|
Giao dịch condotel giảm mạnh từ năm 2017 đến nay do chủ đầu tư bung hàng nhiều và tranh cãi pháp lý. |
Khi làm thủ tục từ giao đất tới hình thành tài sản, condotel được xác định là đất sản xuất kinh doanh. Cấp phép xây dựng cho condotel phải căn cứ quy hoạch và mục đích cho thuê đất. Chế độ sử dụng đất, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được nêu trong Luật Đất đai. Trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận cũng được quy định tại Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi nghị định hướng dẫn Luật Đất đai của Chính phủ.
Ông Mai Văn Phấn chia sẻ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có quan điểm cầu thị, cần làm rõ pháp lý, nếu chưa có thì phải tiếp thu, bổ sung, nếu không phù hợp với thực tiễn thì điều chỉnh. Hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho condotel chỉ có Đà Nẵng và Bình Định. Nhưng tại 2 địa phương này lại "sáng tác" ra khái niệm "mù mờ" là nhà ở nhưng không hình thành đơn vị ở.
Còn trên thực tế, không có địa phương nào, cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phản ánh khó khăn trong khâu này. Đất giao sản xuất kinh doanh, phê duyệt hồ sơ dự án kinh doanh dịch vụ thời hạn 50 năm thì đầu ra là giấy chứng nhận quyển sử dụng đất cũng phải tuân thủ điều này. Do đó, không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho condotel là đất ở lâu dài, bởi như vậy là trái luật - ông Mai Văn Phấn khẳng định.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận xét, vấn đề condotel đã từng được bàn thảo từ năm 2015. Đây là loại hình du nhập từ nước ngoài, có sự nhầm lẫn hình thức kinh doanh. Thống kê chưa đầy đủ, cả nước có khoảng 55.000 căn hộ condotel, tập trung phần lớn ở Khánh Hoà, Phú Quốc và các tỉnh ven biển. Giao dịch condotel giảm mạnh từ năm 2017 đến nay do chủ đầu tư bung hàng nhiều và tranh cãi pháp lý.
Trong 2 năm trở lại đây, dư luận tiếp tục tranh cãi về condotel. Bộ Xây dựng đã khẳng định đây không phải là nhà ở, condotel là tên gọi của nước ngoài, pháp luật Việt Nam không sử dụng từ ngữ này.
Condotel là cơ sở lưu trú du lịch. Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định là đất kinh doanh dịch vụ. Do đó, cần thống nhất tên gọi là căn hộ du lịch, biệt thự du lịch để từ đó thể hiện đúng trách nhiệm và vai trò quản lý của ngành văn hoá, du lịch. Trong đầu tư xây dựng, do áp dụng từ ngữ nước ngoài nên pháp luật Việt Nam chưa thể điều chỉnh được ngay.
Bộ Xây dựng đã xây dựng tiêu chuẩn và cần bổ sung tiêu chuẩn này trong pháp luật xây dựng. Còn điều kiện kinh doanh condotel đã được quy định tại Điều 9 và Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản về hợp đồng mua bán theo mẫu và sự ràng buộc đối với năng lực chủ đầu tư cả về chuyên môn lẫn tài chính - ông Nguyễn Mạnh Khởi cho biết.
Ông Lương Hoài Nam - thành viên Tổ tư vấn du lịch quốc gia cho rằng, condotel là loại hình bất động sản cần thiết để phát triển du lịch Việt Nam trong bối cảnh ngành tăng trưởng nhanh nhưng cơ sở lưu trú hiện tại còn rất thiếu cho phân khúc khách hàng cao cấp. Tuy nhiên, trong thời gian qua, một số dự án condotel bị biến tướng từ sản phẩm bất động sản sang sản phẩm tài chính, chứng khoán với lợi nhuận cam kết lên đến 12%/năm, ảnh hưởng đến sự phát triển của loại hình này.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Trung – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hung Thinh Corp chia sẻ, hiện nay pháp luật Việt Nam như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản chưa có thuật ngữ “condotel" nên chưa thừa nhận loại hình bất động sản này, gây khó khăn cho chủ đầu tư trong thiết kế, xây dựng và kinh doanh. Đơn vị tư vấn thiết kế phải vận dụng các quy định liên quan đến khách sạn, nhà ở, chợ để thiết kế loại hình condotel.
Đối với việc chuyển nhượng loại hình này, chủ đầu tư thường vận dụng về căn hộ hình thành trong tương lai để huy động vốn, để bán cho thuê. Điều 59 Luật Kinh doanh bất động sản quy định về nhà chung cư nhưng lại chưa điều chỉnh đối với condotel. Nếu pháp luật không điều chỉnh sẽ dễ xảy ra tranh chấp.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu phân tích, các chủ đầu tư đã đánh vào lòng tham người mua condotel khi đưa ra cam kết trả lợi nhuận rất cao, phổ biến từ 8-12%/năm. Trong khi đó, khách hàng và nhà đầu tư thứ cấp có thể bị nhiều rủi ro, thua thiệt vì trong các hợp đồng mua bán condotel, chủ đầu tư không đưa ra các giải pháp bảo đảm thực hiện đúng cam kết trả lợi nhuận.
Bản thân mỗi khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp lại không thể tự mình kinh doanh căn hộ condotel trong khu du lịch. HoREA đề nghị cấp “Giấy chứng nhận quyền sở hữu condotel và quyền sử dụng đất có thời hạn” cho người mua theo thời hạn của dự án. HoREA cũng đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ quy định tiêu chuẩn thiết kế đối với loại hình condotel./.
Theo TTXVN