 10 - 20 năm tới là vượt ra phạm vi trong nước, trở thành một "đế chế" bán lẻ của thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều thành công của Thế Giới Di Động với chuỗi Điện Máy Xanh và gần đây là chuỗi bán lẻ thực phẩm, hàng tiêu dùng Bách Hóa Xanh, gần đây MWG đã không ngần ngại khai tử nhiều mô hình sau một thời gian thử nghiệm nhưng không đạt hiệu quả như kì vọng.

Khai tử Chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ

Chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ (ĐTSR) ra đời vào tháng 8/2019. Mô hình này được ra đời nhằm mục đích chiếm lấy 20% thị phần từ các cửa hàng di động nhỏ và hộ gia đình. Tuy nhiên, mô hình này đã bị đóng cửa vaò tháng 6 vừa qua do thiếu sức cạnh tranh.

CEO chuỗi điện thoại và điện máy của TGDĐ Đoàn Văn Hiểu Em từng cho biết thế mạnh của mô hình này là giá rẻ phù hợp nhu cầu của người dân, vừa cộng thêm "thương hiệu" của Thế Giới Di Động. Thế nhưng mô hình này bộc lộ nhiều điểm yếu khi cố gắng tối ưu về giá.

Chuỗi cửa hàng này không đổi trả và không tiếp nhận bảo hành.

Giá các dòng điện thoại tại chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ thấp hơn khoảng 300.000 đồng đến 2 triệu đồng so với chuỗi điện thoại thegioididong.com. Sở dĩ giá thấp hơn do tập đoàn đã giảm nhiều chi phí liên quan.

Ví dụ, diện tích mặt bằng chỉ còn khoảng 20-30 m2, mỗi cửa hàng chỉ từ 1-2 nhân viên và không máy lạnh, ít ghế ngồi… Đồng thời, nếu sản phẩm lỗi, khách phải đến các trung tâm bảo hành của hãng thay vì có thể gửi thông qua cửa hàng như cách làm của chuỗi điện thoại thegioididong.com. Chuỗi cửa hàng này không đổi trả và không tiếp nhận bảo hành.

Do chuỗi cửa hàng này tập trung vào giá, không có máy demo để người dùng thử trước khi mua. Ngoài ra, một số sản phẩm sẽ bị cắt giảm đi các phần quà tặng để giảm tối đa giá bán.

Có thể thấy, chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ lại bị khai tử bởi chính tính chất giá rẻ của mình, sự cắt giảm tối đa chi phí liên quan để tối ưu về giá vô tình giảm sự cạnh tranh của mô hình này so với những cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống và đây chính là lý do khiến mô hình này nhanh chóng "biến mất" khỏi thị trường.

Đóng cửa mô hình kinh doanh kính mắt

Cuối tháng 6/2019, MWG bắt đầu thử nghiệm mô hình kinh doanh kính mắt bằng cách kê thêm tủ kính mắt tại cửa hàng điện thoại thuộc chuỗi thegioididong, nằm tại phường Phước Long B, quận 9, Tp. HCM. Đây cũng là cửa hàng đầu tiên bán mắt kính theo mô hình “shop in shop” của MWG.

Sau khi thử bán đồng hồ thành công, chuỗi này quyết định bán thêm mắt kính thời trang để tăng doanh thu nhưng mô hình này cũng bị khai tử sau đó.

Thời điểm thử bán mắt kính bên trong các cửa hàng Thế Giới Di Động, ông Hiểu Em cho biết quy mô thị trường mắt kính chính hãng tại Việt Nam vào khoảng 1 tỷ USD, lớn hơn mặt hàng đồng hồ. Sau khi thử bán đồng hồ thành công, chuỗi này quyết định bán thêm mắt kính thời trang để tăng doanh thu.

Lúc này, cửa hàng có khoản 600 mẫu mắt kính các loại nhắm đến phân khúc trung cấp, giá bán trong khoảng 600.000 đồng đến 3 triệu đồng/sản phẩm.

MWG cho rằng, cặp đôi đồng hồ và mắt kính thường đi chung với nhau và tập đoàn muốn tăng doanh thu từ mặt hàng này. Tuy nhiên, trong khi đồng hồ liên mục được MWG mở rộng thì mắt kính lại sớm bị khai tử.

Tuy nhiên, sau nghiên cứu kỹ lưỡng, chúng tôi thấy thị trường mắt kính bên ngoài sống được nhờ kính thuốc là chủ yếu. Thế Giới Di Động mà mang thêm máy đo mắt vào chuỗi của mình để phục vụ nhu cầu khách mua kính thuốc có vẻ không hợp. Do đó, chúng tôi quyết định tạm ngừng kinh doanh mặt hàng này”, ông Hiểu Em nói với ICTnews.

Như vậy trong hai mặt hàng mới hoàn toàn được đưa vào kinh doanh năm 2019, Thế Giới Di Động chỉ giữ lại mảng đồng hồ, bỏ sản phẩm mắt kính.

Nhà thuốc An Khang cũng là một 'cú ngã'?

Đánh tiếng thâu tóm chuỗi nhà thuốc An Khang từ năm 2017 – khi thị trường ngành cốt lõi (điện thoại, điện máy) bắt đầu bước sang giai đoạn bão hoà, tuy nhiên nhận định thị trường chưa đến thời điểm chín mùi, sau đó MWG chỉ dừng lại đầu tư liên kết với tỷ lệ sở hữu 49% cổ phần. Theo báo cáo, MWG chi hơn 62 tỷ đồng cho thương vụ này. Đây cũng là công ty liên kết duy nhất của tập đoàn này.

Trên báo cáo tài chính, giá trị khoản đầu tư vào An Khang được doanh nghiệp bán lẻ lớn nhất Việt Nam hạch toán 62 tỷ đồng. Chuỗi nhà thuốc của Thế giới Di động hiện có 20 cửa hàng tại TP.HCM.

Trong quý I, phần lỗ từ công ty An Khang trên báo cáo tài chính của Thế giới Di động tăng thêm 1,4 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 7 tỷ đồng.

Đến cuối 2019, Thế giới Di động cho biết phần lỗ lũy kế từ công ty liên kết là 5,6 tỷ đồng. Trong quý I, phần lỗ từ công ty An Khang trên báo cáo tài chính của Thế giới Di động tăng thêm 1,4 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 7 tỷ đồng.

Đây là phần lỗ tương ứng với 49% cổ phần mà MWG nắm giữ, như vậy tổng lỗ của An Khang từ khi MWG chính thức ghi nhận là công ty liên kết vào khoảng hơn 14 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Đức Tài, do quy định của pháp luật về việc kinh doanh nhà thuốc còn chưa rõ ràng, hoàn thiện nên doanh nghiệp chưa sẵn sàng đầu tư lớn vào chuỗi nhà thuốc. "Dược phẩm vẫn là lĩnh vực thú vị nhưng có nhiều rào cản kỳ cục khiến Thế giới Di động chưa sẵn sàng đầu tư lớn, bài bản”, ông Tài cho biết.

Ông Tài cũng cho hay thị trường dược phẩm tại Việt Nam vẫn còn rất phức tạp. Vì vậy, MWG vẫn giữ một chân trong thị trường này để tìm hiểu chứ chưa có ý định phát triển mạnh trong thời gian gần.

Ông lấy ví dụ các nhà thuốc khi thành lập mang cùng một bảng hiệu của công ty nhưng người đứng tên đăng ký kinh doanh là cá nhân, do đó tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp. Đây là lý do tập đoàn không sẵn sàng lao vào một cuộc chơi “lùng bùng” khi quy định pháp lý liên quan chặt chẽ nhưng việc thực thi chưa nhất quán.

Ông Tài cho biết nếu trong tương lai, khung pháp lý trong lĩnh vực bán lẻ dược phẩm nới lỏng, rõ ràng hơn, Thế giới Di động sẵn sàng tham gia mạnh mẽ hơn.

Trang thương mại điện tử Vuivui.vn...hết vui

Một mô hình khác của Thế Giới Di Động từng thất bại, buộc tập đoàn phải đóng cửa là trang thương mại điện tử Vuivui.com.

Vuivui.com là trang thương mại điện tử được MWG cho ra mắt vào tháng 12/2016 với mục đích mang đến cho khách hàng trải nghiệm mua sắm trực tuyến thực sự an toàn, tin cậy, thuận tiện cùng giá cả cạnh tranh với gần 40.000 sản phẩm.

Chúng tôi đầu tư cho Vuivui là đầu tư cho tương lai, khi thế hệ trẻ có xu hướng thay đổi phương thức mua sắm. Có thể kỳ vọng đóng góp của Vuivui từ năm 2020 trở đi” - Chủ tịch Nguyễn Đức Tài nói tại ĐHĐCĐ năm 2017 của MWG.

Tuy nhiên, kết thúc năm 2017, doanh thu của Vuivui.com chỉ đạt 75 tỉ đồng, đóng góp không nhiều vào cơ cấu doanh thu của công ty mẹ. Đó là lí do Thế Giới Di Động quyết định khai tử đứa con này, và biến nó thành website bán hàng của Bách Hóa Xanh.

Cuối năm 2018, MWG chính thức đóng cửa trang thương mại điện tử này sau 2 năm hoạt động, dù trước đó, Vuivui được kỳ vọng sẽ tăng trưởng vượt bậc sau 4 – 5 năm và doanh thu bán hàng sẽ vượt cả chuỗi thegioididong.com.

Toàn bộ nền tảng website, hậu cần và giao nhận của vuivui.com đã được chính thức chuyển sang cho bachhoaxanh.com từ ngày 27/11/2018.

Rất hăng hái tấn công vào các mô hình kinh doanh mới, ngành hàng mới nhưng không phải bước tiến nào của Thế Giới Di Động cũng thành công. Ông Nguyễn Đức Tài cũng thừa nhận TGDĐ không ngần ngại mở ra các mô hình mới.

"Với tôi, thất bại là một phần của cuộc chơi, muốn có được những điều mới mẻ, phải biết chấp nhận vài lần thất bại. Một người nếu quá sợ thất bại thì ngay cả đi làm công cũng không thể, chỉ lên núi gõ mõ là an toàn nhất", ông Nguyễn Đức Tài từng chia sẻ.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/bai-hoc-tu-nhung-mo-hinh-kinh-doanh-that-bai-cua-the-gioi-di-dong-d78865.html

Bạn đang đọc bài viết Bài học từ những mô hình kinh doanh thất bại của Thế Giới Di Động tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp
Tin tức mới nhất