Kết thúc phiên giao dịch chiều ngày 17/3, thị trường vàng trong nước tại đa số các cửa hàng vàng tại Hà Nội tăng nhẹ giá vàng 9999 ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên liền trước.
Kết thúc phiên giao dịch 17/3, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC khu vực Hà Nội ở mức: 55,25 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,65 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 55,25 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,67 triệu đồng/lượng (bán ra).
Tại Sài Gòn, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 55,20 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,60 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 55,25 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,68 triệu đồng/lượng (bán ra).
|
Ảnh minh họa |
Giá vàng thế giới đêm 18/3 cao hơn khoảng 13,7% (209 USD/ounce) so với đầu năm 2020. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 48,7 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 6,7 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 17/3.
Giá vàng trên thị trường quốc tế biến động mạnh, có những thời điểm giảm sâu do đồng USD tăng giá bất chấp Mỹ công bố số liệu u ám về tình hình xây dựng trong tháng 2. Mặc dù vậy, giá mặt hàng kim loại quý vẫn giữ được ở trên ngưỡng 1.700 USD/ounce.
Vàng thế giới ''hồi hộp'' chờ kết quả cuộc họp của Fed
Kim loại quý đã giảm giá liên tục kể từ khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhận định, lạm phát tại Mỹ là không đáng kể dù gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD vừa được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thành luật, cùng gói cứu trợ trị giá 2.200 tỷ USD được triển khai hồi tháng 3/2020 và 900 tỷ USD được phê duyệt vào tháng 12/2020.
Giới đầu tư cũng đang thận trọng hơn trước khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố kết quả hai ngày 16,17/3 (theo giờ Mỹ) họp về lợi suất và triển vọng kinh tế.
Trọng tâm cuộc họp của Fed sẽ xoay quanh tình hình lãi suất trái phiếu tăng đột biến gần đây. Các nhà hoạch định chính sách của Fed dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ vào năm 2021, với tỷ lệ thất nghiệp giảm và lạm phát gia tăng, khi tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 tăng lên và gói cứu trợ 1,9 nghìn tỷ USD được phân bổ tới các hộ gia đình.
Xiao Fu, chiến lược gia thị trường tại Ngân hàng Quốc tế Trung Quốc nhận định, Fed được cho là sẽ duy trì lập trường nới lỏng. Tại buổi họp trước, một số thành phần trên thị trường dự đoán sẽ có đợt nâng lãi suất đầu tiên trong năm 2022 và một số dự đoán là năm 2023, vì vậy sẽ rất thú vị khi xuất hiện sự thay đổi.
Cơ quan Điều tra Dân số Mỹ cũng mới công bố doanh số bán lẻ lõi giảm 2,7% và doanh số bán lẻ toàn phần giảm 3% trong tháng 2/2021, sau khi tăng mạnh 8,3% và 7,6% ở tháng trước đó. Số liệu này tiêu cực hơn nhiều so với dự báo lần lượt tăng 0,2% và giảm 0,5% của các chuyên gia.
Bên cạnh đó, chỉ số giá tại Mỹ như chỉ số giá nhập khẩu tại quốc gia này đã tăng 1,3% trong tháng 2, nối tiếp đà tăng 1,4% ở tháng trước đó và vượt qua mức tăng 1,1% theo dự báo. Những thông tin kinh tế tốt xấu đan xen của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang khiến vàng “giằng co”, chưa xác định được hướng đi.
Các nhà phân tích lưu ý, Fed sẽ là động lực chính cho thị trường kim loại quý trong tuần này. Và sau khi mất hơn 200 USD kể từ đầu năm, có những dấu hiệu cho thấy vàng có thể bị bán tháo.
Giá vàng cũng chịu áp lực khi chỉ số S&P 500 và Dow Jones đóng cửa ở mức cao nhất mọi thời đại hôm 15/3. Quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust cho biết, lượng vàng nắm giữ của họ đã giảm 0,2% xuống 1.050,32 tấn vào ngày 15/3 từ 1.052,07 tấn vào ngày 12/3.
Đồng thời, trong ngắn hạn, vàng tiếp tục “bị các thị trường tài chính khác chi phối vì cách tiếp cận phản ứng của Fed đối với việc tăng lãi suất sẽ tiếp tục dẫn đến dòng vốn đầu tư tìm tới các tài sản khác”, người đứng đầu mảng chiến lược toàn cầu của TD Securities Bart Melek nói.
Theo Kinh tế Chứng khoán