Bán hàng dưới giá vốn khiến Công ty lỗ gộp 1.3 tỷ đồng
Theo thông tin từ Vietstock, BCTC hợp nhất quý 3/2019, CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex, HoSE: FTM) ghi nhận doanh thu hơn 360 tỷ đồng, tăng gần 54% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, việc bán hàng dưới giá vốn khiến Công ty bị lỗ gộp 1.3 tỷ đồng.
Dù rằng hoạt động tài chính đã tích cực hơn cùng kỳ và các chi phí cũng giảm nhưng kết quả là FTM vẫn lỗ gần 13 tỷ đồng trong quý 3, ghi nhận quý thứ 3 liên tiếp thua lỗ. Như vậy, sau 9 tháng, FTM đạt doanh thu 810 tỷ và lỗ 43.3 tỷ đồng.
|
Nguồn: VietstockFinance. |
Theo ndh, về nguồn vốn, công ty vay nợ ngắn và dài hạn 724 tỷ đồng, chiếm 42% tổng tài sản khiến Fortex gánh chịu khoản chi phí lãi vay lớn. Lợi nhuận chưa phân phối của doanh nghiệp còn hơn 30 tỷ đồng trên vốn điều lệ 500 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, công ty ghi nhận doanh thu giảm nhẹ còn 810 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn cao cùng với gánh nặng lãi vay lớn khiến Fortex bị thua lỗ hơn 43 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi 29 tỷ đồng.
Theo kế hoạch kinh doanh được đề ra cho năm 2019, công ty đặt mục tiêu doanh thu 1.225 tỷ đồng và có lãi 22,5 tỷ đồng. Với kết quả trên, khả năng hoàn thành kế hoạch của Fortex rất khó khăn.
Tính đến 30/9, doanh nghiệp ngành sợi này có tổng tài sản khoảng 1.730 tỷ đồng. Thay đổi đáng chú ý là phải phu ngắn hạn tăng nhanh từ 640 tỷ đầu quý lên 824 tỷ đồng, ngược lại hàng tồn kho giảm từ 368 tỷ về 200 tỷ đồng. Các tài sản khác không có nhiều biến động.
Cũng theo nguồn tin từ Vietstock, trước đó, ngày 18/09, giữa lúc cổ phiếu FTM đổ đèo, đơn vị này đã phát đi thông cáo rằng hoạt động kinh doanh vẫn bình thường với 3 ca sản xuất liên tục.
Tuy nhiên, nhà đầu tư chắc phần nào cũng đoán được kết quả kinh doanh thua lỗ của FTM trong quý 3 khi mà thị trường chủ lực của Công ty là Trung Quốc đang đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ cuộc thương chiến với Mỹ.
Kết phiên giao dịch 18/10, cổ phiếu FTM có giá 3,620 đồng/cp, bốc hơi 85% thị giá trong 3 tháng qua.
|
Nguồn: VietstockFinance. |
Dự kiến ngày 29/10, FTM sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2019. Được biết, nội dung của cuộc họp sẽ xoay quanh việc bầu bổ sung nhân sự, tái cấu trúc hoạt động của Công ty sau những chuỗi ngày “sóng gió” vừa qua.
Giữa lúc cổ phiếu FTM vẫn đang "đổ đèo không hồi kết", Chủ tịch Nguyễn Hoàng Giang đã gửi đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và FTM đã ra quyết định chấp thuận việc miễn nhiệm của ông Giang kể từ ngày 16/09/2019.
Để đảm bảo cho việc bầu Chủ tịch mới đủ điều kiện điều hành các công việc, trong tài liệu Đại hội bất thường được công bố, HĐQT FTM sẽ thực hiện bầu bổ sung thêm 3 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2016-2020 gồm ông Lê Mạnh Thường, ông Đỗ Văn Sinh và bà Đỗ Thị Bích Vân.
Đáng chú ý, trong danh sách đề cử là trường hợp của ông Lê Mạnh Thường, ông Thường được biết đến là “thuyền trưởng” của FTM khi đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Công ty trong giai đoạn 06/2016 - 04/2019.
Tại FTM, ông Thường là cổ đông lớn khi nắm giữ 5.1 triệu cổ phiếu FTM, tương ứng với sở hữu 10.2% vốn Công ty.
Hiện tại, ông Thường đang là Phó Chủ tịch Long Hậu (HOSE: LHG), Phó Chủ tịch Chiếu sáng Công cộng TP HCM (UPCoM: CHS) và Chủ tịch Xuất nhập khẩu Thủy sản Miền Trung (UPCoM: SPD).
Về “sóng gió” của FTM, kể từ phiên 14/08, với chuỗi giảm sàn liên tiếp, cổ phiếu FTM đánh mất hơn 88% thị giá sau đợt tăng điểm mạnh. Trước đó, tính tới 13/08, cổ phiếu này đạt mức tăng gần 60% so với thời điểm một năm trước. May thay, chuỗi giảm sàn liên tiếp 30 phiên của cổ phiếu FTM đã kết thúc trong phiên sáng 27/09. Trước những biến động tiêu cực này, FTM đã nhanh chóng “trấn an” cổ đông và cho biết, do ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, sản lượng tiêu thụ và giá bán sợi của FTM sụt giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2019. Điều này dẫn đến doanh thu của FTM sụt giảm mạnh. Trong khi đó, giá bông nguyên liệu đầu vào giảm không đáng kể dẫn đến Công ty ghi nhận lỗ hơn 31 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019. Với kết quả kinh doanh không như kỳ vọng, một số nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu FTM đã lo ngại và bán số lượng cổ phiếu lớn ra thị trường. Khó khăn chồng chất khó khăn, kết quả kinh doanh thua lỗ cộng với giá trị cổ phiếu giảm mạnh đã tác động tiêu cực đến quyền lợi của các cổ đông hiện hữu cũng như các nhà đầu tư và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hình ảnh của Công ty trên thị trường. |