Nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung tiền đồng từ các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và dòng tiền từ kho bạc.
Theo báo cáo tài chính tiền tệ của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research), trong tuần qua (6/1 - 10/1), thanh khoản trên liên ngân hàng vô cùng dồi dào, lãi suất giảm sâu về 1,47%/năm tại kì hạn qua đêm (giảm 55 điểm) và 1,8%/năm với kì hạn 1 tuần (giảm 68điểm).
Chênh lệch lãi suất qua đêm VND - USD trên liên ngân hàng đã chuyển từ dương sang âm.
So với ngày 31/12, tức phiên giao dịch cuối cùng của năm 2019, lãi suất liên ngân hàng kì hạn qua đêm đã giảm 0,33 điểm %; kì hạn 1 tuần giảm 0,38 điểm %, 1 tháng giảm 0,53 điểm % và 3 tháng giảm 1,23 điểm %...
Trong suốt hai tuần qua, thị trường mở tiếp tục không có giao dịch, số dư OMO và tín phiếu luôn giữ ở mức 0.
|
Lãi suất giảm mạnh trên liên ngân hàng do đâu? (Ảnh minh họa). |
Theo các chuyên gia của SSI, nguồn cung tiền đồng từ các ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn nhà nước và dòng tiền từ kho bạc là lí do chính khiến lãi suất trên liên ngân hàng giảm mạnh.
Cụ thể, Thông tư 22 có hiệu lực từ 1/1/2020 qui định giới hạn tỉ lệ cho vay trên tổng vốn huy động (LDR) là 85% với tất cả các NHTM thay vì phân biệt mức 80% với các NHTM cổ phần và 90% với các NHTM có vốn nhà nước như trước.
Do đó, các NHTM như BIDV, VietinBank đang có tỷ lệ LDR trên 85% nên buộc phải dịch chuyển vốn sang kinh doanh trên liên ngân hàng nhiều hơn để đáp ứng qui định mới.
Trên thị trường 1, sau bước giảm cuối tuần trước, lãi suất tiền gửi ổn định ở mức 4,1% - 5,0%/năm với kì hạn dưới 6 tháng, 5,3% - 7,4%/năm với kì hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4% - 7,5%/năm với kì hạn 12, 13 tháng.
Đà sụt giảm của lãi suất liên ngân hàng tiếp nối xu hướng từ cuối năm 2019 và là một trường hợp hiếm gặp trong thời gian cận Tết Nguyên đán khi nhu cầu tiền đồng sẽ gia tăng do các doanh nghiệp thanh toán đơn hàng cũng như chi trả lương, thưởng cho người lao động.
Theo giới phân tích, xu hướng giảm mạnh của lãi suất liên ngân hàng trong đến từ sự dồi dào trong thanh khoản hệ thống ngân hàng khi lượng kiều hối tăng lên vào thời điểm cuối năm dẫn đến hoạt động mua ròng ngoại tệ của NHNN (đồng nghĩa với việc đẩy VND ra thị trường) .
Số liệu của NHNN công bố mới đây cho thấy dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đã ở mức kỉ lục 79 tỉ USD. Như vậy, trong hai tháng cuối năm 2019, NHNN đã mua vào thêm khoảng 6 tỉ USD (tương đương với 139 nghìn tỉ đồng).
Theo SSI Research, lãi suất huy động trong năm 2020 có khả năng tiếp tục hạ dựa trên hai nền tảng là thanh khoản hệ thống ngân hàng và định hướng từ Chính phủ. Tuy vậy, áp lực giá cả thực phẩm, năng lượng và yếu tố mùa vụ có thể khiến lãi suất khó giảm trong ngắn hạn.
Tỷ giá USD giữ ổn định trước những biến động mạnh từ thị trường thế giới
Theo phân tích của các chuyên gia SSI, căng thẳng Mỹ - Iran leo thang đã khiến cho tâm lí thị trường những ngày đầu tuần khá tiêu cực. Giá vàng tăng lên mức cao nhất 6 năm (1,574 USD/oz); dầu brent cũng tăng lên xấp xỉ 69 USD/thùng; đồng yen Nhật (JPY) có lúc tăng giá 0,5% so với USD.
Tuy nhiên, các phản ứng có phần mềm mỏng từ cả Mỹ và Iran sau đó đã đẩy lùi lo ngại xung đột quân sự. Cùng với đó là thông tin phái đoàn Trung Quốc sẽ đến Mỹ từ 13 /1 - 15/1 để kí kết thỏa thuận giai đoạn 1 đã khiến tâm lí thị trường hồi phục.
Giá vàng và dầu hạ nhiệt, JPY mất giá, cả USD và nhân dân tệ (CNY) đều tăng giá. Chỉ số USD Index tăng từ dưới 97 lên 97,3; tỷ giá USD/CNY lùi về 6,9193.
Chịu ảnh hưởng từ diễn biến quốc tế, tỷ giá giao dịch USD/VND trong tuần có dao động nhẹ nhưng chốt tuần vẫn giữ nguyên mức 23.080 - 23.230 trên ngân hàng và tăng 25 đồng/USD trên thị trường tự do, ở mức 23.185 - 23.215.
Tỷ giá trung tâm tăng 9 đồng/USD, lên mức 23.166 VND/USD; tỷ giá mua vào của NHNN giữ nguyên ở mức 23.175 VND/USD; NHNN vẫn tiếp tục mua vào ngoại tệ. Trong bối cảnh cung cầu ngoại tệ trong nước thuận lợi như hiện nay, tỷ giá USD/VND dự kiến sẽ tiếp tục đi ngang trong vùng 23.100 - 23.200.
Theo Thu Hoài/TBCK