Mỹ đã theo đuổi các lệnh trừng phạt đối với Huawei từ năm ngoái, bắt đầu bằng việc đưa công ty vào danh sách thực thể, dẫn đến việc Google cắt đứt mối quan hệ hợp tác với Huawei. Do đó, các mẫu điện thoại sử dụng hệ điều hành Android được sản xuất bởi Huawei và Honor (công ty con của Huawei) không còn được cài đặt sẵn các ứng dụng và dịch vụ của Google.
Các hạn chế gần đây được chính phủ Mỹ đưa ra đã làm cho Huawei không thể kêu gọi sự hỗ trợ từ các nhà sản xuất để phát triển chip Kirin, một dòng chip chiến lược và rất quan trọng đối với Huawei cũng như không thể mua được các sản phẩm chip đến từ các nhà sản xuất như Qualcomm hoặc MediaTek.
|
Hệ điều hành Harmony OS được chờ đợi vào năm 2021. |
Lý do đằng sau đó là hầu hết ngành công nghiệp, bao gồm các nhà sản xuất theo hợp đồng và nhà cung cấp ống kính máy ảnh, sử dụng công nghệ có xuất xứ từ Mỹ đều sẽ phải xin giấy phép đặc biệt nếu muốn tiếp tục kinh doanh với Huawei sau ngày 15/9.
Huawei "lội ngược dòng" để vực dậy thị trường
Dẫn lời Giám đốc Richard Yu - Giám đốc bộ phận kinh doanh và tiêu dùng của Huawei, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin tập đoàn đang chuẩn bị chuyển từ hệ điều hành Android của Google sang hệ điều hành Harmony OS như một động thái quyết định khi muốn duy trì sự cạnh tranh trong mảng sản xuất điện thoại di động bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Phát biểu tại một hội nghị các nhà phát triển tổ chức ngày 10/9 ở thành phố Đông Hoản miền Nam Trung Quốc, Giám đốc Richard Yu cho biết hệ điều hành Harmony OS của Huawei sẽ được cài đặt trong mọi loại thiết bị di động của tập đoàn từ năm sau.
“Phiên bản Harmony OS mới nhất sẽ chính thức triển khai toàn cầu. Hệ thống dịch vụ di động Huawei hiện có 1,8 triệu nhà phát triển ứng dụng và 490 triệu người dùng, cũng như 96.000 ứng dụng", ông Yu chỉ ra.
HarmonyOS cũng là hệ điều hành mã nguồn mở kiểu như Android. Huawei phải dựa vào HarmonyOS, khi mà Google cắt nguồn cấp Android, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang. Tất nhiên theo Richard Yu tiết lộ, HarmonyOS 2.0 có thể chỉ dành cho thị trường nội địa Trung Quốc.
Bên cạnh việc bị mất nguồn cấp hệ điều hành từ Mỹ, Huawei cũng gặp khó khăn do Mỹ ngăn chặn nguồn nhập chip của họ. Những khó khăn này đã ảnh hưởng ngay đến doanh số điện thoại thông minh của hãng. Do đó, việc chuyển sang HarmonyOS được đánh giá là bước ngoặt, tác động rất lớn đến tương lai của hãng trong việc phát triển điện thoại. Hãng đã vượt qua Samsung để dẫn đầu về doanh số smartphone trong quý II/2020.
Một số chuyên gia phân tích hoài nghi khả năng thay thế Android của Harmony, nhất là tại các thị trường bên ngoài Trung Quốc, nơi các dịch vụ và ứng dụng Google như YouTube, Gmail rất phổ biến.
"Ngay cả khi Huawei tạo ra nhiều động lực hơn cho các nhà phát triển, hãng vẫn phải lội ngược dòng để thuyết phục họ đầu tư thời gian để chuyển ứng dụng của mình từ Android sang HarmonyOS, nhất là khi số lượng người dùng hệ điều hành này rất nhỏ", Bryan Ma, chuyên gia tại hãng nghiên cứu IDC, nhận xét.
Bên cạnh vấn đề về nền tảng, Huawei cũng gặp rắc rối vì cạn kiện chip do lệnh cấm của Mỹ. Tháng trước, ông Yu thừa nhận Huawei có thể sẽ khó cho ra đời smartphone tích hợp chip Kirin của hãng sau 2020. "Năm nay có thể đánh dấu thế hệ chip Kirin cuối cùng được xuất xưởng. Đây là tổn thất lớn với chúng tôi", ông nói.
Minh Phương (T/H)/ Sở hữu trí tuệ