Từ “barie” đến “big data”: Đòi hỏi mới trên tuyến đường hiện đại nhất Việt Nam

Thiên Thanh 17:36 24/04/2025

Đến năm 2025, 100% tuyến cao tốc phải được vận hành bằng hệ thống giao thông thông minh (ITS) – mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đặt ra trong Đề án quốc gia về chuyển đổi số ngành giao thông.

Nhưng trong khi hạ tầng vật lý đang về đích, hệ thống điều hành số lại đối mặt nguy cơ “trễ nhịp”. Quyết định 2477/QĐ-CĐBVN – bộ tiêu chuẩn kỹ thuật mới cho hệ thống thu phí điện tử – được kỳ vọng là đòn bẩy chiến lược, đưa ITS Việt Nam vượt khỏi ngưỡng “chạy được” để tiến tới “chạy thông minh, chạy minh bạch và ổn định”.

KPI mới cho thu phí không dừng: Từ “chạy được” đến “chạy thông minh”

Bộ Xây dựng vừa yêu cầu các Ban Quản lý Dự án đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống giao thông thông minh (ITS) song song với tiến độ xây dựng cao tốc Bắc – Nam, nhằm đưa vào khai thác đồng bộ trong năm 2025. Tuy nhiên, nhiều đoạn tuyến vẫn chậm trễ trong việc triển khai hệ thống ITS, trạm thu phí không dừng và công trình kiểm soát tải trọng xe – các cấu phần quan trọng của hệ thống giám sát điều hành giao thông.

Ông Tô Nam Toàn – Trưởng phòng Khoa học Công nghệ, Môi trường và Hợp tác Quốc tế (Cục Đường bộ Việt Nam – Bộ Xây dựng ) cho biết: “Các thiết bị phải vượt qua quy trình nghiệm thu nghiêm ngặt, được đánh giá hiệu năng theo bộ chỉ số KPI trước khi đưa vào vận hành. Nếu không đạt KPI chắc chắn sẽ không được chấp thuận. Bộ chỉ số KPI này – theo Quyết định 2477/QĐ-CĐBVN – không chỉ áp dụng lúc hoàn thiện mà còn được dùng suốt quá trình khai thác để giám sát định kỳ, với các yêu cầu như hoạt động liên tục 30 ngày, tỷ lệ lỗi thiết bị, độ chính xác ghi nhận và truyền dẫn dữ liệu.

Quyết định 2477/QĐ-CĐBVN ban hành tháng 6/2024 không chỉ là một bản cập nhật kỹ thuật, mà là bước ngoặt chiến lược trong quản lý và giám sát hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) tại Việt Nam – đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị triển khai mô hình thu phí đa làn tự do không barie.

Theo ông Tô Nam Toàn, hệ thống KPI đầu tiên cho ETC được thiết lập từ năm 2019 tại Quyết định số 583/QĐ-TCĐBVN, như một bản “thử nghiệm kỹ thuật” ban đầu. “Khi đó, tất cả đều mới, từ công nghệ đến quy trình vận hành. Cục Đường bộ đã phải mất rất nhiều công sức để soạn thảo và triển khai vì áp dụng thực tế gặp vô vàn khó khăn”, ông Toàn chia sẻ.

Quyết định 583 ra đời trong bối cảnh sơ khai, mục tiêu chính là kiểm nghiệm khả năng hệ thống có thể vận hành được hay không – tức là "chạy được". Nhưng theo ông Toàn, "Quyết định 2477 đánh dấu bước chuyển quan trọng: từ chạy được sang chạy mượt – chính xác – ổn định – minh bạch".

Nếu như quyết định cũ chủ yếu được dùng trong nghiệm thu ban đầu, thì bộ KPI mới tại Quyết định 2477 được áp dụng xuyên suốt cả quá trình vận hành, với khả năng giám sát định kỳ theo thời gian thực, góp phần định hướng tiệm cận chuẩn quốc tế về vận hành giao thông thông minh (ITS).

Đặc biệt, Quyết định 2477 đã bổ sung các tiêu chí kỹ thuật chuyên biệt cho mô hình thu phí đa làn tự do đầu vào (MLFF) – nơi không còn barie để “gác cổng”, mọi giao dịch diễn ra trong tích tắc khi phương tiện di chuyển ở tốc độ cao. Những tiêu chí mới này đòi hỏi hệ thống nhận diện phải nâng cấp vượt bậc.

Trong đó, KPI nhận diện biển số được nâng từ 91% ở quyết định cũ lên 93%, và tỷ lệ nhận diện thẻ đầu cuối kết hợp ghi nhận biển số phải đạt tới 99,9%. “Camera chỉ là công cụ hỗ trợ, thu phí vẫn dựa trên thẻ. Nhưng dữ liệu từ camera cho phép hậu kiểm nhanh, tránh thất thoát và đảm bảo minh bạch”, ông Toàn nhấn mạnh.

Ông Toàn cũng dẫn chứng cụ thể: “Nếu tổng doanh thu thu phí không dừng là 1.000 tỷ đồng, chỉ cần chênh 2% trong tỷ lệ nhận diện cũng có thể dẫn đến thất thoát 20 tỷ đồng – một con số không thể xem nhẹ

Quyết định 2477 góp phần nâng cao an toàn giao thông, đặc biệt ở các điểm thường xuyên ùn tắc. Việc bỏ barie sẽ giảm thiểu nguy cơ tai nạn tại trạm thu phí, vốn là điểm nghẽn giao thông và tai nạn do dừng – chạy đột ngột. Nhưng muốn bỏ barie mà vẫn giữ được sự trật tự, minh bạch, thì hệ thống vận hành phải siêu chính xác, không được “lỗi nhẹ cũng thôi”. Và đó là lúc QĐ 2477 đóng vai trò tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật – hành vi – dữ liệu.

QĐ 2477 không chỉ đo hiệu năng thu phí, mà còn là hệ quy chiếu cho cơ sở dữ liệu quốc gia về giao thông. Nó giúp kết nối với dữ liệu phương tiện, định danh chủ xe, hạ tầng kiểm định. Cảnh báo bất thường từ biển số giả, xe trốn phí, xe lỗi hệ thống. Là tiền đề để tích hợp AI, dữ liệu lớn (big data) vào vận hành giao thông. Về lâu dài, QĐ 2477 là “trụ đỡ kỹ thuật” để Việt Nam triển khai các trung tâm điều hành giao thông số hóa – thông minh cấp vùng và quốc gia.

Ông Tô Nam Toàn cho biết, sắp tới Cục đường bộ sẽ tiêu chuẩn hóa quyết định 2477, cho tất cả các đơn vị có cơ sở áp dụng. Cục đường bộ cũng đang có kế hoạch xây dựng lại Bộ tiêu chuẩn về hệ thống thu phí điện tử không dừng để tiến tới đa làn tự do. Đây là một tiêu chí để đánh giá các thiết bị sẽ được lắp đặt trên cao tốc mới sắp tới. Cần phải thống nhất các tiêu chí đánh giá, tránh mỗi nơi đánh giá một kiểu, mỗi nhà thầu một loại thiết bị, khó tương thích.

Những cảnh báo từ thực tế khai thác

Kinh nghiệm từ tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cho thấy rõ điều đó. Ông Nguyễn Huy Thiêm, Phó phòng CNTT của Công ty quản lý khai thác tuyến đường này, cảnh báo: Nếu đấu thầu chọn thiết bị giá rẻ, chất lượng thấp, thiếu đồng bộ thì khi đi vào vận hành sẽ đối mặt nguy cơ “vỡ trận”.

Một hệ thống ITS hiệu quả đòi hỏi thiết bị có độ tin cậy rất cao, vận hành liên tục và chính xác. Như hệ thống cân xe tự động – nếu dữ liệu sai, sẽ mất tác dụng giám sát tải trọng; hay camera giám sát – nếu tín hiệu kém, sẽ bỏ lọt hành vi vi phạm. Theo ông Thiêm, “độ tin cậy không chỉ đến từ phần cứng, mà còn phụ thuộc thiết kế, phần mềm, và đặc biệt là uy tín, cam kết bảo hành dài hạn từ nhà cung cấp”.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là xu hướng đấu thầu hiện nay vẫn thiên về giá thấp. “Tiền nào của nấy”, nhiều nhà thầu chỉ làm “tròn vai”, hết thời hạn bảo hành 2 năm là rút lui, trong khi một hệ thống giám sát phải hoạt động ổn định 5–7 năm mới xứng tầm đầu tư. Nếu thiết bị hỏng hóc sớm, thay thế không dễ, nhất là khi thiếu nhân lực kỹ thuật, thiếu linh kiện hoặc quy trình thủ tục phức tạp.

Với các đoạn cao tốc chạy qua địa hình khắc nghiệt – bão lũ, nắng nóng, độ ẩm cao, muối biển – thì càng cần thiết bị đã “thử lửa” trên thực địa, được lắp đặt và vận hành theo quy trình nghiêm ngặt. “Không có thiết bị công nghệ nào chịu nổi môi trường khắc nghiệt nếu chọn hàng kém chất lượng”, ông Thiêm nói.

Ông cũng bày tỏ lo ngại về các gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhưng chưa chú trọng lựa chọn nhà thầu có năng lực và trách nhiệm dài hạn. Trích dẫn lời Tổng Bí thư Tô Lâm, ông Thiêm đồng tình sâu sắc: “Lựa chọn công nghệ phải hiện đại, tiên tiến, đi tắt đón đầu. Nếu chỉ chăm chăm chọn thiết bị giá rẻ theo quy định đấu thầu, chúng ta sẽ biến mình thành bãi rác công nghệ.”

Bạn đang đọc bài viết Từ “barie” đến “big data”: Đòi hỏi mới trên tuyến đường hiện đại nhất Việt Nam tại chuyên mục Đầu tư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Đầu tư
Tin tức mới nhất