Mới đây, Công an Hà Tĩnh, đã khởi tố vụ án hình sự liên quan đến sai phạm trong hoạt động ngân hàng và tổ chức tín dụng làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà máy thép Vạn Lợi.
Theo điều tra, khoảng tháng 5/2007, Tổng Công ty Khoáng sản & Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco Hà Tĩnh), Công ty TNHH Vạn Lợi, Công ty CP Mangan (thuộc Mitraco Hà Tĩnh) góp vốn thành lập Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh.
|
BIDV gặp nhiều vận đen tại các dự án ở Hà Tĩnh |
Theo ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh, dự án sẽ hoàn thành giai đoạn 1 và cho sản phẩm phôi thép thương phẩm, gang thỏi vào tháng 8-2010. Tuy nhiên, do nguồn lực tài chính bị hạn chế, phải ngưng lại từ cuối năm 2010 đến nay.
Sau nhiều năm chờ đợi, ngày 25-5-2015, Hà Tĩnh đã ra quyết định thu hồi đất, thu hồi giấy phép đầu tư nhà máy thép Vạn Lợi, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý việc thanh lý dự án, tháo dỡ máy móc, thiết bị...
Theo đại tá Đặng Hoài Sơn, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây thất thoát cho Nhà nước và các tổ chức tín dụng có liên quan.
Theo hồ sơ, tài liệu tháng 7/2018, Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã đứng ra phân giải khoản nợ giữa chủ đầu tư với 3 “chủ nợ” ngân hàng nêu trên.
Cụ thể, tòa án công nhận Gang thép Hà Tĩnh nợ Ngân hàng phát triển Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh (VDB) gần 1.300 tỷ đồng (nợ gốc gần 590 tỷ, nợ lãi quá hạn gần 500 tỷ, phạt lãi quá hạn gần 180 tỷ), nợ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh (Vietcombank) hơn 150 tỷ đồng (trong đó nợ gốc hơn 74 tỷ, nợ lãi quá hạn 71 tỷ đồng, phạt lãi quá hạn hơn 5 tỷ đồng), nợ Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh (BIDV) hơn 115 tỷ đồng (nợ gốc hơn 49 tỷ, lãi quá hạn hơn 27 tỷ, lãi phạt quá hạn hơn 38 tỷ đồng).
Sau khi giải ngân, do khó khăn về tài chính, phía Công ty Gang Thép Vạn Lợi đã không trả lãi và gốc theo đúng thời hạn với số dư nợ gốc lẫn lãi lên tới hơn 1.500 tỷ đồng. Điều này buộc các ngân hàng ngừng giải ngân các khoản còn lại…
Tới đầu năm 2019, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện bán đấu giá toàn bộ thiết bị, máy móc và các công trình xây dựng tại dự án Nhà máy liên hợp gang thép Hà Tĩnh với giá khởi điểm 108,76 tỷ đồng. Đến ngày 26/4/2019, sau khi tiến hành tổ chức đấu giá, Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển Kho bãi Nhơn Tân (Kho bãi Nhơn Tân) do ông Nguyễn Minh Hoàng Phương Vũ làm giám đốc có trụ sở đóng tại xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định là đơn vị trúng đấu giá với số tiền hơn 205,74 tỷ đồng, gần gấp 2 lần giá khởi điểm. Một con số “bèo bọt” so với 1.500 tỷ mà các “ông lớn” ngân hàng mắc kẹt tại đây.
Dự án "chết yểu", chủ đầu tư không có khả năng trả nợ, rõ ràng, việc 3 “ông lớn” ngân hàng chỉ vớt vát được số tiền hơn 205 tỷ đồng từ việc phát mại, đấu giá những tài sản hoen ghỉ đã hình thành còn sót lại của dự là quá "bèo bọt" so với số tiền 1.500 tỷ đồng ngân sách Nhà nước thất thoát.
3 “ông lớn” ngân hàng với sự mạo hiểm cho chủ dự án thế chấp tài sản hình thành trong tương lai để vay số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng gây thất thoát ngân sách Nhà nước đến nay vẫn chưa bị “điểm mặt, chỉ tên”.
Các cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm liên quan khi để xảy ra các vi phạm về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng tại Công ty cổ phần Gang thép Hà Tĩnh đang là điều khiến dư luận rất quan tâm.
Được biết, dự án Nhà máy Liên hợp Gang thép do Gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư là dự án quan trọng được tỉnh Hà Tĩnh quan tâm nhằm phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trước mắt và lâu dài. Dự án được khởi công vào tháng 6/2007.
Trước đó, ngày 15/5/2007, Tổng Công ty Thương mại và Khoáng sản Hà Tĩnh, Công ty TNHH Vạn Lợi (Vạn Lợi), CTCP Mangan thuộc Công ty Khoáng sản và Thương Mại Hà Tĩnh đã thống nhất góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh (Gang thép Hà Tĩnh).
Trong đó, Vạn Lợi góp 85% vốn điều lệ, Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh góp 12% vốn điều lệ, CTCP Mangan góp 3% vốn điều lệ.
Tới ngày 6/6/2007, công ty Gang thép Hà Tĩnh được thành lập với quy mô vố điều lệ là 200 tỷ đồng.
Dữ liệu cho thấy , Công ty Vạn Lợi là doanh nghiệp đã có nhiều năm hoạt động, được thành lập từ tháng 7/1993, đăng ký địa chỉ trụ sở chính trên đường Đê La Thành, Phường Ô Chợ Dựa quận Đống Đa, Hà Nội.
Tính đến ngày 29/11/2019, quy mô vốn của Vạn Lợi đạt 550 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Cao Bằng sở hữu 99,91% vốn điều lệ, ông Nguyễn Hoàng Minh Đức (SN 1990) sở hữu 0,09% vốn điều lệ.
Ông Nguyễn Hoàng Minh Đức mới đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc tại Vạn Lợi thay thế cho ông Trần Mạnh Hùng (SN 1970) từ cuối năm 2018 tới nay. Ông Trần Mạnh Hùng là người đại diện của CTCP Thương mại Nguyên liệu Luyện Kim và CTCP Gang thép Vạn Lợi Hà Giang. Hai pháp nhân này hiện đã ngừng hoạt động.
Theo dữ liệu của VietTimes, Vạn Lợi từng thế chấp hàng nghìn tất sắt thép phế liệu, thép xây dựng tại các nhà băng, sở hữu mỏ quặng sắt Nà Nọi (thị trần Nà Phặc, Huyện Ngân Sơn, tỉnh bắc Cạn) và cổ phần tại CTCP Phần Luyện Gang Vạn Lợi (Hải Phòng).
Ngoài ra, ông Nguyễn Hoàng Minh Đức vào tháng 7/2018 còn góp vốn cùng ông Nguyễn Hoàng Nam (cùng địa chỉ thường trú với ông Nguyễn Cao Bằng) thành lập Công ty TNHH Phát triển Đầu tư Sunrise Việt Nam với quy mô vốn điều lệ 10 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng.
Trước đó cũng liên quan đến ngân hàng BIDV chi nhánh Hà Tĩnh, Ông Trần Bắc Hà (cựu chủ tịch HĐQT BIDV, đã qua đời tháng 7-2019) được xác định là người có vai trò chủ chốt, lập công ty "sân sau" để thao túng mọi hoạt động dẫn đến BIDV thất thoát hơn 1.500 tỉ đồng.
Trong số 12 bị can bị đề nghị truy tố có 8 người là lãnh đạo cấp cao, nhân viên của BIDV như Trần Lục Lang (cựu phó tổng giám đốc BIDV phụ trách quản lý rủi ro), Đoàn Ánh Sáng (cựu phó tổng giám đốc BIDV phụ trách khách hàng doanh nghiệp), Kiều Đình Hòa (cựu giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh), Lê Thị Vân Anh (cựu trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV chi nhánh Hà Tĩnh)...
Những người này đã có nhiều sai phạm trong việc thẩm định hồ sơ, phê duyệt cấp tín dụng cho hai công ty, có vai trò đồng phạm với ông Trần Bắc Hà.
Với 19.451 tỷ đồng nợ xấu năm 2019, gấp gần 4 lần so với Vietcombank, chính vì thế từ đầu năm 2020 đến nay, BIDV liên tục rao bán các khoản nợ, thậm chí có khoản xấu tới mức rao mấy chục lần những cũng không ai mua.
Cụ thể, vừa mới đây trong tháng 3/2020, BIDV Chi nhánh Thành Nam thông báo bán đấu giá loạt tài sản của CTCP Thuý Đạt tới lần thứ 24 với giá khởi điểm chỉ hơn 98 tỷ đồng. Cụ thể các tài sản đó là toàn bộ văn phòng, nhà xưởng và các loại máy móc ở Nam Định.
Hay khoản nợ tới 1.153 tỷ đồng của Công ty TNHH Việt Can và DNTN Như Ý tại BIDV - Chi nhánh Bắc An Giang. Trong đó, DNTN Như Ý là 804 tỷ đồng và Công ty TNHH Việt Can là 349 tỷ đồng. Giá khởi điểm cho lần đấu giá thứ “n” này được giảm từ ngàn tỷ xuống còn 840,8 tỷ đồng dù các tài sản bảo đảm là hàng trăm nghìn m2 đất tại Khu đô thị mới - Thành phố lễ hội thuộc phường Vĩnh Mỹ, Thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Đối với khoản nợ được đấu giá lần 2 của CTCP XNK Dệt may Thuý Đạt có giá khởi điểm là 6,87 tỷ đồng với máy hấp, máy chụp phim, xe đẩy…; hay hơn 3 tỷ dư nợ của CTCP Thương mại XNK Phương Thúy với tài sản bảo đảm là quyền sử dụng 72,6 m2 đất và tài sản gắn liền với đất ở Khu tái định cư Đồng Quýt, xã Lộc An, TP Nam Định, tỉnh Nam Định.
Khoản nợ hơn 32 tỷ đồng của Công ty TNHH MTV Kinh doanh Dầu khí Việt Hải tại chi nhánh BIDV Bắc Hà Nội được rao bán với giá khởi điểm chỉ hơn 26 tỷ đồng.
Đáng nói, tài sản bảo đảm rất đáng chú ý gồm toàn bộ tài sản hình thành sau đầu tư dự án “Trạm triết nạp gas Hải Dương”, 90.065 vỏ bình gas, 2 xe Toyota Innova và Ford Everest, 5 xe ô tô tải mui phủ hiệu KIA, 6 xe ô tô bao gồm 2 xe hiệu Toyota Innova và 04 xe tải hiệu KIA.
Ngoài ra quyền sử dụng nhà đất tại số 10, ngõ 30 đường Điện Biên Phủ, phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng; quyền sử dụng nhà đất tại tổ dân phố số 8, P. Trần Thành Ngọ, Q.Kiến An, TP. Hải Phòng.
Chưa hết, tài sản bảo đảm còn là 406.325 cổ phiếu của CTCP Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải (UPCoM: VSP) tại Chứng khoán Sài Gòn thuộc sở hữu của ông Nguyễn Duy Hùng; toàn bộ phần vốn góp của VSP tại Công ty TNHH MTV Kinh doanh dầu khí Việt Hải.
Đáng nói, VSP (Công ty mẹ) cam kết sẽ thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho Công ty TNHH MTV Kinh doanh Dầu khí Việt Hải trong trường hợp Công ty này không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn hợp đồng.
Trong khi đó, VSP cũng đang nợ đầm đìa và chính BIDV đang lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá khoản nợ hơn 85 triệu USD (khoảng 1.977 tỷ đồng) và 67 tỷ đồng của đơn vị này. Trong đó, dư nợ gốc là 43 triệu USD và 19,5 tỷ đồng, còn dư nợ lãi là 42 triệu USD và 47 tỷ đồng..
Có lẽ bài toán nợ xấu của BIDV đến nay vẫn là câu chuyện chuyện nan giải với ban lãnh đạo tập đoàn!
Hoàng Lan (TH)/Sở hữu trí tuệ