1 năm điều tra chưa công bố thông tin mới
Liên quan đến tố cáo của ông Nguyễn Chấn với con trai Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch Nam A Bank, ngày 20/6/2019, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố hình sự số 36/QĐ-C01-P4.Quyết định khởi tố căn cứ theo tố giác của ông Nguyễn Chấn (96 tuổi, ngụ ở quận 3, TPHCM) và một số cá nhân liên quan.
Trước đó, ông Nguyễn Chấn (SN1923, trú tại đường Quận 3, TPHCM) và một số cá nhân liên quan tố cáo ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Nam Á cấu kết với một số cá nhân có hành vi chiếm đoạt tài sản của ông Nguyễn Chấn là cổ phần, cổ phiếu, vốn góp tại ngân hàng TMCP Nam Á và các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hoàn Cầu.
|
Ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch Nam á Bank |
Căn cứ tài liệu chứng cứ thu thập được, Trung tướng Trần Văn Vệ - Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ký quyết định khởi tố hình sự “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại TP Hồ Chí Minh.
Trước đó, ngày 15/3, ông Nguyễn Chấn (chồng của bà Trần Thị Hường - tên thường gọi là Tư Hường) là người sáng lập Ngân hàng Nam Á và Tập đoàn Hoàn Cầu tổ chức họp báo công bố thông tin tố cáo con trai chiếm giữ ngân hàng.
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Chấn cho biết, vào giữa năm 2016, bà Tư Hường đau bệnh nên có giao cho con là Nguyễn Quốc Toàn (SN 1970) quản lý ngân hàng và Tập đoàn Hoàn Cầu, nhưng quyền sở hữu tài sản vẫn thuộc về vợ chồng ông. Tuy nhiên, ông Toàn đã lạm dụng sự tín nhiệm của gia đình để chiếm giữ hết tài sản của vợ chồng ông, giá trị ước tính khoảng 30.000 tỷ đồng. Số tài sản này gồm: Cổ phiếu do Ngân hàng Nam Á phát hành; cổ phần tại các công ty trong hệ thống Tập đoàn Hoàn Cầu; các khoản đầu tư vào doanh nghiệp dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần.
Không những thế nhóm dư nợ cho vay khách hàng cũng tăng mạnh. Trong đó nhóm dư nợ xấu của Nam Á Bank tại thời điểm cuối năm 2019 lên tới 1.333 tỷ đồng, trong khi đó năm cùng kỳ năm 2018 là 784,722 tỷ đồng, tức là tăng mạnh tới 70%. Tương ứng tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,54% của đầu kỳ lên 1,97%.
Trả lời báo chí năm ngoái, ông Nguyễn Quốc Toàn, người bị chính cha đẻ tố cáo cho rằng, đây chỉ là việc gia đình, khi bị tâm lí về thông tin không chính xác gây hiểu lầm, không có thật, tôi mong các cơ quan giúp đỡ, tạo điều kiện không đẩy vụ việc ra vấn đề hình sự, để gia đình chúng tôi có thể ngồi lại với nhau nhằm thực hiện tâm nguyện của mẹ tôi (cố doanh nhân Tư Hường - PV), bởi mấu chốt vụ việc chỉ là tranh chấp tài sản.
Quyết định khởi tố của cơ quan công an là một ngăn cách làm gia đình tôi mất đi thanh thế của dòng họ. Bản thân tôi rất đau lòng, anh em cùng cha mẹ mà không hiểu nhau, để vướng vào vòng tranh chấp này. Là một thành viên trong gia đình, là một người con, một người anh, người em, tôi cảm thấy xót xa khi trải qua chuỗi hiểu lầm như thế này vì nó ảnh hưởng đến quan hệ cha con tôi, và hơn nữa là có nhiều điều tiếng không hay về cơ nghiệp và danh tiếng mà mẹ tôi sinh thời đã dày công gầy dựng cả đời.
Được biết, Tập đoàn Hoàn Cầu được thành lập năm 1993 với vốn điều lệ ban đầu là 193 tỷ đồng, do bà Trần Thị Hường (cố Chủ tịch NamABank) làm Chủ Tịch Hội đồng thành viên. Lĩnh vực hoạt động của Hoàn Cầu rộng khắp với các dự án bất động sản, du lịch - khách sạn, tài chính ngân hàng, giáo dục y tế, truyền thông - quảng cáo.
Liên quan Tập đoàn Hoàn Cầu và các khoản đầu tư các doanh nghiệp nhờ người thân đứng tên, ông Chấn tố cáo ông Toàn đã tự ý chuyển sang cho người khác để chiếm giữ.
Ngân hàng Nam Á được bà Tư Hường mua cổ phần từ năm 1995, chỉ 2 năm sau khi thành lập Tập đoàn Hoàn Cầu. Nữ doanh nhân gốc Bình Định không trực tiếp điều hành mà giữ vai trò cố vấn cấp cao, là người góp công lớn đưa ngân hàng này từ vốn điều lệ 5 tỷ đồng lên hơn 3.353 tỷ đồng.
Chòng chành đến lạ!
Trong nhiều năm, quan hệ giữa Tập đoàn Hoàn Cầu và Nam A Bank luôn duy trì ở mức độ mật thiết, cần nhau. Chẳng hạn, năm 2016, có những thời điểm, dư nợ tiền vay của các bên liên quan với thành viên HĐQT và ban điều hành của ngân hàng là 1.775 tỷ đồng, chiếm tới 8% tổng dư nợ cho vay. Nhiều tài sản của Tập đoàn Hoàn Cầu cũng thế chấp tại Nam A Bank.
Giữa ngân hàng và các bên liên quan đến ban lãnh đạo còn có quan hệ khăng khít ở loạt giao dịch gửi – vay. Điểm thú vị ở chỗ, nhiều báo cáo tài chính cho thấy, các giá trị gửi – vay này gần như bằng nhau. Đơn cử như trong năm 2018, các bên liên quan cho gửi 216 tỷ đồng thì cũng vay ngược 210 tỷ đồng. Tại các quý năm 2016 và 2015, con số còn lên tới hàng nghìn tỷ đồng (báo cáo tài chính năm 2019 của Nam A Bank chưa có thuyết minh phần này).
Liên quan tới hoạt động đầu tư cổ phiếu Eximbank của nhóm nhà đầu tư liên quan đến ông Toàn, có một phần số cổ phiếu này đã cầm cố, thế chấp vay tiền tại Nam A Bank. Chưa rõ số cổ phiếu Eximbank và khoản vay tại Nam A Bank đã xử lý thế nào, nhưng theo báo cáo tài chính, tính đến 31/12/2019, giá trị chứng từ thế chấp tại ngân hàng có giá trị 22.438 tỷ đồng, chiếm 19% giá trị tài sản thế chấp của khách hàng.
Trong vài năm, tăng trưởng tín dụng và huy động vốn của ngân hàng đều đạt trên 30%, cơ cấu cho vay các ngành nghề, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro giảm mạnh, nợ xấu cũng ở mức dưới 2%... Trong khi một số ngân hàng cùng quy mô vẫn vật lộn với khó khăn, Nam A Bank đã thoát cảnh “chông chênh” để trở thành ngân hàng vững chắc về tài chính. Đây là điểm lạ trong tăng trưởng của ngân hàng này.
Cần lưu ý, với các cơ quan giám sát tài chính, ngân hàng, tín dụng tăng trưởng trên 30% là rất… nóng. Vì thường kéo theo chất lượng tín dụng xấu (trong khi nợ xấu của Nam A Bank năm 2018 và 2019 chỉ là 1,54% và 1,97%).
Tăng trưởng tín dụng tốt, huy động cao, nhưng tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của Nam A Bank từ 2018 đến nay đang tăng đều đặn, lần lượt là 64,2% và 63% (năm 2017 là 51,2%). So sánh với CIR của các ngân hàng khác như TP Bank (39,8%), HD Bank (44,6%) hay OCB (37%), con số trên 60% của Nam A Bank là khá cao. Có nghĩa, ngân hàng đang phải chi phí nhiều hơn, trong khi hiệu quả hoạt động chưa thực sự tăng. Khoa học đời sống phân tích.
Theo Thông tư 36/2014 của NHNN, các ngân hàng cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài phải duy trì tỷ lệ LDR (tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi) không quá 80%. Quy định này nhằm duy trì khả năng thanh khoản, đảm bảo năng lực tự bảo vệ của ngân hàng trước nguy cơ rút tiền gửi đột ngột.
Tại Nam A Bank, chỉ số LDR năm 2016 – 2017 ở mức lần lượt 69,4% và 88,9%. Sang năm 2018, con số này tiếp tục ở mức 88%, và 89% vào năm 2019. Huy động bao nhiêu cho vay (gần hết) bấy nhiêu, báo cáo tài chính “tin cậy, chắc chắn” của Nam A Bank thể hiện chất lượng tăng trưởng của ngân hàng đang “chòng chành” theo cách ấy.