Tại Nghị quyết đại hội cổ đông bất thường lần thứ 1 năm 2020 của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), các cổ đông đã tán thành với tỉ lệ 99,8% thông qua chủ trương đầu tư dự án thành phần 3 - Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Cụ thể, dự án có tổng mức đầu tư (bao gồm các khoản thuế) hơn 99.019 tỉ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu tối thiểu 36.102 tỉ đồng. Phần còn lại, ACV sẽ sử dụng vốn vay (không sử dụng bảo lãnh Chính phủ) và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định.
Trường hợp tăng vốn chủ sở hữu để đầu tư dự án, ACV sẽ giảm tương ứng chi phí vốn vay và các chi phí liên quan dự kiến huy động các nguồn vốn khác đầu tư dự án, bảo đảm việc thực hiện dự án tiết kiệm, hiệu quả…
Theo biên bản đại hội cổ đông bất thường của ACV, các cổ đông đã đặt những câu hỏi liên quan đến kế hoạch huy động vốn để thực hiện dự án xây dựng sân bay Long Thành. Như việc ACV có kế hoạch phát hành thêm cổ phần để tăng vốn điều lệ nhằm thực hiện dự án hay không?; kế hoạch huy động vốn từ các nguồn vốn vay, phát hành trái phiếu; mức lãi suất huy động vốn bao nhiêu?...
Các cổ đông cũng quan tâm về tính hiệu quả của dự án xây sân bay Long Thành như thời gian hoàn vốn, đóng góp doanh thu, lợi nhuận của dự án?
|
ACV sẽ đóng vai trò là nhà đầu tư chủ chốt, dẫn dắt tại Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành. |
Trước đó, tháng 11/2020, Thủ tướng đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với mục tiêu đầu tư xây dựng sân bay đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Sân bay Long Thành sẽ được đầu tư xây dựng giai đoạn 1 với 1 đường cất hạ cánh; 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 lên tới 109.111 tỉ đồng, thời gian thực hiện dự án từ năm 2020 và hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025.
Theo quyết định, dự án được phân chia thành 4 dự án thành phần. Trong đó, Dự án thành phần 1 – các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước được Thủ tướng giao các cơ quan quản lý nhà nước liên quan (Hải quan, Công an, Công an cửa khẩu, Cảng vụ, Kiểm dịch y tế) bố trí nguồn vốn thực hiện. Trường hợp không có khả năng bố trí vốn, các cơ quan quản lý nhà nước lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BTL hoặc BLT.
Dự án thành phần 2 – các công trình phục vụ quản lý bay, chủ đầu tư được Thủ tướng giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam làm chủ đầu tư.
Dự án thành phần 3 – các công trình thiết yếu trong cảng, bao gồm: nhà ga hành khách, hạ tầng hàng không, hệ thống cấp nước, xử lý nước thải; nhà ga hàng hóa số 1, nhà để xe; hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và số 2… sẽ do ACV làm chủ đầu tư.
Dự án thành phần 4 – các công trình khác… sẽ thực hiện bởi các nhà đầu tư, chủ đầu tư do Bộ GTVT chủ trì lựa chọn.
Thủ tướng yêu cầu các dự án thành phần 2, 3, 4 sẽ chỉ được sử dụng vốn của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ. Dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không được giao ACV làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp.
Liên quan đến kết quả kinh doanh của ACV trong năm nay, Văn phòng Tổng công ty cho biết tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh năm 2021, dù hàng không là một trong những ngành bị thiệt hại nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19, nhưng ACV vẫn vượt 15% kế hoạch lợi nhuận năm 2020.
Trước đó, đại hội cổ đông thường niên 2020 vào tháng 6, ACV đã đặt mục tiêu tổng doanh thu trong năm là 11.317 tỉ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế hơn 2.000 tỉ đồng.
Theo Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam