Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 54,95 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,5 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 350 nghìn đồng chiều bán ra so với ngày hôm qua.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 55,1 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,52 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội. Giá vàng SJC tại TP.HCM, chiều bán ra là 55,5 triệu đồng/lượng. Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết 55,05-55,6 triệu đồng/lượng.
Như vậy, giá vàng trong nước đã giảm khoảng 700 nghìn đồng/lượng trong tuần này. Vàng trong nước đang cao hơn thế giới tới 8,2 triệu đồng/lượng.
|
Ảnh minh họa |
Trên thị trường thế giới, vàng thế giới khởi đầu tuần mới từ ngưỡng nhạy cảm 1.700 USD/ounce, sau nhiều phiên giằng co, lên xuống vài USD cho đến vài chục USD. Trước đó, trong ngày giao dịch cuối cùng của tuần trước, giá vàng thế giới đã có lúc giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 8/6/2020 là 1.686,40 USD/ounce. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng giảm 0,1% xuống khép phiên ở mức 1.698,50 USD/ounce.
Các thượng nghị sĩ Dân chủ Mỹ vừa hóa giải những bất đồng về khoản trợ cấp thất nghiệp trong gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden đang thúc đẩy. Động thái trên được xem là bước tiến quan trọng để sớm đưa gói cứu trợ 1.900 tỷ USD đến tay Nhà Trắng.
Dự luật cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD đã được Thượng viện thông qua với tỷ lệ 50 phiếu thuận và 49 phiếu chống sau cuộc bỏ phiếu sửa đổi kéo dài hơn 25 giờ sau khi Đảng Dân chủ giải quyết tranh chấp nội bộ về vấn đề viện trợ thất nghiệp.
Dự luật bao gồm các khoản thanh toán trực tiếp lên tới 1.400 USD cho hầu hết người Mỹ, tăng 300 USD hàng tuần cho các khoản trợ cấp thất nghiệp vào tháng 9 và mở rộng tín dụng thuế trẻ em trong một năm.
Một yếu tố được giới phân tích chú ý là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell lặp lại cam kết duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và linh hoạt cho đến khi thị trường lao động Mỹ hoàn toàn phục hồi.
Phát biểu đó đã làm thất vọng các nhà đầu tư vào vàng, những người kỳ vọng ông sẽ hành động để đối phó với sự gia tăng gần đây của lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ – một diễn biến đã đẩy giá vàng xuống dưới 1.700 USD/ounce.
Xu hướng giảm chưa dừng lại?
Nhìn chung, thị trường vàng thế giới đã có một tuần giao dịch không mấy lạc quan với bốn phiên giảm và chỉ một phiên tăng nhẹ. Mở đầu tuần trước trong phiên 1/3, giá vàng giảm 0,6% và rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020, khi đồng USD mạnh lên đã tác động đến giá kim loại quý này.
Giá vàng phục hồi lại phần nào trong phiên 2/3 với mức tăng hơn 10 USD (tương đương 0,6%). Một số nhà phân tích cho rằng đà giảm của giá vàng có thể đã kết thúc khi triển vọng trên toàn cầu đang cho thấy nhiều dấu hiệu kém khả quan. Họ nhận định hoạt động bán tháo trên thị trường trái phiếu toàn cầu có thể quay trở lại, và ngân hàng trung ương nhiều nước đang lần lượt bày tỏ quan ngại về việc lợi suất trái phiếu tăng mạnh.
Trong phiên giao dịch 3/3, giá vàng thế giới giảm hơn 1% xuống mức thấp nhất trong gần 9 tháng khi đà tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ và đồng USD làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý này. Ngoài ra, hy vọng về đà phục hồi kinh tế nhanh chóng nhờ chương trình triển khai vaccine ngừa Covid-19 cũng thúc đẩy giới giao dịch đưa các tài sản an toàn như vàng ra khỏi danh mục đầu tư.
Áp lực từ lợi suất trái phiếu và đồng USD mạnh lên tiếp tục đè nặng giá vàng trong phiên 4/3, đẩy kim loại quý này xuống mức thấp nhất trong gần 9 tháng. Đà giảm tiếp tục kéo dài trong phiên 5/3, đưa giá vàng khép lại tuần giao dịch này với mức giảm 1,8%.
Theo Kinh tế Chứng khoán