Theo thống kê, 9 tháng qua TP. HCM đã thu hút được 953 triệu USD vốn FDI mới, tăng 49% so với năm trước, chủ yếu đầu tư vào bất động sản, thương mại và công nghiệp.
|
Theo đó, trong giai đoạn từ 2015 đến 2019, nhờ nguồn FDI đến từ nhiều quốc gia khác nhau, đối tượng thuê căn hộ dịch vụ tại TP. HCM ngày càng đa dạng, chủ yếu đến từ các nước châu Á như Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ở thời điểm hiện tại, TP. HCM có khoảng 5.800 căn hộ dịch vụ. Trong 9 tháng, toàn thị trường ghi nhận công suất thuê trung bình 87%, tăng 2% theo quý và 4% theo năm. Trong khi đó giá thuê giữ ở mức 25 USD/m2/tháng (khoảng 580.000 đồng/m2/tháng), tăng 1% theo năm.
Giá thuê tăng theo năm đến từ sự tăng giá của các căn hộ hạng B đạt 29 USD/m2 /tháng, tăng 4% theo năm. Công suất của các dự án hạng B và C lần lượt đạt 85%. Tuy nhiên trong quý vừa qua cũng có hai dự án căn hộ dịch vụ hạng C phải đóng cửa do áp lực từ các căn hộ mua để cho thuê được bàn giao. Cạnh tranh ở mảng căn hộ dịch vụ được dự báo sẽ gia tăng từ các nền tảng dịch vụ mới, các dự án khách sạn mới và xu hướng đầu tư căn hộ cho thuê.
Đến năm 2022, thị trường kỳ vọng đón 1.500 căn đáp ứng cho nhu cầu thuê dài hạn tăng. Nguồn cung tương lai tập trung ở khu vực trung tâm và các khu đô thị mới nơi sở hữu hàng loạt toà nhà thương mại và trung tâm mua sắm đáp ứng nhu cầu phục vụ của phân khúc cao cấp. Nguồn cung ở Quận 2, đặc biệt là Khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự kiến tăng 9% mỗi năm, cao hơn mức tăng trung bình 5% mỗi năm của khu vực trung tâm trong giai đoạn 2020 - 2022.
Trong khi đó tại Hà Nội, báo cáo của Savills cũng vừa cho biết, loại hình căn hộ dịch vụ (phân khúc hạng A) và một số dự án có thương hiệu tiếp tục dẫn dắt thị trường. Giá thuê của những dự án có thương hiệu cao hơn 19% so với những dự án còn lại.
Trong quý III, nguồn cung đạt 4.330 căn, giảm 8% theo quý, do thị trường chỉ có thêm một dự án mới nhưng lại có hai dự án đóng cửa. Điều này dẫn đến giá thuê trung bình tăng 4% theo quý và công suất thuê đạt 84%.
Bà Hoàng Diệu Trang, Quản lý cấp cao Bộ phận cho thuê thương mại Savills Việt Nam nhận định, thị trường căn hộ dịch vụ tại Hà Nội đang cho thấy những đổi thay rõ rệt về diện tích căn hộ và thời hạn thuê, theo hướng diện tích nhỏ và thời gian thuê linh hoạt hơn.
Thống kê của đơn vị này cho thấy, nếu vào năm 1996, tỷ trọng căn studio và một phòng ngủ chỉ chiếm 16%, thì đến quý III/2019, con số này đã là 46%. Ngoài ra, khách thuê không chỉ là các chuyên gia nước ngoài và thương nhân cấp cao với nhu cầu thuê lâu dài mà còn có khách MICE/khách du lịch với nhu cầu ở ngắn hạn. Nhờ hợp tác với các đại lý du lịch trực tuyến, hơn 90% các nhà quản lý căn hộ dịch vụ đáp ứng nhu cầu thuê theo tháng và theo ngày thay vì hợp đồng năm.
|
Trong khi đó, nhìn nhận về vai trò của dòng vốn FDI và những tác động đến phân khúc căn hộ dịch vụ, bà Hằng cho rằng, với 6,1 tỷ USD vốn FDI thu hút được trong 9 tháng đầu năm, Hà Nội đang giữ một vị trí quan trọng trong bản đồ đầu tư và phân khúc căn hộ dịch vụ sẽ được hưởng lợi.
Theo bảng xếp hạng Best Coutries to Invest In 2009 của U.S. New và World Report, Việt Nam đã tăng từ thứ 23 lên thứ 8 về thu hút đầu tư. Đặc biệt, lượng khách du lịch, chuyên gia, lao động đến Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung theo quốc tịch FDI cũng có sự thay đổi, dịch chuyển. Các quốc gia có vốn FDI lớn đổ vào Việt Nam cũng kéo theo nhiều hơn lượng khách du lịch, chuyên gia, lao động đi cùng.
“Căn hộ dịch vụ vẫn luôn là phân khúc hoạt động tốt, ổn định. Trong quý IV/2019, với việc có thêm bốn dự án lớn dự kiến gia nhập thị trường, cung cấp thêm khoảng 1.000 căn hộ, sẽ khiến thị trường này thêm sôi động. Đặc biệt, ba thương hiệu quản lý tầm cỡ quốc tế dự kiến sẽ tiếp tục hiện diện tại thị trường, cho thấy sức hấp dẫn của phân khúc căn hộ dịch vụ tại Hà Nội trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài”, bà Trang dự báo.
Theo Đức Hậu/Thời Báo Chứng Khoán