vừa thông qua phương án triển khai chào bán 4.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành ra công chúng năm 2022.
Theo kế hoạch, đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không có bảo đảm, không kèm theo chứng quyền, là nợ thứ cấp và thoả mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 của tổ chức phát hành. Kỳ hạn của 4.000 tỷ đồng trái phiếu này là 7 năm và 10 năm.
Dự kiến LienVietPostBank phát hành trái phiếu thành ba đợt. Cụ thể, đợt 1, ngân hàng phát hành 1.700 tỷ đồng trái phiếu 7 năm và 250 tỷ đồng trái phiếu 10 năm; Đợt 2, ngân hàng phát hành 1.300 tỷ đồng trái phiếu 7 năm và 200 tỷ đồng trái phiếu 10 năm; Và đợt 3, ngân hàng phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu 7 năm và 50 tỷ đồng trái phiếu 10 năm.
Số trái phiếu này được bán trực tiếp cho nhà đầu tư tại các chi nhánh/phòng giao dịch của LienVietPostBank và thông qua đại lý phát hành là Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài gòn - Hà Nội (SHS).
Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 7 năm bằng lãi suất tham chiếu cộng với biên độ 2.3%/năm. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm là lãi suất tham chiếu cộng với biên độ 2.6%/năm.
Lãi suất tham chiếu dùng để xác định lãi suất cho mỗi kỳ tính lãi là bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân VNĐ, kỳ hạn 12 tháng, trả lãi cuối kỳ của 4 ngân hàng lớn của Việt Nam gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank và AgriBank tại ngày xác định lãi suất.
Mục đích phát hành đợt trái phiếu này nhằm bổ sung nguồn vốn huy động trung dài hạn, đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng đối với các dự án trung dài hạn trong năm 2022 đến quý 1/2023.
Theo đó, nhà băng này sẽ phân bổ lĩnh vực sử dụng vốn từ thương mại; Xăng dầu; Hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ cũng như cho vay Nông nghiệp Nông thôn và tiêu dùng. Cụ thể, đợt 1 sẽ sử dụng 1.950 tỷ đồng; Đợt 2 là 1.115 tỷ đồng và dùng 550 tỷ đồng cho đợt 3.
Sau khi hoàn thành các đợt phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ mức 15.035 tỷ đồng lên 20.291 tỷ đồng, tương đương mức tăng 35%.
Về tình hình kinh doanh, theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022, LienVietPostBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 5.920 tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm trước, chủ yếu do thu nhập lãi cho vay khách hàng và thu nhập lãi tiền gửi tăng mạnh. Sau khi trừ các chi phí và thuế, LienVietPostBank báo lãi sau thuế đạt 2.855,5 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến ngày 30/6/2022, tổng tài sản LienVietPostBank đạt 300.919 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm 51% xuống còn 4.834 tỷ đồng, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác giảm 11% xuống còn 18,868 tỷ đồng, cho vay các tổ chức tín dụng khác giảm 69% xuống còn 358 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 9% lên mức 226.914 tỷ đồng,…
Dù lợi nhuận ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng nhưng kết thúc quý 2, dòng tiền hoạt động kinh doanh và đầu tư của LienVietPostBank lại tiếp tục âm.
Cụ thể, theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ giữa niên độ, dòng tiền hoạt động kinh doanh của LienVietPostBank tính đến ngày 30/6/2022 âm tới 8.511,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm 2.466,8 tỷ đồng; Dòng tiền hoạt động đầu tư âm 25,2 tỷ đồng; Trong khi đó, do tăng vốn cổ phần từ phát hành cổ phiếu, đã kéo theo dòng tiền hoạt động tài chính dương 350 tỷ đồng. Theo đó, kết thúc 6 tháng đầu năm dòng tiền của LienVietPostBank âm 8.187,1 tỷ đồng.
Đáng chú ý, LienVietPostBank tăng cường trích lập dự phòng khi chi phí dự phòng đạt mức 637 tỷ, tăng 57% so với cùng kỳ do nợ xấu tăng mạnh. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, mức trích lập là 949 tỷ, tăng 54% so với nửa đầu năm 2021.
Kết thúc quý 2, tổng nợ xấu của LienVietPostBank đạt mức 3.183 tỷ đồng tăng 11% so với hồi đầu năm. Trong đó, Nợ nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn) tăng tới 67,5% lên mức 771 tỷ đồng; Nợ nhóm 4 (Nợ nghi ngờ) giảm mạnh 46% xuống mức 574 tỷ đồng; Nợ nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) tăng 38% lên 1.837 tỷ đồng, chiếm gần 58% tổng nợ xấu của LienVietPostBank.
Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của nhà băng này tăng từ 1,37% hồi đầu năm lên 1,40% cuối tháng 6/2022.