"Ông lớn" ngân hàng giảm mạnh lãi suất cho vay
Sau đợt giảm lãi suất hồi tháng 7/2021, mới đây một loạt ngân hàng lớn như Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hiện hữu và cho vay mới với người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Cụ thể, tại Vietcombank thông báo từ 18/8/2021 đến hết 31/12/2021 tiếp tục giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương; giảm lãi suất tới 0,3%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại các địa bàn tỉnh, thành phố phía Nam khác áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Ngân hàng lưu ý, việc giảm lãi suất trên không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá…
Đồng thời, ngân hàng BIDV cũng công bố dành 1.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho vay các doanh nghiệp tại 19 tỉnh, thành phía Nam.
Theo đó, từ nay đến hết 31/12/2021, BIDV thực hiện giảm 0,5 - 1,5%/năm lãi suất cho vay VND đối với dư nợ hiện hữu phát sinh đến ngày 15/7/2021 đối với các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Ngân sách BIDV dành hỗ trợ đối với dư nợ hiện hữu, áp dụng cho tất cả các kỳ hạn, lên đến 800 tỷ đồng.
Ngoài ra, BIDV triển khai gói tín dụng mới với quy mô 30.000 tỷ đồng, áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn có thời gian vay tối đa 12 tháng, với mức giảm lãi suất lên đến 1,5%/năm so với lãi suất thông thường. Dự kiến, nguồn lực hỗ trợ đối với gói tín dụng này vào khoảng 200 tỷ đồng.
Tiếp đó là ông lớn trong ngành, Vietinbank cho biết đã đưa ra gói tín dụng ưu đãi lãi suất từ 4,0%/năm với quy mô 20.000 tỷ đồng, qua đó nâng tổng quy mô của các gói hỗ trợ lãi suất tại VietinBank lên tới 150.000 tỷ đồng.
Tương tự, lãnh đạo Agribank cho biết đã quyết định giảm 1,2 điểm %/năm lãi suất (còn 11,7%/năm) thẻ tín dụng với toàn bộ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp hiện tại. Đây cũng là mức lãi suất thẻ tín dụng thấp nhất thị trường hiện nay.
Agribank cũng đồng thời áp dụng nhiều chính sách miễn, giảm phí cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp như miễn 100% phí dịch vụ chuyển tiền trong nước và phí chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip; giảm 5% phí rút tiền tại ATM của ngân hàng khác…
Loạt ngân hàng tư nhân cũng 'nhập cuộc' giảm mạnh lãi suất
Mới đây nhất, ngân hàng MBBank cam kết giảm 1.000 tỷ đồng thu nhập từ lãi cho vay.
Cụ thể, 5 tháng cuối năm nay, ngân hàng sẽ giảm 1.000 tỷ đồng lãi suất cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Đến giữa tháng 8, ngân hàng đã giảm 400 tỷ đồng số tiền lãi lũy kế đến cuối năm. Dự kiến trong cuối tháng 8, ngân hàng sẽ giảm thêm 300 tỷ đồng nữa và 300 tỷ đồng còn lại sẽ được giảm trong các tháng còn lại của năm nay.
Trong đó, MBBank sẽ giảm 0,5-1,5 điểm %/năm lãi suất cho vay tùy theo nhóm khách hàng và mức độ bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Sacombank cũng đã triển khai nguồn vốn ưu đãi 10.000 tỷ đồng với lãi suất từ 4%/năm, thời hạn vay tối đa 6 tháng dành cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Thời gian áp dụng từ ngày 18/6/2021 đến hết ngày 31/12/2021 hoặc khi hết nguồn tùy điều kiện nào đến trước.
Ngoài ra, ngân hàng Kienlongbank cho biết tất cả khách hàng đang quan hệ tín dụng tại Kienlongbank bị ảnh hưởng trực tiếp/gián tiếp bởi dịch Covid–19 và thỏa mãn các điều kiện của chương trình, sẽ được giảm tối đa 1,5%/năm lãi suất vay.
Ngân hàng ACB cũng giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu với mức tối đa 0,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1%/năm cho khoản vay trung dài hạn.
Tương tự, SeABank giảm tối đa 1%/năm so với mức lãi suất cho vay đang áp dụng đối với khoản vay cũ còn dư nợ của khách hàng hiện hữu.
Ngân hàng MSB cho biết dành gói tín dụng gần 20.000 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay ưu đãi; giảm lãi suất tới 3%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ kinh doanh và giảm 1%/năm cho vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, mua nhà.
Ngân hàng lo lợi nhuận suy giảm?
Nếu các ngân hàng không giảm lãi suất một cách thực chất sẽ bị Ngân hàng Nhà nước hạn chế hoạt động tín dụng trong năm 2022. Cần lưu ý, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang điều hành hoạt động tín dụng bằng cách cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng trong từng năm theo từng đợt. Đây là công cụ điều hành rất "uy lực", bởi ngân hàng nào chỉ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp đồng nghĩa với việc mất thị phần vào tay các ngân hàng khác được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Thực tế, sức ép giảm lãi suất cho vay lần này ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận ngân hàng. Trường hợp chấp nhận giảm đáng kể lãi suất cho vay, ngay lập tức sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng.
|
-- |
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, tổng dư nợ hiện hữu của nền kinh tế vào khoảng 9,6 triệu tỷ đồng. Nếu các ngân hàng tiến hành giảm 1% lãi suất trên tổng dư nợ hiện hữu thì con số lợi nhuận ngân hàng có thể bị ảnh hưởng là khoảng 96.000 tỷ đồng. Ước tính, lợi nhuận ngân hàng trong 6 tháng cuối năm nay có thể giảm hơn 40.000 tỷ đồng.
Với mức giảm lãi suất như vậy, khó có thể được cổ đông của các ngân hàng thương mại chấp nhận. Chính vì vậy, các ngân hàng không thể giảm mạnh lãi suất cho vay.
Trong báo cáo cập nhật mới đây, Bộ phận Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) đã giảm ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2021 của Ngân hàng Vietcombank 8,1% so với dự báo trước đó xuống 24.300 tỷ đồng (tăng 5,4% so với năm ngoái).
Một trong những yếu tố khiến SSI Research hạ triển vọng lợi nhuận của Vietcombank đến từ việc ngân hàng đã tiếp tục thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng phía Nam.
Ngân hàng Sacombank cho biết, giảm 1% lãi suất trong 6 tháng sẽ làm giảm lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm 40% lợi nhuận kế hoạch.
Tương tự, ngân hàng LienVietPostBank tính toán, nếu giảm lãi suất bình quân 1%/năm thì lợi nhuận của ngân hàng này giảm khoảng 600 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng nửa đầu năm 2021 tại nhiều ngân hàng tăng mạnh so với trước đại dịch.
Đơn cử, chi phí dự phòng rủi ro của Vietcombank tăng 37% lên 5.500 tỷ đồng; tại BIDV tăng 49% lên 15.423 tỷ đồng; tại MBBank tăng 28% lên 4.240 tỷ đồng. Đặc biệt tại ACB tăng 274% lên 1.992 tỷ đồng;...
Trong bối cảnh đại dịch bùng phát như hiện nay, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng sẽ còn tăng cao nữa trong những quý cuối năm. Đồng thời, cùng với sức ép giảm lãi suất cho vay sẽ tác động mạnh đến lợi nhuận ngân hàng.