|
Diễn biến giao dịch cổ phiếu HPX. Ảnh SSI |
Chốt phiên 9/11, cổ phiếu HPX của CTCP Đầu tư Hải Phát giảm kịch biên độ về mức giá 22.700 đồng/CP. Đây là phiên giảm điểm thứ 10 trong 14 phiên gần nhất của HPX, với thanh khoản vỏn vẹn 4.000 đơn vị được khớp dù có tới hàng trăm nghìn cổ phiếu được kê giá sàn.
HPX giảm sàn trong bối cảnh cổ phiếu bất động sản nói chung đang chịu áp lực bán mạnh. Một loạt các tập đoàn lớn và lãnh đạo bị bán giải chấp lượng lớn cổ phiếu, tiêu biểu nhất là trường hợp của ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt (HoSE: PDR), và ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (HoSE: DIG).
Về HPX, mã này gần như được "neo" giá, luôn đi ngang quanh vùng giá 25.000 đồng/CP – 27.000 đồng/CP từ tháng 4 đến nay. Do vậy việc HPX đột ngột giảm sàn mất thanh khoản là diễn biến thu hút nhiều sự chú ý của nhà đầu tư.
Đầu tư Hải Phát có tiền thân là CTCP Xây dựng - Du lịch Hải Phát được thành lập năm 2003 và lên sàn HoSE năm 2018, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và xây dựng. Sau gần 20 năm hoạt động và phát triển, công ty này hiện là một trong những doanh nghiệp bất động sản có tiếng ở miền Bắc với các dự án nổi tiếng như Khu đô thị Văn Phú - Hà Đông, Dự án Khu đô thị Tân Tây Đô - Đan Phượng - Hà Nội, Dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ và căn hộ THE PRIDE - La Khê - Hà Đông...
Tính tới cuối quý 3/2022, quy mô tài sản của HPX ở mức 10.285,7 tỷ đồng, tăng 7,4% so với đầu năm. Tổng nợ phải trả là 6.651,2 tỷ đồng, trong đó nợ vay tài chính chiếm đến 4.754 tỷ đồng, tương đương 46,2% tổng nguồn vốn và cao hơn vốn chủ sở hữu 30,8%.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu hợp nhất của Hải Phát đạt 1.307,76 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 123,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 30,26% và giảm 35,4% so với cùng kỳ 2021, mới chỉ hoàn thành tương ứng 43,4% và 27,4% kế hoạch kinh doanh và lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên (AGM) hồi tháng Tư vừa qua.
Về cơ cấu sở hữu, Chủ tịch HĐQT Đỗ Quý Hải là cổ đông lớn nhất của công ty, nắm giữ gần 121,8 triệu cổ phần HPX tương đương tỷ lệ 40,04%. Cổ đông lớn thứ 2 là quỹ ngoại Vietnam Enterprise Investments Limited với 26,5 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 8,72%. Tuy nhiên cơ cấu sở hữu của Hải Phát lại rất cô đặc, thể hiện rõ qua tỷ lệ tham dự các ĐHĐCĐ gần đây, như tại AGM 2022 là 95,24%, còn lại trước đó 1 năm, tại AGM 2021, con số này lên tới hơn 99%.
Theo tìm hiểu của Mekong Asean, gia đình Chủ tịch HĐQT Đỗ Quý Hải từng thế chấp một lượng lớn cổ phiếu HPX cho các khoản vay. Tiêu biểu nhất là 15,2 triệu cổ phiếu HPX của vợ chồng ông Đỗ Quý Hải và bà Chu Thị Lương được sử dụng làm đảm bảo cho nghĩa vụ của CTCP Đầu tư Hải Phát trong đợt phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu cuối năm 2017 đối với Ngân TNHH Indovina.
Cuối năm 2020, ông Hải và bà Lương cũng dùng 6,05 triệu cổ phiếu HPX để cầm cố tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Vào năm 2018, ông Hải cũng dùng 5,5 triệu cổ phần của Đầu tư Hải Phát khi đang được lưu ký tại CTCP Chứng khoán MB (MBS) để làm đảm bảo cho khoản vay 30,096 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Tới tháng 6/2020, ông Hải dùng tiếp 5,95 triệu cổ phiếu HPX đang được lưu ký tại MBS làm đảm bảo cho hợp đồng giao dịch tại công ty chứng khoán này.
Bên cạnh đó, trong năm 2020, bà Chu Thị Lương cũng nhiều lần sử dụng hàng triệu cổ phiếu HPX làm đảm bảo cho các giao dịch tại CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam và CTCP Chứng khoán MB.