Lợi nhuận 9 tháng gần bằng kế hoạch cả năm
Tổng doanh thu (TOI) hợp nhất sau 9 tháng đạt 28,3 nghìn tỷ, tăng 7,6% so với cùng kỳ, riêng ngân hàng mẹ tăng trưởng 18,7% so với cùng kỳ. Tính riêng trong quý 3, TOI của ngân hàng riêng lẻ đạt gần 5 nghìn tỷ đồng, tăng gần 8%.
Thu nhập từ phí của ngân hàng mẹ (NFI) tăng gần 36%, đạt hơn 2,2 nghìn tỷ đồng, tỷ trọng NFI trên tổng thu nhập hoạt động tăng từ 13,2% lên 15,1% so với cùng kỳ. Thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro trong 9 tháng đạt 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ, và ghi nhận tăng trưởng đột phá tại FE Credit với mức tăng 30,3%.
Không chỉ đẩy mạnh tăng doanh thu, VPBank còn kiểm soát tốt chi phí hoạt động (OPEX), bao gồm số hóa tối đa các khâu vận hành, từ việc ứng dụng dữ liệu lớn (big data) trong phê duyệt tín dụng, đến đánh giá mức độ rủi ro và chăm sóc khách hàng trên đa kênh nền tảng số. Tháng 7 vừa qua, VPBank là ngân hàng đầu tiên tuân thủ mọi quy định về eKYC - cho phép khách hàng sở hữu tài khoản thanh toán và thực hiện được ngay các giao dịch trong vòng vài phút. Nhờ vậy số lượng khách hàng số tại ngân hàng mẹ đạt gần 1,7 triệu vào cuối quý 3, tương đương tăng 33% so với cuối 2019. OPEX ngân hàng hợp nhất giảm tổng cộng 5,7% trong 9 tháng, thể hiện sự quyết tâm của ngân hàng trong việc quản lý sát sao chi phí hoạt động nhằm kiên trì thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Tỷ lệ chi phí trên tổng thu nhập (CIR) ở ngân hàng hợp nhất giảm mạnh so với cùng kỳ, từ 34,7% xuống còn 30,4%, với mức 9 tháng tại ngân hàng mẹ được ghi nhận còn 32,3% và tại FE là 28,4%.
Nhờ các kết quả trên, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng sau 9 tháng của VPBank đã đạt 92% kế hoạch đề ra hồi đầu năm, tương đương mức gần 9.400 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 30% so với cùng kỳ. Trong đó lợi nhuận của ngân hàng mẹ đạt hơn 6.200 tỷ đồng, đóng góp 66% vào lợi nhuận hợp nhất. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) lần lượt đạt 21,8% và 2,5% - thuộc nhóm cao trên thị trường.
Trước đó tại đại hội cổ đông thường niên hồi tháng 5 ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận cả năm là 10.214 tỷ đồng. Nói với các cổ đông khi ấy, lãnh đạo VPBank cho biết mục tiêu ấy chỉ là tối thiểu, còn tùy tình hình diễn biến của dịch bệnh, ngân hàng sẽ phấn đấu kết quả cao hơn. Ở thời điểm hiện tại, theo đại diện VPBank, với kết quả khả quan của 9 tháng vừa qua, ngân hàng kỳ vọng hoạt động kinh doanh cả năm 2020 sẽ đạt kết quả khả quan và nhiều mục tiêu chính sẽ vượt mức dự đoán đặt ra từ đầu năm.
|
Lợi nhuận năm 2020 và 2021 được dự báo tăng trưởng tích cực
Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố báo cáo chiến lược tháng 10/2020.
Theo đó, tính đến 30/9, ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng hợp nhất đạt 16,5%, trong đó ngân hàng riêng lẻ đạt 19,34% - gấp hơn 2 lần tăng trưởng bình quân của ngành. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất dưới 3%, trong đó riêng nợ xấu tại ngân hàng riêng lẻ giảm từ mức 2,18% cuối năm 2019 xuống còn 2,01%.
Song song với việc giảm dần tỷ lệ nợ xấu, ngân hàng cũng gia tăng chi phí dự phòng hợp nhất thêm 14,4% so với cùng kỳ (sau khi đã loại trừ khoản chi phí dự phòng cho VAMC). Trong đó riêng ngân hàng mẹ đạt gần 30% - chứng tỏ ngân hàng luôn sẵn sàng với bộ đệm dự phòng nợ xấu để ứng phó với các tác động của dịch bệnh.
Đại diện ngân hàng cho biết, tuân thủ theo chính sách điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đồng thời tận dụng lợi thế thanh khoản tốt trong quý 3, VPBank đã chủ động cấu trúc bảng cân đối, giảm lãi suất huy động các kỳ hạn ở mức từ 1-2%, giúp cải thiện đáng kể chi phí vốn (COF).
Bên cạnh đó, ngân hàng tiếp tục hợp tác với IFC, gần đây nhất là khoản vay trị giá 100 triệu USD. Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 15,60%, tăng mạnh so với mức trung bình 12-13% cuối năm 2019 và cuối quý 2 vừa qua. Các kết quả này cho thấy ngân hàng có những bước tiến đáng kể trong việc đa dạng hóa nguồn vốn huy động, nhất là vốn dài hạn với mức giá hợp lý, góp phần tối ưu hóa bảng cân đối.
Các nhà phân tích của VDSC cho rằng, kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong quý 3/2020 sẽ không tiêu cực như dự đoán, đặc biệt là các ngân hàng tư nhân bao gồm VPBank, HDBank, TPBank, Techcombank khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận nới hạn mức tín dụng lên 20%.
Đối với VPBank (VPB), hiện có mối lo ngại về tỷ lệ nợ tái cơ cấu cao so với các ngân hàng khác khi mà đặc thù kinh doanh của VPB tập trung vào cho vay không tài sản bảo đảm, tuy nhiên các chuyên gia của VDSC nhận thấy chất lượng tài sản của ngần hàng này vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều. Lý do là kiểm soát chính sách cho vay theo định hướng chặt chẽ hơn đã nhanh chóng được áp dụng toàn hàng và tại FE Credit, song song với tăng cường thu hồi nợ.
VDSC kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng tích cực của VPB tiếp tục duy trì. Ngân hàng mẹ nhiều khả năng sẽ sử dụng hết hạn mức tín dụng được nới (từ 13% lên 21,5%) trong khi tín dụng ở FE Credit nhiều khả năng đi ngang dưới tác động của chính sách cho vay mới theo hướng chặt chẽ hơn.
Ngoài ra, chi phí dự phòng sẽ nằm trong tầm kiểm soát và còn được hỗ trợ một phần bởi việc không phải trích lập dự phòng VAMC từ năm 2020. Do đó, lợi nhuận năm 2020 kỳ vọng vẫn tăng trưởng tích cực (tăng trưởng 15,7%) và hồi phục mạnh hơn vào 2021 (+25,1%)
Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ