Có hai thị trường chính trong hoạt động ngân hàng. Thị trường giao dịch với dân cư và tổ chức, được gọi là thị trường 1. Thị trường giao dịch giữa các ngân hàng, được gọi là liên ngân hàng hay thị trường 2.
9 tháng đầu năm nay, “thị trường 3” định hình rõ hơn và mở rộng nhanh chóng: giao dịch vốn trung dài hạn giữa các ngân hàng thương mại qua kênh trái phiếu.
Như đề cập ở các bản tin gần đây, từ trung tuần tháng 9 vừa qua đến nay, hệ thống ngân hàng có biểu hiện thừa vốn tạm thời, trạng thái vốn dồi dào.
Trạng thái đó trước hết gắn với lượng tiền cung ứng lớn, khi Ngân hàng Nhà nước vừa tiếp tục mua mạnh ngoại tệ và nâng dự trữ ngoại hối quốc gia ước tính lên tới 70-71 tỷ USD.
Dư thừa tạm thời lớn, buộc Ngân hàng Nhà nước phải dồn dập phát hành tín phiếu hút bớt tiền về, với liên tiếp các phiên quy mô tới 18.000 tỷ đồng, tổng số dư hút về đến tuần này đã lên tới 90.000 tỷ đồng.
|
Một số thành viên lớn điển hình như Vietcombank, MB… có sức huy động vốn và chi phí vốn đầu vào thấp hơn so với nhiều thành viên khác |
Đáng chú ý, tuần này Ngân hàng Nhà nước lần thứ ba liên tiếp giảm lãi suất tín phiếu, từ mốc 3%/năm trước trung tuần tháng 7/2019 lần lượt xuống 2,75%, 2,5% và hiện chỉ còn 2,25%/năm. Lãi suất thấp như vậy nhưng hàng ngày vẫn có trên chục ngân hàng thương mại dồn vốn gửi về qua kênh tín phiếu.
Trên thị trường liên ngân hàng - thị trường 2, dư thừa vốn, lãi suất VND liên tiếp giảm mạnh, mức qua đêm có thời điểm chỉ còn hơn 1,7%/năm, hiện ở sát 2%/năm.
Dư thừa vốn như vậy, phải hút bớt về lượng lớn như vậy, lãi suất liên ngân hàng giảm thấp như vậy, sao không truyền dẫn được những thuận lợi đó sang thị trường 1 để hạ nhiệt lãi suất?
Một là, thị trường 2 chỉ là kênh có chức năng điều hòa, đáp ứng các nhu cầu vốn rất ngắn hạn giữa các tổ chức tín dụng. Hai là, nguồn vốn từ thị trường 2 chịu những giới hạn quy định khi chảy xuống thị trường 1 để có thể truyền dẫn những thuận lợi đó.
Thực tế đặt ra, một số thành viên lớn điển hình như Vietcombank, MB… có sức huy động vốn và chi phí vốn đầu vào thấp hơn so với nhiều thành viên khác, họ vẫn tham gia thị trường 2 nhưng lãi suất ở thị trường này, như trên, quá thấp và không hấp dẫn.
Theo đó, Vietcombank hay MB ắt tính toán dịch chuyển nguồn vốn, sang các kênh có tỷ suất cao hơn để tăng hiệu quả sử dụng nguồn. Báo cáo tài chính nửa đầu năm nay của cả MB lẫn Vietcombank đều cho thấy một đặc điểm: khẩu vị rủi ro đã thay đổi, với tỷ trọng đầu tư vào kênh trái phiếu tăng lên rõ rệt.
Khác với giai đoạn trước đây, tỷ trọng đó tăng lên nhưng không phải chi phối bởi trái phiếu Chính phủ (hiện lãi suất cũng rất thấp), mà là trái phiếu doanh nghiệp. Trong trái phiếu doanh nghiệp, phần lớn là trái phiếu của các ngân hàng thương mại.
Như vậy, thay vì cho vay trên thị trường 2 hạn chế về lãi suất chỉ quanh 2% như trên, những ngân hàng có nguồn dồi dào và thuận lợi như Vietcombank hay MB, họ dịch chuyển sang kênh trái phiếu ngân hàng thương mại khác, có lãi suất thu được cao hơn rất nhiều.
Sự dịch chuyển đó tạo nên và mở rộng “thị trường 3”, như một kênh mới chuyển tiếp trạng thái vốn thuận lợi mà thị trường 2 khó thực hiện được sang thị trường 1.
Thực tế, 9 tháng đầu năm nay thị trường chứng kiến hoạt động phát hành dày và quy mô lớn, với nhiều trái phiếu của các ngân hàng thương mại. Chỉ một số ít trường hợp với nhu cầu cải thiện vốn cấp 2 để kê hệ số an toàn vốn (CAR) nên loại trừ bên rót vốn vào là ngân hàng thương mại khác, phần lớn còn lại là nhu cầu vốn trung dài hạn đơn thuần với kỳ hạn chỉ 2-3 năm.
Ngân hàng dịch chuyển vốn vào trái phiếu của ngân hàng thương mại khác không bị tính vào tăng trưởng tín dụng, cùng đó gia tăng được hiệu quả sử dụng vốn. Hướng dịch chuyển này góp phần quan trọng trong lợi nhuận khả quan của MB hay Vietcombank thể hiện các kỳ gần đây, cũng như dự kiến trong 9 tháng đầu năm nay.
Và nếu xem đây như một “thị trường 3”, thì ở đó đang có sự điều hòa cung - cầu vốn giữa các ngân hàng, bổ sung cho sự hạn chế của thị trường 2 và qua đó cùng góp phần nhất định trong bình ổn được lãi suất trên thị trường chung. Như trong tháng 8 và 9, lãi suất trái phiếu mà các ngân hàng thương mại phát hành bình quân chỉ khoảng 7-7,1%/năm, mà đây là nguồn vốn trung dài hạn.
Theo MINH ĐỨC/BizLIVE