Cài cắm xuất xứ?
Lâu nay, câu chuyện tiêu cực trong đấu thầu khiến dư luận và các nhà thầu hết sức quan tâm. Việc xuất hiện tiêu cực trong đấu thầu kéo theo hệ lụy rất lớn như mất niềm tin của các nhà thầu, doanh nghiệp, lựa chọn nhà thầu yếu năng lực hay thất thoát tài sản nhà nước … Đã có nhiều sự việc báo chí phanh phui tiêu cực trong đấu thầu nhưng tình trạng này vẫn xảy ra ở một số ít địa phương.
Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ sai phạm trong đấu thầu thiết bị y tế bị cơ quan chức năng khởi tố. Cụ thể, tại Bệnh viện Tim Hà Nội, việc các đối tượng có hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu trong việc mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế làm tăng chi phí, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước và người bệnh, ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của công tác khám chữa bệnh, gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Hay vụ việc đấu thầu tại Sơn La, Bệnh viện Bạch Mai…
Cách đây không lâu, hệ thống xử lý rác thải y tế công nghệ Plasma mà hồ sơ mời thầu do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Kiên Giang “cài cắm” vào bị “tố” là công nghệ độc quyền.
|
Trước gói thầu "lùm xùm" hơn 100 tỷ đồng như trên, vào ngày 25/11/2019, ông Trần Ngọc Tính, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Kiên Giang cũng đã phê duyệt cho Liên danh Công ty CP Khoa học Công nghệ Petech - Công ty TNHH Năng Lượng Mặt Trời Đỏ Long An (REDSUN) trúng thầu “Gói thầu số 51.1C: Thiết bị xử lý nước thải 1 (giai đoạn 2)” trị giá 74.873.102.128 đồng. |
Gói thầu số 51.1E Nhà bao che lò đốt rác 1,2 (nhà xử lý rác 1,2) + thiết bị xử lý rác thải 1,2 thuộc Dự án Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang sau khi phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) đã có 2 kiến nghị của nhà thầu. Các nhà thầu cho rằng, một số tiêu chí trong HSMT là độc quyền của một hãng, công nghệ xử lý rác thải lạc hậu...
Gói thầu nêu trên do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Kiên Giang làm bên mời thầu (BMT), Sở Y tế tỉnh Kiên Giang làm chủ đầu tư. Gói thầu có giá 113,452 tỷ đồng, được tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng, phát hành HSMT từ ngày 17/12/2020 đến ngày 7/1/2021.
Ngày 23/12/2020, BMT có văn bản điều chỉnh HSMT về yêu cầu kỹ thuật từ “hệ thống xử lý rác thải y tế công nghệ Plasma” thành “hệ thống xử lý rác thải y tế công nghệ Plasma (hoặc công nghệ khác tương đương hoặc công nghệ hiện đại, tiên tiến hơn công nghệ Plasma)”. Theo BMT, sau khi rà soát, nhận thấy có sơ suất về nội dung này nên đã điều chỉnh kịp thời. Tuy nhiên, các tiêu chí kỹ thuật còn lại của HSMT không đổi.
|
Ông Trần Ngọc Tính (bìa trái), Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Kiengiang.gov.vn |
Ngày 5/1/2021, BMT tiếp tục có văn bản trả lời kiến nghị của nhà thầu về các vấn đề nêu trên. Theo BMT, công nghệ sử dụng Plasma để xử lý rác thải là công nghệ hiện đại, tiên tiến. “Tại Việt Nam và trên thế giới, không có nhà cung cấp nào độc quyền công nghệ hoặc độc quyền sản xuất các thiết bị cho công nghệ này”, BMT khẳng định.
BMT cũng cho rằng, trong nước có nhiều nhà cung cấp hệ thống đốt rác sử dụng công nghệ này và nhiều nhà thầu có giấy phép bán hàng hoặc ủy quyền bán hàng từ nhà sản xuất đều có thể cung cấp và lắp đặt. BMT còn cho rằng, hiện có nhiều nhà cung cấp nước ngoài cho các thiết bị đầu đốt Plasma.
“Phương án và công nghệ xử lý rác thải đã được thông qua các cấp có thẩm quyền ở Kiên Giang và tất cả các thông số kỹ thuật đều được xây dựng theo hướng mở, không có bất cứ yêu cầu nào về thương hiệu, kiểu dáng hay xuất xứ thiết bị và các nhà thầu vẫn được quyền chào thầu với công nghệ khác”, BMT cho biết.
Sau đó, đã có nhà thầu lên tiếng về vấn đề này, Họ cho rằng, Hệ thống xử lý rác thải y tế công nghệ Plasma mà HSMT yêu cầu là công nghệ độc quyền của hãng Petech Việt Nam (Công ty CP Khoa học Công nghệ Pectech). Nhà thầu cho biết, cấu hình kỹ thuật cho hệ thống thiết bị của gói thầu này là hệ thống công nghệ Petech PJMI xử lý rác thải do Petech sáng chế, có sử dụng một số thiết bị chính (như đầu đốt Plasma...) của các hãng nước ngoài. Hiện nay chỉ duy nhất công nghệ Plasma PJMI của Petech đáp ứng toàn bộ các yêu cầu của HSMT, như: thủy tinh hóa rác thải; hệ thống xử lý; đầu đốt sơ cấp…
Vì vậy, có ý kiến cho rằng, HSMT của chủ đầu tư đang “cài cắm” xuất xứ, nhãn hiệu của hàng hóa để Liên danh Công ty CP Khoa học Công nghệ Petech - Công ty TNHH Năng Lượng Mặt Trời Đỏ Long An (REDSUN) trúng thầu.
Và cuối cùng, vào ngày 25/11/2019, ông Trần Ngọc Tính, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Kiên Giang cũng đã phê duyệt cho Liên danh Công ty CP Khoa học Công nghệ Petech - Công ty TNHH Năng Lượng Mặt Trời Đỏ Long An (REDSUN) trúng thầu “Gói thầu số 51.1C: Thiết bị xử lý nước thải 1 (giai đoạn 2)” trị giá 74.873.102.128 đồng.
Từng dính lùm xùm về đấu thầu
Mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Kết luận Thanh tra chuyên đề diện rộng việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh.
Việc thanh tra được thực hiện toàn diện trải qua nhiều năm, nhiều lĩnh vực trong ngành và nhanh chóng phát hiện sai phạm nối tiếp của ngành y tế Kiên Giang.
Trong 5 năm từ năm 2014-2019, Sở Y tế đã trình UBND tỉnh Kiên Giang lựa chọn 15 gói thầu thầu thuốc và mua sắm trang thiết bị y tế tại Sở Y tế với 9.800 mặt hàng với gần 6.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, riêng tại gói thầu 2017-2018, 2019-2020 có nhiều ẩn khuất. Cụ thể, Sở Y tế xây dựng kế hoạch danh mục, số lượng, giá trị thuốc năm 2017-2019 nhưng chưa căn cứ vào năm 2016 (năm 2016 là 1.646 mặt hàng với số tiền hơn 750 tỷ đồng), trong khi xây dựng kế hoạch danh mục thuốc năm 2017-2018 là hơn 2.800 mặt hàng với số tiền hơn 2.200 tỷ đồng.
Thời gian này, Sở Y tế còn xây dựng kế hoạch danh mục thuốc chưa sát thực tế sử dụng. Điển hình như trúng thầu 1.500 tỷ đồng nhưng thực tế chỉ mua hơn 800 tỷ đồng (đạt 35% so với giá trúng thầu kế hoạch 800/2.200 tỷ).
Chưa hết, quá trình đấu thầu, Sở Y tế không đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu lên trên trang hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; các thành viên của tổ thẩm định không ký tên trong báo cáo thẩm định hồ sơ mời thầu…
Thanh tra còn kết luận, việc mua sắm trang thiết bị y tế của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Sở Y tế và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh, tồn tại nhiều điểm nhập nhèm, có dấu hiệu gian dối.
Qua thanh tra tại gói thầu 34, phần 2, tại Bệnh viện Ung Bướu tỉnh Kiên Giang (máy mô phỏng giá trị hơn 25 tỷ đồng) đã phát hiện việc thay đổi các thông số kỹ thuật của Trạm làm việc mô phỏng.
“Việc thay đổi các thiết bị, cấu hình không có biên bản xử lý kỹ thuật, không có ý kiến của các đơn vị có liên quan trong quá trình nghiệm thu, thanh lý là chưa đúng theo hợp đồng kinh tế đã ký” – trích Kết luận Thanh tra của UBND tỉnh Kiên Giang.
Không chỉ tại Sở Y tế mà ở các đơn vị trực thuộc ngành y tế như Bệnh viện Y dược cổ truyền, Bệnh viện Bình An cũng tồn tại sai phạm trong việc mua sắm, đấu thầu và thanh toán bảo hiểm y tế.
Riêng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang, từ năm 2016-2019, đơn vị này đã thực hiện 10 gói thầu mua sắm thiết bị y tế với tổng giá trị hơn 41.000 tỷ đồng.
Mặc dù mua sắm với con số “khủng” nhưng phía Bệnh viện Đa khoa tỉnh lại không lập kế hoạch mua thiết bị y tế, năng lực về nhân sự của tổ chuyên gia không đảm bảo, thực hiện không tuân thủ quy định của Luật đấu thầu trong việc thương thảo ký kết hợp đồng; không trình phê duyệt kế hoạch đấu thầu, không đăng tải thông báo mời thầu, không thẩm định hồ sơ yêu cầu và kết quả lựa chọn nhà thầu, mua sắm vượt quy mô…
"Qua đánh giá hồ sơ đề xuất của tổ chuyên gia: 56/58 nhà thầu đạt, với 319 mặt hàng, tổng giá trị 55.602.169.516 đồng, tuy nhiên, Bệnh viện phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu tại Quyết định số 1016/QĐ-BV có 57 nhà thầu trúng thầu với 325 mặt hàng, giá trị 56.321.214.001 đồng (Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tạ Thiên Ân không đạt về kỹ thuật nhưng được phê duyệt trúng thầu) là vi phạm Khoản 5, Điều 20 Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ" -theo Kết luận Thanh Tra.
Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn xây dựng danh mục giá mua sắm vật tư y tế có 3 mặt hàng chọn giá không đúng quy định với số tiền chênh lệch 230 triệu đồng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.
Lãnh đạo Sở Y tế Cần Thơ bị khởi tố vì gói thầu thiết bị y tế Vào tháng 3/2021, nguyên giám đốc Bùi Thị Lệ Phi và giám đốc Cao Minh Chu cùng 9 người khác bị khởi tố là do sai phạm trong đấu thầu mua sắm trang y tế tại sở này. Hai gói thầu được Cơ quan điều tra Bộ Công an yêu cầu các cơ quan chức năng TP Cần Thơ cung cấp hồ sơ, tài liệu là gói thầu số 1 - hệ thống DSA hai bình diện tại Bệnh viện Tim mạch và gói thầu số 5 - trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, do Sở Y tế TP Cần Thơ làm chủ đầu tư. Các bị can tại Sở Y tế Cần Thơ (chủ đầu tư), đơn vị dự thầu thẩm định giá không công bằng, minh bạch trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế. |
Theo Minh Anh/Sở Hữu Trí Tuệ và Sáng Tạo