Cụ thể, ngày 1//9/2021, Sebastien Missoffe, người đứng đầu chi nhánh Google tại Pháp, cho biết, hãng này đang tiến hành kháng cáo quyết định của Cơ quan Quản lý cạnh tranh (CA) của Pháp về án phạt 500 triệu euro (590 triệu USD) do đã không đàm phán có "thiện chí" với các công ty truyền thông về việc sử dụng nội dung của họ một cách phù hợp với các quy định bản quyền của Liên minh châu Âu (EU).
Sebastien Missoffe cũng khẳng định rằng hãng này không đồng ý với một số vấn đề về pháp lý và số tiền phạt không phù hợp so với những nỗ lực mà Google đã thực thi để đạt được thỏa thuận cũng như sự tôn trọng đối với quy định mới.
|
-- |
Trước đó, vào tháng 7/2021, CA Pháp đã đưa ra quyết định xử phạt 500 triệu Euro đối với Google liên quan tới các vi phạm bản quyền của EU. Được biết, đó là mức phạt nặng nhất từ trước tới nay mà cơ quan này đưa ra đối với một công ty không tuân thủ phán quyết của CA Pháp.
Theo CA Pháp, Google đã thất bại trong việc đàm phán có "thiện chí" với các công ty truyền thông trong một cuộc chiến pháp lý kéo dài về việc “gã khổng lồ” Internet này cho hiển thị trên danh sách kết quả tìm kiếm các bài viết, ảnh và video do các nhóm truyền thông sản xuất mà không trả tiền nhuận bút phù hợp, dù Google thu về một lượng tiền khổng lồ từ quảng cáo trên mạng.
Tháng 4/2020, sau khi Google từ chối thực thi luật mới của EU về bản quyền kỹ thuật số, CA Pháp đã yêu cầu Google phải tiến hành đàm phán "có thiện chí" trong thời gian 3 tháng với các nhà xuất bản và công ty truyền thông về bản quyền tin tức.
Luật mới của EU nhằm đảm bảo rằng các nhà xuất bản được trả nhuận bút khi các tin/bài của họ hiển thị trên các trang mạng, công cụ tìm kiếm và các nền tảng truyền thông xã hội.
Nhưng đến tháng 9/2020, các nhà xuất bản (bao gồm cả hãng thông tấn AFP) đã khởi kiện lên CA Pháp, cho rằng Google không tuân thủ các nghĩa vụ thanh toán của mình.
Trong khi đó, ông Missoffe khẳng định Google vẫn tôn trọng luật của EU và cam kết ký kết các thỏa thuận tại Pháp.
Ông cho biết Google đã mở rộng đề nghị của mình cho gần 1.200 nhà xuất bản và đưa vào các điều khoản sửa đổi trong hợp đồng. Bên cạnh đó, Google cũng đã chia sẻ dữ liệu được yêu cầu để tuân thủ quyết định của CA Pháp.