Tuy nhiên, nợ xấu của ngân hàng này tính đến cuối quý III/2023 tiếp tục tăng thêm, vượt ngưỡng trần 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
OCB đã xử lý xong nợ liên quan Tập đoàn FLC và Đại Nam
Ngân hàng TMCP Phương Đông (HoSE: OCB) từng gây xôn xao với các khoản nợ của hai doanh nghiệp bất động sản lớn là Đại Nam và FLC.
Cụ thể, tại ĐHCĐ thường niên của OCB được tổ chức hồi tháng 4/2022, lãnh đạo OCB từng cho biết, tổng dư nợ nhà băng này cho Tập đoàn Đại Nam của ông Huỳnh Uy Dũng và bà Nguyễn Phương Hằng vay là trên 1.000 tỷ đồng. Tại thời điểm đó, Đại Nam đã trả được cho OCB 450 tỷ đồng.
Cùng thời điểm, OCB cũng đang là một trong ba ngân hàng cho FLC vay nhiều nhất. Đến hết quý 1/2022, FLC ghi nhận khoản vay ngắn hạn khoảng 713 tỷ đồng tại OCB và 817 tỷ đồng trái phiếu phát hành cho nhà băng này.
Đến ĐHCĐ thường niên năm 2023, cổ đông OCB đã chất vấn ban lãnh đạo về khoản vay của FLC và Đại Nam. Đại diện ngân hàng cho hay, toàn bộ danh mục nợ của hai doanh nghiệp nói trên đã thu hồi xong.
Cụ thể, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 tổ chức vào ngày 28/4, trả lời chất vấn của các cổ đông liên quan đến khoản nợ của Công ty Đại Nam (Bình Dương) và FLC, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB cho biết, toàn bộ khoản nợ của 2 công ty đã thu hồi xong. Ngân hàng thu hồi toàn bộ khoản nợ, nhận tài sản thế chấp thay nghĩa vụ trả nợ. Cả 2 danh mục này đã có người mua và ngân hàng đang cho bên thứ ba thời gian để thu xếp tiền.
Đối với tòa nhà FLC ở 265 Cầu Giấy, Hà Nội, ngân hàng mua với giá hợp lý để đầu tư tài sản, thế nhưng chưa sang tên. OCB quyết định dừng hợp đồng và FLC đã hoàn trả tiền cho OCB bao gồm cả tiền phạt.
OCB báo lãi hơn 3.130 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023
Về kết quả kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm 2023, ngân hàng OCB ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng 6,1% so với cùng kỳ lên 5.434 tỷ đồng, lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư đạt 552 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 178 tỷ đồng. Khấu trừ thuế phí, OCB báo lãi sau thuế 9 tháng đầu năm đạt hơn 3.130 tỷ đồng, tăng gần 48%.
Đáng lưu ý, kể từ khi công bố thu hồi xong nợ tại hai doanh nghiệp bất động sản kể trên, nợ xấu tại OCB lại ngày càng phình to hơn.
Cụ thể, kể từ quý I/2023, nợ xấu tại OCB bắt đầu có xu hướng tăng mạnh. Tính đến cuối quý I/2023, tổng nợ xấu ghi nhận hơn 4.044 tỷ đồng kéo theo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng lên mức 3,32% (con số này vượt ngưỡng trần 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước). Trong khi thời điểm cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu tại OCB chỉ ở mức 2,23%.
Chưa dừng lại, tính đến cuối quý III/2023, nợ xấu tại OCB tăng tới 84% so với đầu năm, từ 2.671 tỷ đồng lên gần 4.921 tỷ đồng, tương đương tăng thêm hơn 2.200 tỷ đồng sau 9 tháng. Vì vậy, kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tại OCB tăng vọt từ 2,23% hồi đầu năm lên 3,74%. Con số này còn cao hơn cả thời điểm cuối quý I/2023.
Xét về cơ cấu các nhóm nợ xấu tại ngân hàng OCB cho thấy, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng mạnh nhất, cao gấp gần 3 lần so với đầu năm, từ 670 tỷ đồng lên 1.999 tỷ đồng; tiếp đến là nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) cũng tăng gấp 2,27 lần từ 626 tỷ đồng lên hơn 1.422 tỷ đồng và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 9% lên hơn 1.499 tỷ đồng.
Trước đó, trong giai đoạn 2016 - 2022, tỷ lệ nợ xấu tại OCB luôn duy trì dưới ngưỡng 3%.
Cụ thể, năm 2016 nợ xấu nội bảng ghi nhận hơn 675 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu duy trì mức 1,75%. Năm 2017 tỷ lệ nợ xấu là 1,79% đến năm 2018 lên mức 2,29%. Tuy nhiên đến năm 2019 giảm xuống còn 1,84%, năm 2020 tiếp tục giảm về mức 1,69% và 1,32% vào năm 2021. Đến năm 2022 bất ngờ tăng lên mức 2,23% và tính đến cuối quý III/2023 tỷ lệ nợ xấu tại OCB leo lên mức 3,74%.
Ngoài ra, tính đến cuối quý III/2023, lãi và phí phải thu (lãi dự thu) của OCB tăng 28% so với đầu năm, lên mức hơn 2.472 tỷ đồng. Tuy nhiên, OCB không thuyết minh cụ thể khoản lãi dự thu này.
Đáng chú ý, ngoài con số nợ xấu hiện rõ và được ghi nhận trong bảng cân đối kế toán, ngân hàng OCB còn đang “sở hữu” hơn 10.390 tỷ đồng nghĩa vụ nợ tiềm ẩn tính đến thời điểm cuối quý III/2023.
Nghĩa vụ nợ tiềm ẩn tại các ngân hàng hiện nay không được phản ánh trực tiếp trong bảng cân đối kế toán mà chỉ được ghi nhận ngoại bảng. Mặc dù việc quản lý dư nợ cho vay hiện nay đã được đẩy mạnh kiểm soát, song rủi ro từ các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn của nhóm ngân hàng thương mại vẫn có thể hiện hữu. Bởi trong quá khứ, cũng đã có những vụ kiện liên quan đến bảo lãnh ngân hàng.