DN đã tiếp cận được vốn vay để phục hồi sản xuất kinh doanh
Tổng vốn huy động của các ngân hàng đến tháng 6/2020 đạt 2.589,31 ngàn tỷ đồng, tăng 1,79%. Vốn huy động của các ngân hàng thương mại cổ phần chiếm 52,47% tổng vốn huy động, tăng 11,87% so tháng cùng kỳ. Tiền gửi tiết kiệm đạt 1.097,81 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 42,4% tổng vốn huy động, tăng 0,98% so với tháng cùng kỳ năm trước.
|
Các ngân hàng tạo thuận lợi cho khách hàng vay vốn, cơ cấu lại nợ, giãn nợ. |
Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đến đầu tháng 6/2020 đạt 2.336,15 ngàn tỷ đồng, tăng 8,62% so tháng cùng kỳ. Trong đó, dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại cổ phần đạt 1.239,19 ngàn tỷ đồng, chiếm 53,04% tổng dư nợ, tăng 10,42% so với tháng cùng kỳ năm trước. Dư nợ tín dụng tăng đã cho thấy dòng vốn tín dụng lan tỏa hỗ trợ cho cho DN sản xuất kinh doanh trong bối cảnh khó khăn ảnh hưởng của dịch bệnh.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh - thông qua việc thực hiện hiệu quả Thông tư 01/2020/TT- NHNN tính đến cuối tháng 6/2020 ngân hàng tại TP. Hồ Chí Minh đã cơ cấu 384.610 tỷ đồng nợ vay ảnh hưởng dịch Covid-19. Trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 168.668 khách hàng với dư nợ đạt 64.215 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho 17.419 khách hàng với dư nợ đạt 49.971 tỷ đồng...
Thực hiện cho vay lãi suất ưu đãi ngắn hạn bằng VND (lãi suất không quá 5%/năm) đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực bao gồm DN nhỏ và vừa, xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao. Trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho DN cụ thể từng trường hợp theo danh sách DN phản ánh qua các sở ngành, quận huyện và hiệp hội DN gửi đến.
Linh hoạt nguồn vốn hỗ trợ tích cực cho DN
Năm 2020, TP. Hồ Chí Minh có 12 ngân hàng đăng ký tham gia gói tín dụng theo chương trình kết nối ngân hàng - DN với tổng nguồn vốn đạt 274.450 tỷ đồng. Gói hỗ trợ vốn này sẽ tập trung mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho DN, giúp DN có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất phù hợp. Cụ thể, DN vay sẽ được hưởng mức lãi suất vay ngắn hạn ưu đãi là 6%/năm, trung dài hạn là 9%/năm. Không dừng lại đó, với những DN bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 sẽ được hỗ trợ vay gói tín dụng trên với lãi suất ngắn hạn là 5,5%/năm (giảm 0,5%/năm so với thời điểm đầu năm 2020).
Để nguồn vốn phát huy hiệu quả kết nối đến từng DN, nhiều ngân hàng đã thực hiện các hình thức cho vay đa dạng. Cụ thể, thực hiện cho vay theo chương trình bình ổn thị trường với dư nợ cho vay đến cuối tháng 5/2020 đạt 603 tỷ đồng; Dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đến hết quý I/2020 đạt 184.000 tỷ cho 1,9 triệu khách hàng, tăng 5,7% so cuối năm 2019. Cho vay đối với các DN trong khu chế xuất – khu công nghiệp đến cuối tháng 5/2020 đạt 176.096 tỷ đồng, gồm 3.618 khách hàng vay vốn, tăng 10% so với cuối năm trước...
Theo ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh - trong bối cảnh nhiều DN gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh việc hỗ trợ lãi suất, giãn nợ, cơ cấu lại nợ kịp thời từ các ngân hàng đã giảm bớt khó khăn về vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phục hồi sản xuất kinh doanh. Song để tiếp cận được giải ngân nguồn vốn các ngân hàng cần đẩy nhanh hơn nữa việc xác nhận đối tượng cho vay, giảm thủ tục hành chính, linh hoạt hơn trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ vốn cho DN.
Từ phía ngân hàng, cũng thực hiện những chính sách linh hoạt nhằm hỗ trợ vốn vay cho DN. Cụ thể, nếu phương án đầu tư nhà xưởng của DN khả thi, DN có thể tiếp cận gói vay vốn trung dài hạn với mức lãi suất 8-10%/năm. Với những DN nhỏ và vừa nếu gặp khó khăn nguồn vốn lưu động, có thời hạn thanh toán dài, có thể vay vốn ngắn hạn bằng hình thức tín chấp bằng chính đơn hàng đã ký kết. Mức hỗ trợ vay tín chấp này có thể dao động 70-100% giá trị đơn hàng cần thanh toán...
Từ phía NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng tạo thuận lợi cho khách hàng vay vốn, nhưng cũng yêu cầu không nới lỏng, hạ thấp điều kiện tín dụng để đảm bảo chất lượng tín dụng, duy trì tính lành mạnh, an toàn của hoạt động ngân hàng trong những năm tới.
Theo Ngọc Thảo/Báo Công Thương Điện Tử