Tại thị trường trong nước, chốt phiên giao dịch chiều ngày 20/2, giá vàng trong nước đảo chiều tăng 200.000 đồng/lượng tại các hệ thống kinh doanh.
Cụ thể, cửa hàng vàng bạc đá quý (VBĐQ) Sài Gòn chi nhánh Hà Nội và TP HCM cùng tập đoàn Phú Quý giữ nguyên giá vàng SJC ở chiều mua vào nhưng chiều bán ra tăng 100.000 đồng/lượng.
Tại hệ thống Doji, giá vàng ở hướng mua giảm 150.000 đồng/lượng nhưng tăng 100.000 đồng/lượng ở hướng bán ra.
Trong khi đó, hệ thống PNJ giữ nguyên giá vàng miếng SJC ở hướng mua nhưng điều chỉnh tăng 200.000 đồng/lượng so với phiên chiều qua thứ Sáu (19/2).
Hiện tại, giá trần mua vào của vàng SJC đạt mốc 56,75 triệu đồng/lượng và giá trần bán ra có ngưỡng 56,50 triệu đồng/lượng.
|
Ảnh minh họa |
Các loại vàng nữ trang khác đảo chiều tăng theo xu hướng thị trường. Theo đó, giá vàng 24K tăng 150.000 đồng/lượng, vàng tây 18K tăng 110.000 đồng/lượng và vàng 14K tăng 90.000 đồng/lượng ở cả hai hướng mua bán so với phiên trước đó.
Trên thị trường thế giới, ghi nhận vào lúc 18h30 ngày 20/2 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay không đổi ở mức 1.784,6 USD/ounce, theo Kitco. Trong khi giá vàng giao tháng 4 tăng 0,61% lên 1.785,85 USD/ounce.
Giá vàng tiếp chuỗi giảm kéo dài trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (19/2) và xuống thấp nhất kể từ đầu tháng 7/2020 vì lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cao. Lợi suất trái phiếu cao làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý không sinh lời.
Tính hết tuần, giá vàng đã giảm 2,9%.
Chuyên gia phân tích Ole Hansen của Saxo Bank nhận định chỉ cần lợi suất tăng cao, thị trường vàng sẽ gặp khó trong việc tìm kiếm yếu tố hỗ trợ. Ông cũng nói thêm nếu giá vàng không thể giữ được mức 1.765 USD/ounce thì có thể giảm xuống sâu hơn.
Trên thị trường kim loại, giá bạch kim giảm 0,1% xuống 1.273,5 USD/ounce, nhưng ghi nhận tuần tăng thứ 3 liên tiếp. Đầu tuần, giá kim loại quý chạm mức cao nhất trong hơn 6 năm.
Giá palladium giảm 0,3% xuống 2.345,36 USD/ounce, trong khi giá bạc giảm 0,2% xuống 26,96 USD/ounce. Giá bạc đã giảm 1,5% trong tuần, đánh dầu tuần giảm sâu nhất kể từ giữa tháng 1/2020, theo Reuters.
Diễn biến giá vàng ngày Thần tài trong những năm qua
Được biết, giá vàng ngày mai (21/2) – ngày vía Thần tài sẽ được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt là những người kinh doanh. Hàng năm vào ngày vía Thần tài (mùng 10 tháng Giêng), người dân thường đổ xô đi mua vàng với quan niệm cầu may. Không khó để bắt gặp hình ảnh người dẫn xếp hàng dài ngoài các cửa hàng vàng từ 3 - 4h sáng để trở thành người đầu tiên mua được vàng trong ngày này.
Theo dõi diễn biến giá vàng trong những năm gần đây cho thấy, trong ngày vía Thần Tài giá vàng SJC luôn ở mức cao. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ 2017 - 2019, mặt bằng giá khá tương đồng nhau, riêng năm 2020, giá vàng đã bật tăng cao rõ rệt.
Cụ thể, ngày 10 tháng Giêng năm 2017 (ngày 6/2/2017), giá vàng SJC của công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC được mua vào ở mức 36,45 triệu đồng/lượng và bán ra 37,27 triệu đồng.
Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng trong nước ở mức mua vào 36,4 triệu đồng/lượng và bán ra 37,3 triệu đồng/lượng.
Đến ngày vía Thần Tài năm 2018 (25/2/2018) Công ty SJC niêm yết giá vàng ở mức 36,8 - 37,02 triệu đồng/lượng theo hai chiều mua - bán. Còn Tập đoàn Doji niêm yết vàng miếng ở mức 36,8 - 37,6 triệu đồng/lượng.
Sau đó một năm, vào ngày vía Thần Tài năm 2019 (ngày 14/2/2019), giá vàng trong nước không có nhiều thay đổi so với thời điểm năm 2018.
Cụ thể, Công ty SJC niêm yết giá vàng ở mức 36,75 - 37,05 triệu đồng/lượng. Còn Tập đoàn Doji niêm yết vàng miếng ở mức 36,8 - 37,5 triệu đồng/lượng.
|
Giá vàng bán ra trong ngày vía Thần tài của các năm. ĐTV: triệu đồng/lượng. Tổng hợp: NH. (*: giá vàng cuối phiên giao dịch mùng 8 tháng Giêng 2021) |
Đáng chú ý, giá vàng ngày Thần Tài năm 2020 có sự chênh lệch giữa mua vào và bán ra tới cả triệu đồng và mức giá đã vượt mốc 40 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, Công ty SJC niêm yết giá vàng ở mức 43,75 - 44,45 triệu đồng/lượng vào thời điểm 15h30 ngày 3/2/2020 (tức ngày 10 tháng Giêng năm 2020). Chênh lệch giá mua - bán ở mức 700.000 đồng/lượng.
Và Tập đoàn Doji niêm yết vàng SJC ở mức 43,78 - 44,82 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán ở mức cao 1,04 triệu đồng/lượng.
Đặc biệt, bước sang năm 2021, giá vàng SJC giữ mức khá cao, trong khoảng 56 - 57 triệu đồng/lượng. Mức giá này dù đã sụt giảm so với đỉnh điểm của năm trước đó là hơn 62 triệu đồng/lượng nhưng vùng giá này vẫn là kỷ lục so với những năm qua.
Cụ thể, đến cuối phiên ngày 19/2 (mùng 8 tháng Giêng năm Tân Sửu), Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng ở mức 55,75 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 56,3 - 56,32 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Chênh lệch giá bán và giá mua vẫn đang cao là 550.000 - 570.000 đồng/lượng.
Tại Tập đoàn Doji, giá vàng được mua vào là 55,7 triệu đồng và bán ra 56,35 triệu đồng. Chênh lệch giá mua – bán vàng thậm chí đến 650.000 đồng/lượng.
Đây là phiên giao dịch thứ ba sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Tân Sửu, giá vàng trong nước liên tục lao dốc theo thị trường thế giới khiến người mua vàng lỗ cả triệu đồng/lượng nếu mua vào lúc trước Tết.
Quy đổi theo giá USD ngân hàng Vietcombank, giá vàng thế giới đang ở mức gần 49,3 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn giá vàng bán vàng SJC ở thời điểm hiện tại gần 7,2 triệu đồng/lượng.
Đáng chú ý, theo thường lệ, giá vàng trong ngày vía Thần tài sẽ tăng cao. Năm nay, ngày vía Thần tài sẽ rơi vào Chủ nhật (ngày 21/2) là ngày cuối tuần, giá vàng thường không giao dịch nên khả năng giá chốt phiên giao dịch sáng hôm nay 20/2 (mùng 9 tháng Giêng) sẽ chính là giá vàng của ngày vía Thần tài năm 2021.
Giá vàng trong nước thường biến động theo xu hướng vàng thế giới. Vì vậy, giá vàng SJC có thể tiếp tục giảm sâu bởi trên thị trường thế giới, giá vàng vẫn ở mức thấp dù cận ngày Thần tài.
Theo Kinh tế Chứng khoán