Cảng Chân Mây ven biển huyện Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) là cảng biển tổng hợp đầu mối loại 1 của Việt Nam, cũng là cảng biển duy nhất của miền Trung trên con đường biển kết nối Singapore, Philippines và Hồng Kông, đủ khả năng đón tiếp nhận tàu du lịch quốc tế cỡ lớn.
Ngoài lợi thế nằm ở vị trí trung điểm của các trung tâm du lịch ở miền Trung là Huế - Đà Nẵng - Hội An, cảng biển này còn là cửa ngõ hướng ra biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất đối với hành lang kinh tế Đông-Tây qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị).
Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây được thành lập trên cơ sở cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cảng Chân Mây (tiền thân là Cảng Chân Mây – thuộc Ban Quản lý dự án Khu Kinh tế Chân Mây- Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên-Huế).
Công ty này hoạt động sản xuất kinh doanh theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 3300515171 do sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên-Huế lần đầu ngày 28/11/2007.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, sau hơn 10 năm thành lập, hiện Công ty này vẫn đang còn nợ ngân sách tỉnh Thừa Thiên-Huế hàng tỷ đồng.
|
Hiện công ty Cổ phần Cảng Chân Mây là doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến khai thác các dịch vụ tại cảng biển nước sâu này |
Tài liệu PV có được, ngày 14/11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1541/QĐ-TTg về việc điều chuyển tài sản từ Cảng Chân Mây thuộc Khu Kinh tế Chân Mây- Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên-Huế cho Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, giá trị tài sản bàn giao tại thời điểm 31/12/2006 là gần 285 tỷ đồng.
Trong gần 285 tỷ đồng ấy, có 73 tỷ đồng là nguồn vốn do UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế vay để đầu tư Cảng Chân Mây và Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, sau này đại diện là Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây phải có trách nhiệm hoàn trả ngân sách.
Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, số tiền công ty Cổ phần Cảng Chân Mây vẫn còn nợ ngân sách tỉnh Thừa Thiên-Huế là 15 tỷ đồng.
Trước khoản nợ không hề nhỏ kéo dài nhiều năm này, ngày 28/8/2019, Sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phát đi Công văn số 2295/STC-GCS&DN gửi đến công ty cổ phần Cảng Chân Mây với thông điệp “đề nghị nộp ngay” số tiền 15 tỷ đồng còn nợ ngân sách tỉnh trước ngày 15/9/2019.
Ngay sau đó, ngày 6/9, công ty Cổ phần Cảng Chân Mây đã có Công văn số 279/CV-CM về việc trả món nợ này với kiến nghị UBND tỉnh và các cơ quan hỗ trợ phương án cân đối công nợ với số tiền đền bù mà Ban Quản lý Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên –Huế chưa trả cho công ty.
Từ đây, bắt đầu hé lộ khoản tiền đền bù hàng tỷ đồng cho một công trình đã đi vào hoạt động từ lâu nhưng đến nay phía chủ đầu tư vẫn chưa trả cho doanh nghiệp có tài sản bị thu hồi.
|
Bấy lâu nay, số tiền đền bù thu hồi đất để thi công Công trình Mở rộng đường nối QL1A- Cảng Chân Mây, Dự án trục đường chính Cảnh Chân Mây được sử dụng như thế nào? |
Theo đó, khoản tiền đền bù thu hồi đất để thi công công trình Mở rộng Đường nối QL1A- Cảng Chân Mây và Dự án trục đường chính Cảng Chân Mây mà phía Ban Quản lý Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế còn nợ công ty Cổ phần Cảng Chân Mây là hơn 8,5 tỷ đồng.
Trước câu chuyện “nợ qua nợ về” này, sau khi công bố Kết luận về chống thất thu ngân sách Nhà nước tại công ty Cổ phần Cảng Chân Mây, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu công ty Cổ phần Cảng Chân Mây nộp ngay số tiền 15 tỷ đồng còn nợ vào ngân sách tỉnh.
Đồng thời, kiến nghị tỉnh này chỉ đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh báo cáo việc quản lý và sử dụng khoản tiền đền bù thu hồi đất để thi công công trình Mở rộng Đường nối QL1A- Cảng Chân Mây và Dự án trục đường chính Cảng Chân Mây. Đặc biệt là khoản tiền chưa đền bù cho công ty Cổ phần Cảng Chân Mây.
Theo Lê Kông/Người đưa tin